Giữ nguyên giá xăng dầu
Trước đó, khi nhiều DN xăng dầu gửi đơn đề xuất lên Bộ Tài chính kêu lỗ, tin đồn giá xăng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng khiến nhiều người tiêu dùng và DN hoang mang. Không hoang mang sao được khi mà, trong suốt năm 2012, cứ khi có tin đồn xăng tăng giá, là y như rằng chỉ một vài hôm sau đó, giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng. Và không thể không hoang mang khi trong thời điểm nền kinh tế đang vô cùng khó khăn như hiện nay, việc tăng giá xăng sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá, người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng DN vốn đã rất khó khăn sẽ lại chồng thêm khó khăn.
Quyết định giữ nguyên giá xăng dầu ở thời điểm này đã nhận được sự đồng thuận của dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế. Bởi theo giới chuyên gia, tăng giá bán lẻ xăng dầu ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay sẽ gây sốc cho thị trường và cả nền kinh tế.
|
Tuy nhiên, sau một thời gian sống trong "thấp thỏm”, tối ngày 26-2, người dân đã đón nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giữ nguyên giá xăng dầu.
Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sáng hôm qua, 27-2, Bộ Tài chính đã chính thức phát đi Công văn số 2624/ BTC – QLG do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp ký. Công văn nêu rõ, giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây có biến động theo chiều hướng tăng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực (giá xăng RON 92 thấp hơn Trung Quốc trên 2.000 đồng/lít, thấp hơn Lào trên 4.000 đồng/lít, thấp hơn Campuchia trên 5.300 đồng/lít). Và với nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì chênh lệch giữa giá cơ sở bình quân 30 ngày và giá bán hiện hành các mặt hàng xăng dầu, thì giá xăng RON 92 vẫn thấp hơn giá cơ sở 2.319 đồng/l. Tương tự, dầu diezen và dầu hỏa, dầu ma zút cũng thấp hơn giá cơ sở từ 900 – 1.100 đồng/l. Dù vậy, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ chiều ngày 26-2-2013, Bộ Tài chính cho biết: Không tăng giá, giữ ổn định giá bán, thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu. Và thay vì việc điều chỉnh giá bán lẻ, Bộ Tài chính yêu cầu các DN điều chỉnh tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng, dầu. Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cần chia sẻ khó khăn với Nhà nước, người tiêu dùng, tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức (300 đồng/lít,kg) đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu.
Tạo sự đồng thuận phụ thuộc vào chính DN
Quyết định giữ nguyên giá xăng dầu ở thời điểm này đã nhận được sự đồng thuận của dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế. Bởi theo giới chuyên gia, tăng giá bán lẻ xăng dầu ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay sẽ gây sốc cho thị trường và cả nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, của cộng đồng DN và người dân, việc quy định lợi nhuận 300 đồng/lít xăng dầu lại càng cho thấy ngành xăng dầu đang nhận được quá nhiều ưu ái. Trong khi các DN khác phải chấp nhận kinh doanh "lời ăn lỗ chịu” thì ngược lại, DN xăng dầu lãi thì hưởng, lỗ Nhà nước lại đứng ra tìm cách gỡ khó. Do vậy, quyết định của Bộ Tài chính tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức cho các DN xăng dầu là một giải pháp hợp lý.
Đây là cách chia sẻ khó khăn đối với toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, nhìn lại tất cả những lần điều chỉnh giá xăng trước đây và cả lần này, có thể thấy, mỗi lần giá thế giới biến động theo chiều hướng tăng là một lần cơ quan chức năng điều hành xăng dầu lại phải đau đầu vì áp lực đến từ nhiều phía. Một bên là DN xăng dầu đòi tăng giá, một bên là áp lực từ phía người dân, cộng đồng DN sản xuất kinh doanh, thứ nữa là Nhà nước vẫn muốn đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Trên thực tế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Tuấn, khi giá xăng dầu thế giới tăng, để đảm bảo cân đối cung cầu cũng như ổn định thị trường, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước là điều khó tránh. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc điều chỉnh làm sao để tạo được sự đồng thuận của dư luận là điều cần phải làm. Thời gian qua, sở dĩ mỗi lần giá xăng dầu điều chỉnh tăng thường gây sốc trong dư luận, nguyên nhân chính vẫn là bởi thị trường xăng dầu vẫn còn tồn tại sự độc quyền, lợi ích nhóm. "Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN, Nhà nước nếu như những số liệu liên quan đến việc hình thành giá cả của thị trường này được minh bạch. Ngay cả cách hành xử của các đại lý xăng dầu trong việc "găm hàng” chờ tăng giá cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân, vậy thì sao có thể tạo được sự đồng thuận trong dân?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.
Như vậy, có thể khẳng định lại rằng, việc quyết định giữ giá xăng dầu của cơ quan điều hành xăng dầu là quyết định hợp lòng dân. Song, làm sao để có một thị trường xăng dầu phát triển ổn định, luôn tạo được sự đồng thuận của dư luận bất kể lúc giá được điều chỉnh tăng, hay giảm, điều này phụ thuộc vào chính cách thức hoạt động của các DN xăng dầu cũng như sự điều hành của cơ quan quản lý.