Nói đến thị trường xăng dầu, người ta không thể không nhắc tới những nỗ lực của Chính phủ nhằm hướng tới một thị trường xăng dầu minh bạch theo cơ chế thị trường. Còn nhớ, từ năm 2002 đến nay Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản, quyết định nhằm điều chỉnh thị trường, từ Quyết định 187, Quyết định 55 đến Nghị định 84 đều hướng đến mục tiêu kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thị trường cho thấy những mục tiêu đó dường như vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của thị trường.
Nguyên nhân có thể do những biến động, thay đổi thường xuyên của thị trường xăng dầu hoặc các văn bản, nghị định đó chưa được thực hiện một cách đầy đủ, minh bạch... Tất cả những điều trên dẫn tới hệ lụy là quyền và lợi ích của người tiêu dùng, DN xăng dầu và lợi ích quốc gia nhiều khi không được công khai, minh bạch.
Đã có nhiều ý kiến của chuyên gia, các hội thảo, hội nghị…cũng đã phân tích về nguyên nhân tăng giá xăng dầu ở VN. Cho dù những ý kiến đó có đúng hay sai thì có một nguyên nhân cần phải khẳng định: Quá trình chuyển đổi kinh doanh xăng dầu từ cơ chế bao cấp sang kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường là một quá trình gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi những bất cập trong việc điều hành chính sách xăng dầu ở VN, và đương nhiên cũng khó tránh khỏi sự bức xúc của người tiêu dùng. Đôi khi có thể những khó khăn của các DN xăng dầu là có thật nhưng những lý lẽ đưa ra lại không đủ thuyết phục nên tiếng nói của các DN này không được dư luận quan tâm.
Vì vậy, dư luận kỳ vọng việc ra đời Hiệp hội xăng dầu VN sẽ tạo ra những chuyển biến mới trên thị trường xăng dầu, bởi ít ra từ nay đã có một tổ chức đứng ra tập hợp những kiến nghị của các DN này để phản ảnh trực tiếp đến Chính phủ một cách đầy đủ, trung thực nhằm hướng tới lộ trình kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Điều quan trọng hơn là nó sẽ làm sáng tỏ, minh bạch những khúc mắc trong cách tính toán giá xăng dầu của các DN, cũng là để “minh oan” cho những DN làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là nó đảm bảo lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, DN và người tiêu dùng, hướng tới một thị trường văn minh, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.