Hiện nay, Bộ Công Thương đã lập ban soạn thảo sửa đổi nghị định 84, tiếp thu ý kiến góp ý của nhà khoa học, báo chí, sau đó dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ đăng trên website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt, chậm nhất vào ngày 30-6-2013.
Theo phát biểu của đại diện Vụ Thị trường trong nước tại cuộc họp báo Bộ Công Thương chiều 1-4, nghị định sửa đổi về quản lý kinh doanh xăng dầu sẽ công khai hơn, minh bạch hơn. Trong đó sẽ có những nội dung quy định quỹ bình ổn xăng dầu sẽ vận hành thế nào, kiểm toán, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu ra sao.
Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá, rà soát lại cách điều hành quản lý kinh doanh xăng dầu của Nghị định 84, những điều được và chưa được để đề xuất sửa đổi.
Bộ Công Thương cho biết trong điều hành kinh doanh xăng dầu sẽ tùy vào tình hình kinh tế xã hội sẽ có lúc tăng, lúc giảm giá. Trong nhiều lần trước và sau tết vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng cao, đã sử dụng quỹ bình ổn để tránh tình trạng tăng giá trước và sau tết. Đến nay cần đưa giá xăng dầu trở lại đúng theo quy định tại Nghị định 84 về quy chế kinh doanh xăng dầu, giảm bớt quỹ bình ổn.
Sở dĩ thời gian qua có chuyện tăng giá xăng dầu đột ngột là do theo quy định hiện tại giá xăng dầu tăng sẽ không được thông báo trước để tránh đầu cơ, găm hàng. Các tài liệu giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trao đổi với nhau về tăng, giảm giá xăng dầu là tài liệu mật, đại diện Vụ Quản lý thị trường trong nước cho biết.
Còn theo Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương thì chỉ trong 2 tháng đầu năm (từ ngày 25-12-2012 đến ngày 28-2-2013) lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ 917.000 lít xăng và 92.000 lít dầu xuất lậu qua biên giới.
36 doanh nghiệp xin kinh doanh xuất khẩu gạo Bộ Công Thương ngày 1-4 cho biết cơ quan này đang xem xét hồ sơ của 36 doanh nghiệp xin cấp chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo thuộc quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 23-2-2013, bộ đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh xuất khẩu gạo cho 99 doanh nghiệp đầu mối. Trước đó, vào tháng 12-2012, Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho hay cơ quan này đang soạn thảo quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, nhằm đưa ra các điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Việc khống chế số lượng thương nhân xuất khẩu gạo nhằm mục đích điều chỉnh định hướng đầu tư của các thương nhân, tránh việc đầu tư quá tràn lan, lãng phí kho bãi, cơ sở xay xát. Bộ Công Thương cũng không đặt ra con số sẽ cấp cho bao nhiêu doanh nghiệp bởi rất có thể sẽ có những doanh nghiệp có đủ điều kiện, có thị trường xuất khẩu tốt mà không lọt vào danh sách được xuất thì cũng gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Quan điểm của bộ là sẽ nâng cao năng lực xuất khẩu gạo của thương nhân thông qua các điều kiện gián tiếp về kỹ thuật hơn là khống chế số lượng tuyệt đối. Các biện pháp kỹ thuật như quy hoạch về địa bàn hoạt động, địa bàn xây dựng kho chứa, điều kiện cơ sở xay xát ra sao ... doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện này thì được xuất khẩu gạo. Đại diện Bộ Công Thương cho biết tính từ đầu năm đến ngày 21-3, đã thu mua tạm trữ gạo được 932.000 tấn, đạt 93% kế hoạch của Chính phủ giao. |