Doanh nghiệp chủ động trong bị động
23/07/2010 10:12:00 SATin trong nước

(LĐ) - Thêm một lần nữa, Bộ Tài chính cho phép DN kinh doanh xăng dầu được chủ động điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, quyền quyết định sự chủ động này vẫn thuộc về phía cơ quan quản lý mà trực tiếp là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Doanh nghiệp bức xúc với quỹ

Theo công bố của Petrolimex ngày 22.7 thì tại thời điểm chốt số liệu là ngày 20.7, giá CIF tại cảng Việt Nam đối với mặt hàng xăng A92 là 10.005đ/lít, diesel có giá là 10.644đ/lít. Sau khi cộng các loại thuế, phí, định mức chi phí kinh doanh, mức lợi nhuận (300đ/lít) và mức trích Quỹ bình ổn giá (BOG) thì mức giá cho các sản phẩm này là 16.392đ/lít xăng A92 và 14.666đ/lít diesel. Trong khi đó theo giá bán hiện hành, xăng A92 có giá 15.990đ/lít và diesel có giá là 14.400đ/lít. Như vậy, ở cả 2 mặt hàng chủ lực này thì các DN đều đang bị lỗ, tương ứng với lỗ 402đ/lít xăng và 266đ/lít dầu.

Tuy nhiên, đã không ít lần các DN ta thán về chuyện vừa bị lỗ, nhưng lại vẫn phải trích lập Quỹ BOG. Đại diện các DN cho biết ngay trong giai đoạn các DN lỗ nặng nhất là tháng 4 - 5.2010 thì các DN cũng vẫn phải trích lập BOG. Nhưng điều trớ trêu là tay này DN phải trích lập Quỹ BOG, nhưng tay kia chính DN lại phải lấy tiền của chính DN mình vừa trích lập Quỹ BOG để rồi sử dụng bù lỗ. Cụ thể trong giai đoạn này, mức trích lập BOG đối với xăng là 500đồng/lít, dầu hoả, dầu diesl là 400đồng/lít. Trong khi đó, các DN lại cũng được sử dụng Quỹ BOG để bù lỗ với mức xăng 500 đồng/lít; diesel, dầu hoả 400 đồng/lít (giai đoạn 1.4 - 25.7.2010) và xăng 200 đồng/lít; diesel, dầu hoả 400 đồng/lít (giai đoạn 28.5 - 8.6.2010).

Tương tự cho đến nay, mặc dù các DN vẫn đang chịu lỗ, việc sử dụng Quỹ BOG, đã bị dừng từ 8.6, thế nhưng các DN lại vẫn phải trích Quỹ BOG với mức đồng loạt 300đ/lít. Các DN cho rằng việc tríchQuỹ BOG khi đang lỗ không khác gì con tằm phải moi ruột mình ra để nhả tơ; còn việc vừa trích lập Quỹ BOG vừa sử dụng Quỹ BOG thì chẳng khác nào móc tiền túi bên này, chuyển sang túi bên kia. Chính vì lý do này mà đã có lúc DN phản ứng bằng cách tuyên bố không trích lập Quỹ BOG. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng đã là quy định thì DN phải thực hiện.

Cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.

Chủ động, nhưng không được quyết

Cũng liên quan đến vấn đề Quỹ BOG, các DN kinh doanh xăng dầu kiến nghị cần khống chế quy mô quỹ, chứ không thể cứ bắt DN đóng mãi. Đại diện các DN cho biết đến nay các DN khá bức xúc và đã có nhiều DN gửi công văn đến bộ về vấn đề này. Cụ thể, các DN cho rằng bộ cần nghiên cứu để có cơ chế hình thành, sử dụng Quỹ BOG phù hợp. Tuy nhiên, một lần nữa Bộ Tài chính cho biết việc quy mô Quỹ BOG như thế nào thì cần phải... chờ thời gian kiểm chứng. Nhưng trong thời gian kiểm chứng này, DN vẫn cứ phải thực hiện trích Quỹ BOG cho nghiêm túc.

Một điểm bức xúc nữa là DN có công văn “đòi” quyền chủ động quyết định giá bán lẻ. Trên thực tế, cơ chế kinh doanh và điều hành giá xăng dầu hiện được thực hiện theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tại nghị định này, Chính phủ quy định: Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc: Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá.
 
Trong khi đó cũng tại công văn số 8984/BTC-QLG hướng dẫn một số nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính lại đề nghị: Các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động điều hành giá bán xăng dầu. Riêng trường hợp khi giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành trong phạm vi thuộc quyền điều chỉnh giá của DN, thương nhân đầu mối phải thực hiện dãn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá liền nhau tối thiểu là 30 ngày dương lịch.

Theo TS Nguyễn Quang A thì cơ quan quản lý đã can thiệp quá sâu vào sự chủ động của DN. Đồng thuận quan điểm này, các chuyên gia và DN cho rằng DN đang chủ động, nhưng cơ quan quản lý lại “quyết định thay” cả về giá cả, thời gian tăng - giảm giá... Với những diễn biến này, rõ ràng mối quan hệ đa chiều giữa cơ quan quản lý, DN, NTD và thị trường xăng dầu vẫn đang rất lúng túng. DN thì kêu mất quyền chủ động, cơ quan quản lý không dám “buông”, thường áp đặt mệnh lệnh hành chính vì sợ DN làm ẩu, trong khi đó NTD thì luôn bức xúc vì chưa được hưởng cơ chế giá theo thị trường đúng nghĩa. 
 

Sẽ tổng kết, đánh giá tình hình Quỹ BOG: Giá xăng dầu trên thị trường thế giới luôn diễn biến phức tạp, nên Liên bộ Tài chính - Công Thương chưa đủ cơ sở xác định quy mô Quỹ BOG cần thiết để can thiệp thị trường xăng dầu. Liên bộ sẽ phối hợp với các DN tổng kết, đánh giá tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề này.

Đề xuất trích 2% doanh thu để làm Quỹ BOG: Đây là kiến nghị của DN thay vì trích như hiện nay. Tuy nhiên, muốn tính được quy mô quỹ bao nhiêu thì phải có thời gian kiểm chứng. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cách thức trích Quỹ BOG. 

A.X

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent