Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ vì cơ chế
26/11/2012 4:55:00 CHTin trong nước

(TBKTSG Online) - Từ đầu năm đến nay, hiệu quả kinh doanh ngành hàng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối rất thấp, thậm chí lỗ. Theo các đơn vị, tất cả là do cơ chế điều hành.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp đầu mối tuy ngần ngại bình luận cũng như từ chối cung cấp thông tin chính xác về những con số lợi nhuận từ đầu năm đến nay nhưng đều xác nhận, hiệu quả kinh doanh từ ngành nghề chính (xăng dầu) rất thấp, không tương xứng với doanh thu của mặt hàng này.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp phía Nam cho biết, kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay không có hiệu quả. Theo đó, tổng kết 6 tháng thì doanh nghiệp này lời "chút chút" nhưng 9 tháng thì lỗ. Ngay tại thời điểm ông chia sẻ, doanh nghiệp vẫn lỗ dù giá thế giới có xu hướng giảm.

Theo ông, nguyên nhân lỗ là Nhà nước quản lý thị trường chặt theo hướng giữ giá để đạt mục tiêu kìm chế lạm phát và không theo kịp thế giới khiến doanh nghiệp lỗ kéo dài.

“Ví dụ như mấy tháng liền, cơ quan quản lý cắt lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu. Số tiền này vốn được doanh nghiệp dùng để bù vào chi phí kinh doanh 600 đồng mà Bộ Tài chính quy định từ lâu, không còn phù hợp thực tế”, ông này dẫn chứng.

Cũng theo ông này, doanh thu từ xăng dầu chiếm 90% tổng doanh thu. Do vậy, dù các ngành hàng khác của công ty là gas, nhà hàng khách sạn, vận tải kinh doanh có lời cũng không đủ bù.

Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) tuy không khẳng định chính thức đơn vị này lời hay lỗ từ đầu năm đến nay nhưng cho biết việc cắt lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu trong mấy tháng trước đã gây áp lực cho doanh nghiệp.

“Ba đến năm tháng nay, cơ quan quản lý điều hành khá tốt, công khai minh bạch hơn. Nhưng việc cắt chi phí 300 đồng lợi nhuận định mức đã làm cho doanh nghiệp, có những thời điểm lỗ”, ông Sang nói.

Trong cơ chế điều hành, theo ông Sang còn có những điểm bất hợp lý khác như giá cơ sở đôi khi lạc hậu với giá thế giới do cách tính 30 ngày; chi phí kinh doanh 600 đồng trong khi doanh nghiệp phải chi nhiều hơn thế… Tại Saigon Petro, kinh doanh xăng dầu chiếm 80% tổng doanh thu, còn lại là khí đốt (gas) và vận tải.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây thì công bố báo cáo tài chính quí 3 cho thấy, 9 tháng đơn vị này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 795,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu lại chỉ chiếm trên 5% với 58,129 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận thu được từ mảng kinh doanh khác của khối xăng dầu lên tới 593,524 tỉ đồng.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỉ đồng, khối lượng bán ra 9 tháng tới 6 triệu mét khối, tấn mà lợi nhuận chỉ như vậy là một điều đáng bàn.

Ông Năm từ chối bình luận về nguyên nhân của kết quả kinh doanh 9 tháng đã công bố nhưng nói rằng, trong 9 tháng qua, giá thế giới tăng liên tục và động thái điều hành trong nước cũng đi theo. “Nếu điều hành đúng thì không phát sinh nhưng nếu lệch nhịp, doanh nghiệp có thể lỗ đến 50 - 70 tỉ đồng một ngày và 2 ngày là tình hình đã khác”, ông Năm nói.

Về các mảng kinh doanh khác của Petrolimex, ông Năm cho biết,  lợi nhuận tương đối ổn định do được kinh doanh theo cơ chế thị trường, định giá theo thị trường. Thêm vào đó, những con số cụ thể đều do Hội đồng thành viên quyết định. Trong nhiều trường hợp, Petrolimex chỉ là nhà đầu tư có cổ phần ít.

Nhìn về quí 4, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không mấy lạc quan. Ví dụ như Petrolimex, ông Năm cho rằng đã đi qua 2 tháng nhưng vẫn chưa biết thế nào. Tình hình giá cả trên thị trường thế giới thì diễn biến khác thường, không theo quy luật.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent