Trữ lượng dầu mỏ của Iran đứng thứ ba thế giới, còn trữ lượng khí đốt
đứng thứ hai toàn cầu. Nguồn thu nhập từ nguồn tài nguyên khí đốt đối
với nền kinh tế này vô cùng quan trọng. Chỉ có trữ lượng khí đốt tại
South Pars mới lên tới 28 tỷ m3.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt
quốc tế do tham vọng hạt nhân của Iran gây ra đã khiến ngành năng lượng
của quốc gia này thiệt hại nặng nề, thiếu trầm trọng vốn đầu tư và công
nghệ nước ngoài cần thiết để nâng cao năng suất sản lượng.
Các
nhà phân tích Iran và quan chức ngoại giao phương Tây tại Tehran cho
rằng, những điều khoản mà Iran dành cho các công ty khai thác nước ngoài
thiếu sức hấp dẫn và một vài quan chức có kinh nghiệm trong Bộ Dầu mỏ
đã bị thanh lọc, vì thế đã gây tổn hại cho ngành năng lượng. Trong mấy
năm gần đây, một loạt các công ty dầu mỏ như Repsol (Tây Ban Nha),
StatoilHydro (Na Uy), tập đoàn khí đốt OMV (Áo), Inpex (Nhật Bản) và
Lukoil (Nga) đều không dám ký các hợp đồng lớn với chính phủ Iran.
Trái lại, các hãng dầu khí như SKS của Malaysia, Sinopec và PetroChina
của Trung Quốc lại vui vẻ gia nhập vào thị trường Iran. Nhưng, bất chấp
sự tham gia của họ, ngành năng lượng Iran vẫn chưa thể đạt được mức phát
triển cần có.
Đối với mỏ dầu South Pars, lệnh trừng phạt quốc
tế và thỏa thuận năng lượng thiếu sức hấp dẫn đã ảnh hưởng rất lớn tới
các mỏ dầu và mỏ khí đốt của Iran. Các dự án trong các giai đoạn mà mỏ
dầu này đầu tư đã áp dụng công nghệ phương Tây như của StatoilHydro và
Total.
Nhưng hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp nội địa Iran
cũng đang đứng trước tình hình ngày càng phức tạp. Khatam al-Anbiya –
một công ty kiến trúc trực thuộc Tập đoàn Revolutionary Guards (IRG) đã
rút khỏi công trình giai đoạn 15 và giai đoạn 16, nguyên nhân không xác
định. Theo công ty này, họ không muốn làm tổn hại đến “lợi ích quốc
gia”.
Nhưng những nhà phân tích của Tehran vẫn nghi ngờ, nguyên
nhân có thể liên quan đến hành động trừng phạt mà Liên Hợp Quốc mới áp
dụng. Theo quyết định trừng phạt, tất cả tài sản quốc tế do Khatam
al-Anbiya đứng tên đều phải bị đóng băng.
Công ty đóng tàu và
tổng hợp công nghiệp xa bờ - một công ty ít được biết đến tại Iran đã
giành được 77% quyền lợi tại South Pars từ tay Khatam al-Anbiya.
Trong khi đó, Iran đã hạ thấp mục tiêu sản lượng khí hóa lỏng. Ông
Morteza Elahi giám đốc dự án và chương trình POG cho biết, mỗi năm công
ty này sẽ sản xuất 40 triệu tấn khí hóa lỏng, thấp hơn so với dự đoán.
Cũng theo ông này: “Đây là do tình hình kinh tế toàn cầu chứ không phải
do lệnh trừng phạt”.
Những doanh nghiệp tham gia khai thác mỏ
dầu South Pars hầu hết đều phải phụ thuộc vào sự rót vốn của chính phủ.
Năm nay, Quốc hội Iran đã phê chuẩn việc đầu tư 8 tỷ USD tiền vốn cho
hoạt động khai thác mỏ dầu và mỏ khí đốt, đồng thời phát hành 5 tỷ trái
phiếu tại Iran, phát hành 9 tỷ EUR trái phiếu và trái phiếu Hồi giáo
Sukuk tại nước ngoài.
Thông qua các kênh huy động vốn lớn này,
có khoảng một nửa số tiền thu về sẽ được đầu tư vào South Pars. Hiện đã
huy động đủ vốn, toàn bộ công trình 24 giai đoạn của mỏ khí này sẽ được
đi vào sản xuất trước năm 2015. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadi-Nejad mới
đây đã thông qua nhiều hợp đồng tổng cộng trị giá 21 tỷ USD, cho phép
các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt các tập đoàn tài chính khai thác mỏ
khí đốt này.
Nhưng Iran vẫn cần phải nhanh chóng khai thác
South Pars, để tránh mở rộng khoảng cách với Qatar. Qatar và Iran cùng
sở hữu mỏ khí đốt South Pars. Iran cũng phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
khí đốt ngày càng tăng trong nước, và cung ứng khí đốt cần thiết cho
việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu.
Mặc dù đứng trước
nhiều thách thức, nhưng ban quản lý POG vẫn cho rằng, họ có thể khắc
phục được tất cả khó khăn. “Chúng tôi không hề lo lắng về công nghệ, huy
động vốn hay dự án do ai phụ trách”.