Đánh giá về Nghị định 84 của Chính phủ, Bộ Công thương cho rằng, NĐ đã cung cấp một cơ sở pháp lý vững chắc, khoa học, đáng tin cậy cho việc điều hành thị trường xăng dầu thông qua các quy định về giá bán, về điều kiện và tổ chức hệ thống phân phối, về đảm bảo dự trữ lưu thông và nguồn cung ứng, về bình ổn thị trường xăng dầu...
Đặc biệt, đã giải quyết việc minh bạch hóa giá bán xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở với các yếu tố hình thành giá. Qua đó, với các thông tin công khai, người quan tâm có điều kiện hiểu và nắm bắt thực trạng tình hình hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều hạn chế, Bộ Công thương chỉ ra, việc quy định cho phép các đầu mối được phép thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải… của nhau dẫn đến không khuyến khích và không lựa chọn được các thương nhân có năng lực thực sự đầu tư cơ sở hạ tầng, tham gia thị trường.
Ngược lại, tạo ra sự phụ thuộc của các thương nhân gia nhập mới với thương nhân đầu mối cũ, làm giảm tính cạnh tranh trong tương lai cũng như tạo kẽ hở cho những thương nhân lợi dụng cơ chế, làm ăn chụp giật, nhất thời.
Về giá cơ sở, giá này được tính bình quân phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 của Nghị định là 30 ngày. Tuy nhiên, xét về yếu tố thị trường, Bộ cho rằng, không phản ánh đúng, sát với sự biến động giá hàng ngày của thị trường thế giới (có độ trễ so với sự tăng giảm của giá xăng dầu thế giới).
Hơn nữa, hiện nay đang tồn tại 2 tỷ giá khi hạch toán xăng dầu: tỷ giá liên ngân hàng để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ giá bán của ngân hàng thương mại khi tính giá CIF cơ sở.
Về quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá, theo Bộ Công thương, là chưa linh hoạt trong điều kiện giá thế giới diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu cần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô hàng năm.
Mặt khác, để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất, thương nhân đầu mối thường có xu hướng lựa chọn phương án cố định số ngày điều chỉnh giá (cả tăng lẫn giảm) đều ở 10 ngày/1 lần điều chỉnh.
Điều này được lặp đi lặp lại, cộng với các thông tin bình luận trên phương tiện thông tin đại chúng, dễ khiến cho đối tượng kinh doanh xăng dầu lợi dụng để đầu cơ, trục lợi, gây xáo trộn thị trường.
Theo quy định hiện nay, có 3 trường hợp điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tương ứng với các mức biến động giá cơ sở đến 7%, từ trên 7% đến 12% và trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành.
Bộ chỉ ra rằng, đến nay xu hướng giá thế giới chủ yếu là tăng, và với biên độ này, nếu quy về con số tuyệt đối, với mặt hàng xăng ứng với 7% là khoảng trên 1.500 đồng/lít, với 12% là khoảng trên 2.500 đồng/lít, khi điều chỉnh sẽ gây sốc cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng.
Và một điểm thiếu sót trong Nghị định 84 là chưa quy định chế độ công khai thông tin về kết quả tính toán Giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và chế độ kiểm toán thương nhân đầu mối.
Bộ Công thương đề xuất, cần quy định biên độ điều chỉnh tăng, giảm giá trong nước phù hợp với xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới. Theo đó, thay vì theo 3 mức: 7%, 12% và trên 12% như hiện nay thì điều chỉnh với các mức nhỏ hơn, chẳng hạn 3%, 5% và 7% hoặc quy định mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá hiện hành bằng con số cụ thể.
Chẳng hạn, trong phạm vi đến 500 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá bán xăng dầu; trên 500 đến 1.000 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá kết hợp sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên 1.000 đồng/lít,kg thì thương nhân điều chỉnh giá khi có ý kiến của liên Bộ Tài chính - Công thương. Phạm vi này có thể thay đổi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với từng thời kỳ.