|
Nhiều quy định trong Nghị định 84 khiến doanh nghiệp, tổng đại lý có thể lợi dụng để găm hàng (trong ảnh: Nhân viên cây xăng làm thủ tục điều chỉnh giá). Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Lỗ hổng găm hàng
Theo Bộ Công Thương, với quy định của Nghị định 84, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cơ bản được đáp ứng. Nhưng bộ này cũng thừa nhận một số nội dung quy định của Nghị định 84 cần được nghiên cứu, đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung để công tác điều hành xăng dầu được chặt chẽ hơn, đảm bảo ngày càng cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn.
Cụ thể, với các quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện nay về cầu cảng, kho chứa, hệ thống phân phối, phương tiện vận chuyển hiện nay chưa cho phép đánh giá đúng năng lực thực sự của các DN vì các quy định điều kiện còn quá thấp. Ngay như quy định được phép thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải giữa các DN dẫn đến không khuyến khích và không lựa chọn được các DN có năng lực thực sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tham gia thị trường.
Một quy định “lỏng lẻo” khác được chỉ ra đó là việc hiện có khoảng hơn 300 tổng đại lý nhưng phần lớn các đơn vị này lại đi thuê lại cơ sở vật chất của chính DN kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đầu mối.
Việc này dẫn đến thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng để găm hàng, mỗi lần điều chỉnh giá. Ngay việc không quy định cụ thể cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quản lý các điều kiện đối với tổng đại lý, đại lý cũng gây khó khăn cho việc quản lý nguồn cung cũng như chất lượng xăng dầu.
Theo đánh giá, công thức tính giá cơ sở hiện được tính bình quân phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông 30 ngày nhưng xét về yếu tố thị trường thì lại không phản ánh đúng, sát với biến động giá hằng ngày của thị trường thế giới.
Một số yếu tố trong giá cơ sở đã thay đổi như dẫn đến sự thay đổi trật tự một số yếu tố cấu thành giá.
Việc tồn tại hai tỷ giá khi hạch toán xăng dầu (tỷ giá liên ngân hàng để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ giá bán của ngân hàng thương mại) cũng là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc quy định thời gian giữa hai lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày là chưa linh hoạt trong điều kiện giá thế giới diễn biến phức tạp.
“Để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, DN đầu mối thường có xu hướng chọn phương án cố định ngày điều chỉnh giá là 10 ngày/lần. Điều này được lặp đi lặp lại dễ khiến đối tượng kinh doanh xăng dầu lợi dụng để đầu cơ, trục lợi, gây xáo trộn thị trường” - Bộ Công Thương nhận xét.
Việc áp dụng biên độ điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu tương ứng mức 7%, 12% và trên 12% vào thời điểm ban hành Nghị định 84 là phù hợp. Nhưng đến nay, nếu quy về con số tuyệt đối thì sẽ rất lớn, nếu thực hiện theo các mức này sẽ dễ gây sốc cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Một bất cập khác liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được chỉ ra là hiện Nghị định chưa quy định chế độ công khai thông tin về kết quả tính toán giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn, chế độ kiểm toán DN đầu mối. Tình trạng nhiều tổng đại lý, đại lý xé rào tăng mức chi trả hoa hồng, mua bán với nhiều đầu mối cũng như mua bán lẫn nhau cũng là tồn tại cần khắc phục.
Nâng thời gian điều chỉnh giá xăng dầu lên 15 ngày?
Để khắc phục những bất cập trên, theo Bộ Công Thương, cần siết chặt các quy định như phải quy định lộ trình bắt buộc DN đầu mối, tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu, không được phép đi thuê, cho thuê hệ thống cơ sở vật chất của mình.
Ngoài ra, cần quy định áp dụng việc cấp giấy chứng nhận tổng đại lý, đại lý xăng dầu giao cho Sở Công Thương và Bộ Công Thương quản.
Nhằm hướng tới việc điều chỉnh giá cho sát với diễn biến thị trường, Bộ Tài chính cũng đề xuất 3 phương án thay đổi về thời gian quy định điều chỉnh giá xăng dầu.
Theo phương án 1, chu kỳ tính giá cơ sở phù hợp với tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày. Phương án 2, quy định tần suất điều chỉnh giá phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày) thay vì tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày như hiện nay.
Tuy nhiên, việc tính giá cơ sở vẫn theo chu kỳ 30 ngày. Phương án 3, theo đề xuất của Bộ Tài chính, tần suất điều chỉnh giá sẽ nâng lên thành 15 ngày.
Bộ Tài chính đề xuất nên chọn phương án nâng thời gian điều chỉnh giá lên 15 ngày do đây là phương án dung hòa được các ưu, nhược điểm của hai phương án đầu tiên.
“Đề nghị bổ sung các hành vi cấm trong kinh doanh xăng dầu như không được chi thù lao đại lý, tổng đại lý vượt mức quy định kèm theo là các chế tài xử lý cho phù hợp” - Bộ Tài chính kiến nghị.
Giá dầu giảm 300 - 500 đồng/lít
Chiều ngày 28-12, liên Bộ Tài chính - Công Thương ra quyết định giám giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước căn cứ theo đăng ký giá của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Theo đó, dầu diezel giảm 300 đồng/lít đưa giá dầu diezel 0,05S từ 21.850 đồng xuống còn 21.550 đồng/lít. Giá dầu hỏa cũng giảm 300 đồng/lít, từ 21.900 đồng xuống còn 21.600 đồng/lít.
Dầu madút giảm 500 đồng, từ 18.150 đồng xuống còn 17.650 đồng/kg. Giá bán các chủng loại dầu khác cũng giảm tương ứng với từng chủng loại dầu trên cùng thị trường.
Mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng giữ nguyên ở mức 300 đồng/lít, kg. Đặc biệt, mặt hàng xăng do chênh lệch giá cơ sở và giá bán hiện hành chỉ ở mức 39 đồng/lít lên liên bộ yêu cầu giữ nguyên giá bán.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mặt hàng dầu diezel trước khi giảm giá, tính bình quân DN đầu mối lãi 286 đồng/lít, dầu hỏa lãi 255 đồng/lít còn madút 3,5S doanh nghiệp lãi 533 đồng/kg.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các doanh nghiệp đầu mối khác cho biết, mức giá mới có hiệu lực thi hành từ 18 giờ ngày 28-12 tại tất cả hệ thống phân phối của Petrolimex.
|