Quỹ bình ổn xăng dầu: Nhiều thời điểm mang tính hình thức
16/11/2012 4:25:00 CHTin trong nước

Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 tại Petrolimex. Ngoài những con số lỗ, lãi đã được thông tin, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên xung quanh việc kinh doanh xăng dầu tại Petrolimex cũng như những vấn đề liên quan đến việc minh bạch thị trường xăng dầu.

* Xin ông cho biết ngắn gọn về kết quả kinh doanh năm 2011 của Petrolimex?

- Chúng tôi đã xác nhận và đánh giá thực trạng kết quả kinh doanh và tình hình tài chính năm 2011 của Petrolimex, theo đó tổng số lỗ của doanh nghiệp này là 1.423 tỉ đồng, chủ yếu là do chênh lệch tỷ giá, do Nhà nước thực hiện bình ổn giá và lỗ do chi phí kinh doanh tăng.
Bên cạnh đó, Petrolimex vẫn còn khoản đầu tư tài chính vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng với giá trị khoảng 1.534 tỉ đồng (15,69% vốn chủ sở hữu). Tuy hoạt động đầu tư đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng trong điều kiện khó khăn như hiện nay cần phải tái cơ cấu vốn hiệu quả, tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

* Qua việc kiểm toán doanh nghiệp đầu mối đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, KTNN có phát hiện được những bất cập trong cơ chế quản lý thị trường xăng dầu?

- Nhìn từ các văn bản pháp luật, đúng là có những vướng mắc, tồn tại, bất cập trong cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ví dụ: Quy định lượng xăng dầu tái xuất phải bằng số lượng tạm nhập không tính lượng hao hụt tự nhiên ở khâu tồn chứa trong lúc chờ tái xuất, buộc các đơn vị phải bù đắp lượng hao hụt này từ nguồn hàng nội địa. Quy định về giá tính thuế và quy định về hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ theo Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng đều không có nội dung hướng dẫn giảm trừ phần thù lao đại lý khi xác định giá tính thuế cũng như phản ánh giảm trừ trên hóa đơn bán hàng.

Hoặc trong năm 2011, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không được thực hiện đúng quy định điều 27 của Nghị định 84/2009/NĐ-CP: giá xăng dầu theo “cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” mà phải chấp hành các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước. Điều này khiến cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu những ảnh hưởng bất lợi.

Do Nhà nước quyết định giá bán kéo dài nên tập đoàn thụ động trong quản trị hiệu quả kinh doanh. Một số giai đoạn tăng giá xăng dầu đã đem lại lợi nhuận cho tập đoàn nhưng lãi không đủ bù đắp nhưng giai đoạn lỗ. Còn Nhà nước, tuy đạt được muc tiêu kiềm chế lạm phát nhưng chỉ giữ được trong một giai đoạn ngắn. Khi không thể giữ tiếp thì việc điều chỉnh giá tăng đột ngột làm cho người tiêu dùng gặp khó khăn. Với người tiêu dùng, do không được thông tin công khai, minh bạch về giá thành, nên luôn có những bức xúc. Phần lớn thời gian năm 2011, giá bán xăng dầu chưa đảm bảo tính đủ yếu tố cầu thành giá cơ sở do Nhà nước thực hiện chính sách thuế nhập khẩu bằng 0%.

* Thế còn những ồn ào của dư luận xung quanh chuyện thù lao cho các đại lý. KTNN đánh giá thế nào?

- Quy định về định mức chi phí bán lẻ từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp trong khi các yếu tố chi phí thực tế tăng cũng làm cho mức giá cơ sở có khoảng cách sơ với thực tiễn chi phí của doanh nghiệp. Quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu tính cho cả năm, không ràng buộc được các doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm nhập khẩu để khắc phục tình trạng thị trường có nguy cơ mất cân đối nguồn cung cấp trong ngắn hạn; còn tình trạng một tổng đại lý, đại lý đồng thời sử dụng nguồn hàng tại nhiều đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu khác nhau, vi phạm Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

Có giai đoạn các doanh nghiệp đầu mối tăng thù lao đại lý quá cao để cạnh tranh không lành mạnh, ngược lại có thời điểm các đơn vị chi mức thù lao quá thấp, gây khó khăn cho hoạt động của đại lý. Quy định mức trích/chi quỹ bình ổn giá không kịp thời so với diễn biễn giá thế giới, dẫn đến có giai đoạn doanh nghiệp lỗ vẫn phải trích quỹ, tạo ra quy mô quỹ không có thực. Quy định sử dụng quỹ tại nhiều thời điểm đã hết quỹ (quỹ âm) mang tính hình thức. Trong khi đó, trên thực tế, theo công thức giá, người tiêu dùng vẫn coi đây là nguồn có thực vì cho rằng cứ bán xăng dầu là thu được quỹ, vì vậy đôi khi dẫn đến sự hiểu lầm của người tiêu dùng trong việc tham gia đóng góp quỹ.

* Ngoài vấn đề lỗ do chênh lệch tỷ giá và do sự can thiệp của Nhà nước, doanh nghiệp có thể giảm lỗ nếu minh bạch cách hạch toán hoa hồng vào chi phí kinh doanh thay cho giảm trừ vào doanh thu bán hàng, ảnh hưởng đến tính chính xác sổ sách kế toán?

- Cho dù phản ánh vào chi phí hay giảm trừ doanh thu cũng không làm sai khác kết quả kinh doanh. Lý do KTNN đề cập đến nội dung này trong báo cáo kiểm toán chủ yếu nhằm kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung hướng dẫn chi tiết, cụ thể hình thức phản ánh thù lao đại lý kình doanh xăng dầu để thống nhất thực hiện. Qua kiểm toán cho thấy, cơ bản Petrolimex cũng đã công khai mức thù lao và việc thù lao đại lý cũng được báo cáo đầy đủ theo quy định.

 * Vẫn liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó có chi phí hoa hồng, phần được kiểm toán tách riêng thành phụ lục để phân tích, cho thấy việc các doanh nghiệp chi thù lao cho đại lý không gắn với hiệu quả, chi hoa hồng bình quân quá mức có thể xem như việc “gửi” giá, làm tăng lỗ hay không?

- Báo cáo kiểm toán có thêm phụ lục phân tích cơ sở, dữ liệu để đưa ra những biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Do việc chi thù lao đại lý tại các đơn vị chịu ảnh hưởng của mức lợi nhuận gộp của các đơn vị (không thể chi thù lao vượt mức lợi nhuận gộp được giao) nên nhiều thời điểm có doanh nghiệp ép mức chi thù lao đại lý hạ thấp chỉ còn 50-100 đồng/lít xăng dầu. Với mức chi này, các tổng đại lý, đại lý khó có thể bù đắp chi phí. Ngược lại, có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm, chênh lệch lợi nhuận gộp tăng thì lại có doanh nghiệp đẩy mức chi thù lao đến 1.170 đồng/lít. Như vậy, có thể nhận thấy mức chi thù lao đại lý chưa bám sát với thực tế chi phí và hiệu quả hoạt động của đại lý, tổng đại lý. Câu chuyện có hay không việc “gửi giá” là rất khó xác định. Tuy nhiên, nếu xét ở mức chi thù lao đại lý bình quân cả năm so sánh với chi phí thực tế tại các cửa hàng của tập đoàn cũng không có khác biệt lớn.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent