Minh bạch hóa xăng dầu theo cơ chế thị trường
21/12/2012 8:12:00 SATin trong nước

Chiều ngày 20/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường". Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo tham dự cuộc tọa đàm.


Hỏi: Sau 3 năm thực thi thì mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá lại nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009, xin hỏi là công tác này tiến hành đến đâu và qua rà soát, đánh giá thì đã thấy có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung không?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương rà soát Nghị định 84 và yêu cầu trong tháng 12 phải trình, chúng tôi đã hoàn thành và sẽ trình trong 1, 2 ngày tới. Chúng ta phải hình dung Nghị định 84 là văn bản cụ thể, còn có những văn bản khác quy định về vấn đề này và chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Nghị định 84 và các văn bản khác đó. Nghị định 84 quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về kinh doanh xăng dầu, còn cụ thể hóa dành cho các văn bản cụ thể.

Hỏi: Thưa Thứ trưởng, hiện nay chúng ta đang áp dụng quy định kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng vì sao đã 3 năm thực hiện theo Nghị định 84 mà kinh doanh xăng dầu vẫn chưa theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu vẫn chưa lên xuống theo giá thế giới. Vì sao đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được quyền định giá bán xăng dầu như tinh thần Nghị định 84? Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này được không?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta xây dựng nền kinh tế hị trường có sự quản lý của Nhà nước, xuất phát từ một nền kinh tế tập trung bao cấp. Việc chuyển đổi đó không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây là nghị định tiếp nối các Nghị định 187, Nghị định 55 và sau này còn nhiều bước nữa để kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Hỏi: Gần đây có một số ý kiến cho rằng Petrolimex độc quyền (hoặc thuộc nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu, do vậy việc giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá là đi ngược với nguyên lý quản lý và do đó, khó có cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước khi giá giảm, ngược lại, giá trong nước tăng ngay khi giá thế thề giới vừa tăng... Ông bình luận vần đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Theo tôi khi nhận xét một vấn đề cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Đối với trường hợp của Petrolimex có 2 điều kiện cần xem xét. Thứ nhất, khi chúng ta còn trong cơ chế kinh tế bao cấp thì Petrolimex là đơn vị duy nhât cung cấp xăng dầu cho cả nước. Đến nay, chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu và cần nhiều hơn nữa. Thứ hai, chúng ta tiến từ việc Nhà nước định giá, đến nay doanh nghiệp được định giá 7% trở xuống, khi chúng ta có 13 đầu mối thì việc tự định giá này được thực hiện nhiều hơn.

Nói về độc quyền thì cần nói 2 vấn đề là: thị phần và định giá. Petrolimex hiện nay còn 48% thị phần, rõ ràng từ 100% xuống 48% là bước tiến dài. Về định giá từ ngày 1/10/2009, khi Nghị định 84 có hiệu lực đến nay, cơ bản là hoạt động định giá vẫn là do Nhà nước điều tiết (40 tháng), doanh nghiệp chỉ có 2 tháng.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Nói minh bạch hoá xăng dầu theo Nghị định 84 sẽ không đầy đủ nếu không bám theo lộ trình của Chính phủ điều hành xăng dầu theo thi trường thì từ Quyết định 187 năm 2003, khi đó quản lý giá xăng dầu với tinh thần minh bạch, công khai, tiếp cận với giá thị trường.

Thứ hai, trong chủ trương kinh doanh xăng dầu thì trong Quyết định 187, Nghị định 55 ( năm 2007) và sửa đổi bằng nghị định 84 (2009) đây là lộ trình trong 10 năm và đối với Petrolimex từ một đơn vị trước năm 1990 độc quyền 100% có trách nhiệm cung ứng theo chỉ tiêu nhà nước thì chúng ta đã tạo ra thị trường và Petrolimex cũng chủ động tạo khoảng trống cho thị trường cho các doanh nghiệp khác. Tới nay cơ bản đã có 13 đầu mối, hàng ngàn doanh nghiệp với 13.000 cửa hàng trong đó Petrolimex có 2.500, tất cả doanh nghiệp đầu mối khoảng trên 3.000. Như vậy thị trường xăng dầu đã có khả năng xác lập. Vấn đề còn lại là vận hành như thế nào để tạo ra thị trường thực thụ. Vì vậy, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84 nhằm thiết lập một thị trường xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà chúng ta đã và đang từng bước thực hiện.

Hỏi: Xin hỏi ông Nguyễn Anh Tuấn về tính minh bạch của giá xăng dầu?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, chúng ta thực hiện quản lý giá xăng dầu theo theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó có các Nghị định của Chính phủ. Chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định này: Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng cơ chế giá này rất công khai, minh bạch.

Về công khai, Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84, các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... Thứ hai, mỗi lần điều hành giá, chúng tôi đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Thứ ba, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...

Về minh bạch, chúng tôi đều thông báo rõ ràng các chi phí cấu thành giá, ví dụ giá cơ sở... Tôi xin thông tin đến người dân và các cấp như vậy.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, giở bất cứ một tờ Thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, có ý kiến cho rằng “Cơ chế giá hiện hành khiến lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng bị xung đột. Khi giá cả thế giới xuống thấp, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá cả thế giới lên cao thì lợi ích của nhà nước lại bị thiệt hại.”

Ông nhận xét về ý kiến này như thế nào? Thực tế này có khiến cho việc điều chỉnh giá trong nước không bắt kịp với biến động giá xăng dầu thế giới hay không? Vì chính điểm này khiến người tiêu dùng bức xúc do thấy giá thế giới giảm nhưng ở ta lại không giảm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin được chia sẻ thế này. Thứ nhất là phải thực hiện theo nguyên tắc như tôi đã đề cập, tức là bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Tôi xin thông tin lại là hiện nay giá cơ sở tính theo giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải dựa trên giá dầu thô. Do vậy, cơ quan báo chí cần lưu ý để thông tin tuyên truyền cho phù hợp.

Thứ hai là hiện chúng ta tính giá cơ sở trong 30 ngày nên phải tính đủ thời gian để tính giá bán lẻ. Thời gian qua, do tính 30 ngày có lẽ hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới nên cần phải xem xét lại vấn đề này để kiến nghị các cơ quan chức năng. Xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.

Hỏi: Ý kiến đưa ra là chu kỳ tính giá nên khoảng 15- 20 ngày, ông đánh giá thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Rất nhiều phương án đặt ra, và chúng tôi cũng đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới. Đây cũng là một cơ sở nhưng chúng tôi thấy chu kỳ 10 ngày thì hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh chu kỳ 30 ngày không. Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng để báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc vấn đề lưu thông.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Về vấn đề này tôi xin được bổ sung. Có một nguyên tắc mà chúng ta hay quên là khi tính trung bình một giai đoạn nếu giai đoạn càng dài thì số trung bình càng cao, càng thể hiện tính định hướng và bỏ qua giao động bất thường. Xăng dầu cũng vậy thôi. Chúng ta tính thời gian càng dài bao nhiêu thì càng điều hành theo định hướng, xu thế mà không điều hành theo thang giá nhất thời từng ngày. Và ngược lại chúng ta tính càng ngắn thì tính nhất thời càng thể hiện rõ.

Còn 30 ngày hay không 30 ngày thì chủ yếu liên quan đến giá. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại quan tâm một số vấn đề khác là đảm bảo nguồn cung, dự trữ khi thị trường bất ổn, hệ thống cung ứng. Chúng ta phải có một lượng dữ trữ nhất định. Nguồn này đến từ đâu? Một là Nhà nước bỏ tiền ra. Hai là doanh nghiệp kinh doanh phải dự trữ. Trong tình hình hiện nay, nguồn lực Nhà nước có hạn nên Nhà nước dự trữ không nhiều. Chúng ta phải giao nhiệm vụ dự trữ cho doanh nghiệp trong 30 ngày. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường xăng dầu gần đây, 30 ngày có thể không đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước đã tính đến khả năng dự trữ 45 ngày. Nhưng điều này vì nhiều lý do chúng ta không thực hiện được.

Chúng ta yêu cầu dự trữ 30 ngày nhưng không thể điều hành giá theo 10 ngày được. Vậy chúng ta chỉ có hai cách, giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại. Đây là bài toán giải quyết một vấn đề.

Hỏi: Vậy theo ông, giải bài toán này như thế nào?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi cho rằng giải bài toán này làm sao để đạt được hai việc. Thứ nhất là đảm bảo dự trữ cho an ninh năng lượng. Tình hình càng ổn định chúng ta càng có điều kiện giảm dự trữ và ngược lại. Thứ hai, kinh tế đất nước mạnh hơn chúng ta có điều kiện tăng dự trữ Nhà nước và giảm dự trữ cho doanh nghiệp.

Hỏi: Nhưng người dân luôn nghĩ rằng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì phải giảm, còn khi tăng họ cũng sẵn sàng chi tiền để mua xăng dầu với giá tăng?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi phải nhắc lại vấn đề này. Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua và hay là vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hóa mà nhiều người không mua được. Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó, tính tới giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề.

Ông Bùi Ngọc Bảo:
Đúng là chúng ta có câu hỏi lên nhanh, xuống chậm, những quy định của chúng ta có giải quyết được không? Thứ nhất, mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá, rất minh bạch, nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào. Nhìn lại kết cấu giá năm 2012, tôi lấy ví giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng, chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%, điều này phải giải thích bằng cách thức khác. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng “chạy” cả thì rõ ràng ảnh hưởng đến giá cuối cùng.

Trong việc tổ chức vận hành thuế của chúng ta, trong suốt thời gian dài , chúng tôi theo dõi và thấy thuế của chúng ta được vận hành thiên về bình ổn giá, nghĩa là giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm về bằng 0%, đương nhiên giá bán sẽ không theo xu thế thế giới, chỉ tăng vừa phải. Điều đó chứng tỏ Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm bình ổn giá và khi giá hạ thì điều chỉnh thuế. Trong năm 2012, gần như thuế bằng 0% trong 6 tháng đầu và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Tất yếu đến nay khi giá xăng dầu thế giới hạ thì phải có thuế.

Nhưng nếu nhìn cả chu trình dài thì có vẻ không minh bạch. Tôi nhấn mạnh đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, cả 3 đều không thực hiện được điều khoản về thuế, các điều khoản khác rất tốt. Những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế.

Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy định, là phải ổn định thuế. Mục tiêu thứ nhất của thuế là nguồn thu ngân sách chính, mục tiêu tiếp theo mới là giá, còn quy định 30 ngày, 20 hay 10 chỉ đặt ra là 30 ngày thì giá ổn định cao hơn, nhưng với doanh nghiệp thì không quan trọng. Quy định 10, 20, 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu của chúng ta chứ không phụ thuộc vào việc giá thế giới tăng nhanh hay chậm. Nếu ta không đánh giá kỹ điều này thì có sửa đổi Nghị định cũng không quy định được, và sẽ lại tăng nhanh, giảm chậm.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Phải nói đến 2 vấn đề. Thứ nhất, năm 2009 khi ban hành Nghị định 84, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, giá xăng dầu chủ yếu tăng, chỉ giảm cục bộ. Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo trong 3 lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân, ưu tiên trước hết người dân, thứ hai là doanh nghiệp, thứ ba là nhà nước. Lợi ích người dân thể hiện ở giá, của doanh nghiệp ở chỗ ít nhất hòa vốn, của nhà nước ở thuế. Thực hiện như thế nào? Đó là ưu tiên giá bán dưới giá cơ sở, tôi khẳng định điều này dù nhiều người còn nghi ngờ. Nhưng nếu không tin, hãy mở tờ Thị trường hàng ngày, so sánh với giá cơ sở là biết ngay.

Thứ hai, ta luôn bình ổn giá, để giá thấp hơn giá cơ sở, trước đây bù giá trực tiếp cho doanh nghiệp, năm 2008 khoảng 23 nghìn tỷ đồng, theo Nghị định 84 thì không còn nên doanh nghiệp bị lỗ tích lũy. Nhà nước hầu hết hi sinh về thuế, trong khoảng từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, không thu thuế xăng dầu. Lẽ ra khi giá thế giới giảm thì ta phải bù thuế, khi nào giá tăng thì cho tăng để doanh nghiệp bù lại, nhưng ta chưa bao giờ bù cho doanh nghiệp cả. Sau khi kiểm toán năm ngoái, Bộ Tài chính thừa nhận doanh nghiệp lỗ tích lũy mười mấy nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vừa qua đánh giá toàn diện về xăng dầu thì như anh Bảo nói, từ Quyết định 187 đến 55 và 84, chúng tôi đánh giá Nghị định 84 là tương đối tích cực khi chuyển sang cơ chế thị trường, trước khi ban hành Nghị định 84 thì năm nào cũng phải bù lỗ. Xin nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần bình ổn giá. Vừa qua, Thủ tướng đã nhắc, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì điều hành phải cân nhắc tới các chỉ tiêu KT-XH, sử dụng công cụ thuế, phí... nhà nước phải hi sinh lợi ích. Thứ hai là sử dụng quỹ bình ổn giá, sử dụng rất linh hoạt trên nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent