PV Oil cũng là nhà sản xuất xăng A83 lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Năm 2012, PV Oil đăng ký tiêu thụ 293.000 m3 xăng A83 do mình sản xuất. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, trong đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tối thiểu của tất cả các đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu, chỉ có duy nhất PV Oil là còn sản phẩm xăng A83, với số lượng đăng ký là 150.000 m3. Thời gian qua, PV Oil có kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm của nhà máy chế biến hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên (condensate) công suất 250.000 tấn/năm tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) lên đạt 500.000 tấn/năm, với sản phẩm là xăng A92, với mục tiêu hoàn tất vào năm 2015.
Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia dầu khí, việc nâng cấp nhà máy condensate hiện tại của PV Oil cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, nhà máy condensate Cái Lái có nguồn đầu vào từ quá trình khai thác khí đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà PV Oil là một thành viên. Với thành phần sẵn có của condensate, việc pha chế thành xăng A83 hiện nay không tốn kém nhiều chi phí, bởi chỉ số octan cũng tương đương mức của xăng A83. Nhưng để pha chế thành xăng A92 thì sẽ phải bổ sung thêm một số phụ gia nhằm nâng chỉ số octan. Tuy vậy, với tỷ lệ phụ gia là 50/50, sản phẩm đầu ra sẽ đắt hơn giá xăng A92 hiện hành. Điều đó có nghĩa là, bài toán kinh tế để chế tạo xăng A92 từ việc sử dụng nguồn condensate sẵn có không hiệu quả về mặt kinh tế. Đây chính là lý do mà dự án nâng pha chế xăng A83 lên thành xăng A92 của PV Oil thời gian qua, dù lên kế hoạch, nhưng không tiến triển nhiều. Bởi lẽ, khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc có nâng cấp cơ sở pha chế xăng A83 hiện nay lên để pha chế được xăng A92 không, ông Sơn cũng cho biết, nếu Chính phủ không cho phép lưu thông, PV Oil sẽ không đi theo hướng này và sẽ dừng sản xuất xăng A83.
Khi câu chuyện dừng lưu thông xăng A83 rộ lên vào giữa năm 2012, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, việc dừng lưu thông xăng A83 không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu của Saigon Petro. “Nếu có yêu cầu của cơ quan chức năng về việc dừng lưu thông xăng A83, chúng tôi sẽ dừng, không có gì khó khăn”, ông Sang nói.
Cũng không chờ tới khi Chính phủ và các cơ quan hữu trách đưa ra quyết định dừng lưu thông, trong đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu năm 2013 với Bộ Công thương, Saigon Petro đã loại mặt hàng xăng A83 ra khỏi danh mục các sản phẩm kinh doanh của mình. Năm 2012 trước đó, Saigon Petro đăng ký sản xuất và tiêu thụ trong nước 50.000 m3 xăng A83.
Nói về câu chuyện Chính phủ vừa giao Bộ Công thương xem xét, quyết định cụ thể về lộ trình thích hợp đình chỉ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông phân phối xăng không chì RON 83 trên thị trường, tránh ảnh hưởng xấu đến các hoạt động hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, Vụ Thị trường trong nước đang khẩn trương để có thể thực hiện sớm nhất yêu cầu này.
Theo ông Quyền, việc đưa ra quyết định dừng lưu thông xăng A83 trên thị trường của Bộ Công thương sẽ còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra lượng xăng A83 tại các doanh nghiệp sản xuất và lưu thông đang tồn dư và thời gian tiêu thụ, để doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trước quyết định này.
Tuy nhiên, nếu cơ quan hữu trách không quyết định chốt thời điểm dừng lưu thông xăng A83 rõ ràng, thì các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ xăng A83 lại rơi trong tình trạng thấp thỏm không đáng có.
Năm 2007, vấn đề dừng lưu thông xăng A83 cũng đã được đưa ra bàn thảo.