Buôn lậu xăng dầu trên biển: Ngày càng nghiêm trọng và liều lĩnh
05/03/2013 8:03:00 SATin trong nước

Chưa đầy ba tháng (từ 19.12.2012 – 2.3.2013), Cảnh sát biển (CSB) đã bắt quả tang 3 vụ buôn bán trái phép xăng dầu trên biển với số lượng lớn. Đây là chiến công của lực lượng CSB, đồng thời cũng cho thấy mức độ tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng này và câu hỏi cần đặt ra: Tại sao chúng có thể và dám làm như vậy?

Xăng dầu được chở bằng tắc ráng tốc độ cao tuồn qua Campuchia. Ảnh: TT
Xăng dầu được chở bằng tắc ráng tốc độ cao tuồn qua Campuchia. Ảnh: TT

Buôn lậu cả triệu lít dầu và...

Như Lao Động đã thông tin, ngày 2.3 tại khu vực biển Quảng Nam, lực lượng tuần tra trên biển vùng CSB 2 đã phát hiện tàu PVDRAGON thuộc Cty vận tải dầu khí đang có hành vi sang mạn dầu cho tàu Quảng Hà 09 thuộc Cty kinh doanh xăng dầu Dung Quất.

Quá trình kiểm tra cho thấy 2 tàu này đang mua bán với nhau số lượng 10.000 lít dầu diesel nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 23 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số dầu trên.

Nếu như vụ việc trên chỉ mới dừng ở mức gian lận thương mại, bị xử lý hành chính thì trước đó 2 ngày (28.2), cụm trinh sát số 2 thuộc Cục Cảnh sát biển đã bắt quả tang 3 tàu đang “ăn” 819.000 lít dầu DO với đầy đủ dấu hiệu của vụ buôn lậu lớn. Cụ thể, qua quá trình trinh sát, theo dõi những biểu hiện không bình thường của Cty TNHH Nam Anh Long (trụ sở 135/1138 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22 , quân Bình Thạnh, TPHCM), lực lượng trinh sát đã đón lõng, bắt quả tang các đối tượng.

Lúc 18 giờ ngày 28.2, 3 mũi trinh sát bám sát 3 tàu Hải Minh, Hải Minh1 (thuộc doanh nghiệp tư nhân Hải Minh có trụ sở ở Cô Giang, phường 4, TP Vũng Tàu) và tàu Quốc Khánh đang chờ tàu Việt Anh để mua dầu. 3 tiếng sau, lúc 3 tàu trên đang cặp mạn tàu Việt Anh nối ống để bơm dầu thì bị bắt quả tang. Quá bất ngờ, các đối tượng đã chống đối quyết liệt nhằm phi tang, buộc các trinh sát phải nổ súng cảnh cáo. Từ đó đến 6h30 sáng hôm sau, các đơn vị chức năng đã tiến hành lập biên bản và lấy lời khai ban đầu, niêm phong tang vật. Sau đó, các tàu này lần lượt được dẫn giải về cảng CSB3 an toàn.

Với những chứng cứ không thể chối cãi, đến 3h30 sáng 2.3 các đối tượng lần lượt khai nhận hành vi vi phạm của mình, trong đó có Hồ Hồng Hiệp (thuyền trưởng tàu Việt Anh) đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm pháp của mình. Trước đó, ngày 19.2, trinh sát vùng CSB 3 đã bắt quả tang tàu Việt Hải đang bơm xăng trái phép cho 2 tàu Việt Hải 01 và Đông Hòa 09 với 917.822 lít xăng được nhập từ nước ngoài về. Vụ việc đã được Viện KSND Bà Rịa - Vũng Tàu  khởi tố vụ án: Buôn lậu và vận chuyển hàng trái phép qua biên giới.

... chống đối có bài bản

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Văn Thiếu - Trưởng phòng Trinh sát, Cục CSB - cho biết những khó khăn và cả những bất hợp lý của một số chính sách.

Theo thượng tá Thiếu, bờ biển trải dài với nhiều nơi tàu có thể trú ngụ để cạp mạn mua bán nên việc bắt quả tang rất vất vả và khó khăn. Để bắt quả tang, lực lượng chức năng đã xây dựng mạng lưới cộng tác để nắm được những điều bất thường và hành trình của những tàu buôn lậu.

Tuy nhiên, để bắt quả tang cũng không dễ chút nào. Bởi lẽ, các tàu buôn lậu dầu hiện nay thường chở khoảng 1.000m3, với số lượng này máy bơm của chúng chỉ 2 tiếng là ... OK. Nếu chậm trễ, công tác trinh sát, đón lõng coi như công không. Nhưng bắt được rồi, để xử lý hình sự cũng không dễ. Bởi cả trên tàu và trên mặt đất, các đối tượng đều có bộ hồ sơ khống đã đầy đủ con dấu, chữ ký. Chỉ cần thấy động, trong vòng 15 phút chúng đã hoàn thiện hồ sơ. Lúc đó, dù nắm chắc là chúng buôn lậu thì cũng đành thua. Lúc đó, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý hành chính vì hành vi sang mạn không đúng vị trí với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, với kinh nghiệm buôn lậu, chúng cũng học được cả cách chống đối lực lượng chức năng một cách bài bản. Đơn giản nhất là lúc đầu chúng cù nhầy tìm cách chối tội, lời khai chung chung, không hợp tác với mục đích kéo dài thời gian để hoàn thiện hồ sơ, để móc nối với cán bộ chức năng (nhưng đã bắt quả tang thì việc này là không thể) mà chúng đã “câu” được từ trước nhằm chạy tội.
 
Về pháp lý, thượng tá Thiếu cho rằng, với việc cho phép tạm nhập tái xuất xăng dầu đã tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng trong việc buôn lậu mà lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Cụ thể, các đối tượng có thể tái xuất với đầy đủ chứng từ hợp lệ, nhưng ra khỏi vùng kiểm soát rồi thì có quay lại hay không thì khó có thể kiểm soát được. Do đó, từ tháng 6.2012, chúng ta đã cấm tạm nhập tái xuất xăng dầu đối với Trung Quốc thì vùng biển phía bắc khá êm ả. Tuy nhiên, do chúng ta chưa cấm tạm nhập tái xuất xăng trên đường biển với Thái Lan, Campuchia thì vùng biển phía nam rất nóng bỏng.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent