Bộ Công thương mới đây có văn bản chuyển tới Bộ Tài chính về barem thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Trước đó, vào ngày 12/12/2012, Bộ Tài chính đã gửi phương án xây dựng barem thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu, thay thế cho barem cũ để lấy ý kiến các bộ, ngành.
Dự kiến, barem mới gồm 5 bậc với bước giãn cách về giá giữa 2 bậc thuế là 20USD. Mức thuế tối thiểu là 7% và tối đa là 40% và quy theo định mức tối đa trong mỗi bậc. Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi biến động giá Platt's bình quân 30 ngày để làm cơ sở xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho phù hợp.
|
Tần suất điều chỉnh thuế 10 ngày/lần sẽ khiến doanh nghiệp hoàn toàn bị động trong khâu chuẩn bị nguồn hàng, tính toán hiệu quả kinh doanh.
|
Tuy nhiên, phía Công thương cho rằng, do biến động phức tạp, khó lường của giá xăng dầu trên thị trường thế giới cùng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc nên việc áp dụng tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo barem không đạt như kết quả mong muốn, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc việc tiếp tục điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu theo phương pháp này.
Trong trường hợp Bộ Tài chính thấy cần thiết áp dụng và xây dựng khung barem mới, Bộ Công thương đề xuất, nên chăng việc xây dựng barem nên căn cứ vào dự toán ngân sách hàng năm được Quốc hội giao, căn cứ vào dự báo giá xăng dầu thế giới và xây dựng các mức thuế suất cần áp dụng.
Đồng ý với Bộ Tài chính nguyên tắc căn cứ vào giá xăng dầu thành phẩm thay vì vào giá dầu thô công bố trên tờ Platts Singapore để xây dựng barem, song do xu hướng giá của xăng dầu tăng là chủ yếu và so với những năm trước là tăng cao nên Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bước giãn cách về giá giữa hai bậc thuế 20 USD.
Bước giãn cách này ngắn và không nên đồng nhất cho tất cả các mặt hàng xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut (giá thế giới và đơn vị đo lường, tính giá của từng mặt hàng là khác nhau).
Ngoài ra, nếu điều hành thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu với tần suất 10 ngày/lần như dự thảo thì doanh nghiệp hoàn toàn bị động trong khâu chuẩn bị nguồn hàng, tính toán hiệu quả kinh doanh.
Cũng theo nhìn nhận của Bộ Công thương, giá trong nước bị tác động mạnh không chỉ do biến động giá thế giới mà còn do tần suất điều chỉnh thuế nhập khẩu. Theo đó, "khối lượng tác nghiệp mang tính hành chính của cơ quan quản lý nhà nước tăng lên, làm giảm tính ổn định của chính sách trong điều hành".