Giải đáp câi hỏi, trường hợp đầu mối không đảm bảo thù lao để cho đại lý duy trì hoạt động dẫn đến lỗ kéo dài như năm 2012 thì đại lý có được phép đóng cửa không? Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên những doanh nghiệp khi tham gia thị trường thì đều phải chấp hành, kinh doanh xăng dầu lỗ cũng không được phép đóng cửa.
“Giống như người đi trên đường, luật đặt ra trước là không được vượt đèn đỏ, kinh doanh xăng dầu cũng thế, là kinh doanh có điều kiện khi tham gia, vì thế không còn cách nào khác”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú giải thích.
Ở góc độ của doanh nghiệp kinh doanh, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, hiện thống cửa hàng xăng dầu trên cả nước có khoảng 13 ngàn, trong đó của Petrolimex khoảng 2.500, của các doanh nghiệp nhà nước khác khoảng 500, còn hơn 10 ngàn cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Hệ thống này đều theo quy định của Nghị định 84, là đại lý cho 13 doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp phải giám sát đại lý của mình, kể cả chất lượng.
"Vừa qua, các đầu mối, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng trên thực tế thì mạng lưới rất lớn, tản mạn, cơ sở kỹ thuật vật chất không thực sự đồng đều, quan hệ giữa đầu mối và đại lý là quan hệ giữa pháp nhân và pháp nhân nên trong chừng mực nào đó việc quản lý cũng không thực sự như hệ thống cửa hàng trực thuộc mình. Với Petrolimex, qua kiểm tra 2.500 cửa hàng đều không phát hiện gian lận về đong đo, chất lượng, vì đó là hệ thống của chúng tôi, có chế tài kiểm tra, kiểm soát rất chi tiết", ông Bảo nói
Còn Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, chúng ta không nên lấy hiện tượng để kết luận về tất cả. Trong 13 nghìn cây xăng thì tỷ lệ gian lận là rất nhỏ, có thời điểm cơ quan nhà nước đã phát hiện đến 20, 30 cây xăng vi phạm, nhưng đừng kết luận cả 13 nghìn cây xăng đều vi phạm. Hãy công bằng hơn với những người làm tốt.
Đối với kiến nghị hoa hồng cho đại lý, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, trong vấn đề phí, giá, thuế phải đặt trong bối cảnh cụ thể, tổng thể của thị trường. Tăng phí lên không khó, nó sẽ vào giá, vấn đề là ưu tiên lợi ích của ai, tôi xin nhắc lại thứ tự ưu tiên lợi ích hiện nay là người tiêu dùng, doanh nghiệp và cuối cùng là nhà nước. Vì vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được, đầu tư không đủ, chi phí cao thì phải rút khỏi thị trường. Luật chơi đã được định sẵn, còn nếu trong hoàn cảnh thuận lợi thì nếu Petrolimex làm như thế thì cơ quản lý nhà nước đã “thổi còi từ lâu”.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng giải thích rõ: Thực tế đại lý cùng chung quyền lợi với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vì vậy không có chuyện doanh nghiệp đầu mối có lợi nhuận mà không chia sẻ cùng đại lý. Trong thời gian qua, cùng với mục tiêu bình ổn giá cả, giảm thiểu lạm phát thì bản thân doanh nghiệp đầu mối cũng hết sức khó khăn và doanh nghiệp đại lý cũng phải chia sẻ. Và việc sửa đổi mức phí, giá đúng hơn thực tế thì mức chia sẻ thời gian tới sẽ đảm bảo doanh nghiệp trong dây chuyền ít nhất có lãi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tú thừa nhận, điều hành giá trong 13.000 cây xăng có một vài chục, vài trăm cây xăng khó khăn về chi phí thì điều hành đúng, còn nếu 50% số cây xăng có khó khăn đến mức phải đóng cửa thì điều hành có vấn đề. Tôi xin chia sẻ khó khăn với các đại lý, cây xăng, có những thời điểm như tháng 3/2011 phí hoa hồng chỉ còn 70-100 đồng/lít, thời điểm ngấp nghé vỡ hệ thống xăng dầu và buộc chúng ta phải tăng giá xăng dầu ở mức tương đối lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính )cho biết, chi phí định mức với xăng dầu được quy định tại Thông tư 234 được xây dựng từ năm 2009, ở thời điểm đó thì định mức này là phù hợp. Nhưng từ đó tới nay, các yếu tố tác động tới chi phí định mức như tiền lương, lãi suất, giá thuê cửa hàng, cước vận chuyển... đã có thay đổi, vì thế Bộ Tài chính đang đánh giá rà soát để sẽ có điều chỉnh hợp lý.