Khó có được mức thuế cố định
Đối với vấn đề tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu, có ý kiến cho rằng nhiều nước đã áp dụng cách tính thuế theo giá tính thuế cố định, thuế suất tính thuế cũng rất ổn định, rất ít khi thay đổi để chủ động trong thu ngân sách và DN cũng chủ động trong tính giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính) cho rằng trong định giá xăng dầu hiện nay, có thuế tuyệt đối là thuế môi trường; tuy nhiên, khi đánh giá tác động thực hiện sắc thuế đó, các nước đa phần sử dụng thuế tương đối. Khi gia nhập vào WTO, chúng ta đã cam kết khung thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu từ 0-40%, là công cụ để thực hiện bình ổn giá, đảm bảo mức độ giá hợp lý phù hợp nhất.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Cẩm Tú (Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận định: “Nếu chúng ta giữ mức thuế cố định hoặc thu thuế tuyệt đối thì lợi cho Bộ Tài chính và Nhà nước thì không có chuyện duy trì giá xăng dầu thấp như 2 năm qua. Và nếu cứ giữ thuế xăng ổn định tuyệt đối thì thời gian qua giá xăng dầu dù được bình ổn sẽ cao hơn nhiều”.
Ông cũng khẳng định; “Nếu chúng ta áp mức thuế 1 năm thì lợi cho DN và các cơ quan quản lý nhưng người dân thiệt khi tăng giá bất thường, như vậy đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng là điều hành giá linh hoạt, thứ nhất nếu giá tăng thì giảm thuế, thứ hai là doanh nghiệp hi sinh một phần và cuối cùng mới đến người dân”.
Tuy nhiên, đại diện cho cơ sở đầu mối xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại cho rằng, khi các DN đầu mối đề xuất ban hành mức thuế tuyệt đối, không có nghĩa đó phải cố định con số tuyệt đối mà có yêu cầu theo tỷ lệ.
Nhưng hầu hết các nước ban hành biểu thuế theo tỷ lệ % và cố định con số từng năm, từng giai đoạn, kế hoạch và áp dụng theo tỷ lệ % tuỳ theo yêu cầu ngân sách và tính toán mức giá bán cho người dùng trong vòng 6 tháng hay 1 năm.
Nếu giá xuống thấp quá thì có thể tăng thuế lên đến 40%. Điều này sẽ giải quyết những vấn đề hết sức bức xúc thời gian qua như tạm nhập tái xuất, hoàn thuế, gian lận giá… Bởi nếu không có khung giá cố định, DN không thể xây dựng được kế hoạch lợi nhuận và chỉ tiêu ngân sách bởi chỉ đưa ra sản lượng nhưng giá không ổn định.
Với giá xăng dầu hiện đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ông Bảo cho rằng cần phải ổn định giá, nghĩa là giá lên bao nhiêu thì giảm thuế, và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định, Vấn đề chúng ta đặt mục tiêu gì, thuế là để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá, bởi trong cả 3 văn bản Quyết định 187, Nghị định 55, Nghị định 84 thì đều nói xây dựng mức thuế ổn định.
Kinh doanh xăng dầu: nội địa kêu lỗ, nước ngoài vẫn lãi
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, một câu hỏi được đưa ra là: Vừa qua Petrolimex công bố kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III/2012 cho thấy, kinh doanh xăng dầu nội địa vẫn còn lỗ, xin cho biết nguyên nhân? Vì sao hầu hết các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài và tạm nhập tái xuất xăng dầu đều công bố có lãi trong khi kinh doanh trong nước lại gặp khó khăn?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Thời gian qua, DN có thời gian tự định giá ngắn, phạm vi hẹp, tất cả biến động do nhà nước điều hành và chúng ta bình ổn giá thì vẫn bán dưới giá cơ sở nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn lỗ là đương nhiên, còn tạm nhập tái xuất thì không bị điều tiết bởi quy định điều tiết xăng dầu. Thời gian qua không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước nếu kinh doanh tậm nhập tái xuất xăng dầu đều có lãi”.
“Năm nay là năm đầu tiên Petrolimex cổ phần hoá nên chế độ công bố thông tin theo quy định Uỷ ban Chứng khoán, 6 tháng đầu năm, Petrolimex lỗ do giá cả lên cao, do mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhà nước điều hành giá tương đối ổn định, doanh nghiệp không tính được định mức… nên 6 tháng chúng tôi lỗ, nhưng quý III/2012 chúng tôi đã có lãi và tính chung 9 tháng Petrolimex có lợi nhuận công bố 58 tỉ đồng, đương nhiên đây là con số quá nhỏ so với vốn sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho biết thêm.
"Đừng kết luận cả 13 nghìn cây xăng đều vi phạm"
Thời gian vừa qua, dư luận đang quan tâm tới tình trạng hàng loạt cây xăng bị thanh tra và phát hiện xăng kém chất lượng và gian dối về số lượng. Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, ông Bảo cho rằng, trong số 13.000 hệ thống cửa hàng xăng dầu trên cả nước, Petrolimex khoảng 2.500, của các doanh nghiệp Nhà nước khác khoảng 500, còn hơn 10 ngàn cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế.
Hệ thống này hoạt động theo Nghị định 84, vì thế các doanh nghiệp phải giám sát đại lý của mình về vấn đề chất lượng. Với các cây xăng thuộc Petrolimex, ông Bảo khẳng định: “, qua kiểm tra 2.500 cửa hàng đều không phát hiện gian lận về đong đo, chất lượng, vì đó là hệ thống của chúng tôi, có chế tài kiểm tra, kiểm soát rất chi tiết”.
Ông cũng nhận định, mạng lưới rất lớn, tản mạn, cơ sở kỹ thuật vật chất không thực sự đồng đều, quan hệ giữa đầu mối và đại lý là quan hệ giữa pháp nhân và pháp nhân nên trong chừng mực nào đó việc quản lý cũng không thực sự như cửa hàng của mình.
Thêm vào đó, thời gian qua, các doanh nghiệp cũng phải tiết giảm chi phí bởi hoa hồng không đủ cho doanh nghệp hoàn vốn; vì thế do lợi ích cục bộ, họ có thể vi phạm. Nhưng với sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương, các đầu mối, sẽ tạo ra một cơ chế để đại lý có lợi nhuận, tình trạng này sẽ dần chấm dứt.
Ông Nguyễn Cẩm Tú cũng khuyến cáo: “Ta không nên lấy hiện tượng để kết luận về tất cả. Trong 13 nghìn cây xăng thì tỷ lệ gian lận là rất nhỏ, có thời điểm cơ quan nhà nước đã phát hiện đến 20, 30 cây xăng vi phạm, nhưng đừng kết luận cả 13 nghìn cây xăng đều vi phạm. Hãy công bằng hơn với những người làm tốt”.