|
Lực lượng chức năng tiến hành niêm phong 1 cây xăng có hành vi gian lận đo lường.
|
Cụ thể theo quy định hiện hành tại
Nghị định
104/2011/NĐ-CP, hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường bị phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng.
Còn trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có hành vi làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu trong quá trình thực hiện dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy theo hành vi vi phạm, doanh nghiệp còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 1 - 6 tháng; hoặc từ 12 - 24 tháng.
Tước giấy chứng nhận tới 24 tháng với cây xăng “đong điêu”
Theo quy định tại Nghị định 104/2011/NĐ-CP hiện đang áp dụng, hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu bị phạt theo khung từ 10 – 30 triệu đồng.
Để nâng cao tính răn đe, trong dự thảo mới Bộ Công Thương đề xuất mức phạt tiền lên mức 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép.
Mức phạt trên còn được áp dụng với các hành vi sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu; sử dụng phương tiện đo xăng dầu không có Giấy chứng nhận kiểm định, dấu kiểm định, tem kiểm định theo quy định; không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu.
Đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1 - 6 tháng. Nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 12 - 24 tháng.
Dự thảo mới như nêu trên đang được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.