Khai thác dầu ở nước ngoài: “Có rủi ro, nhưng....”
21/07/2010 3:50:00 CHTin trong nước

Việc ngành dầu khí liên tiếp có các hợp đồng khai thác dầu khí tại nước ngoài đang đặt ra nhiều câu hỏi về trữ lượng dầu khí trong nước.

Theo lý giải của ông Trần Đức Chính, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) - đơn vị chủ lực trong khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), thì đó là một hoạt động bình thường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, ông Chính cũng thừa nhận, dầu khí là tài nguyên không tái tạo, nên không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt với thực tế ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này. Việc PVEP tăng cường đầu tư, hợp tác với nước ngoài cũng bắt nguồn từ thực tế đó. Đơn vị này đã đặt mục tiêu khai thác dầu cao gấp nhiều lần trong những năm tới, từ 130 triệu tấn đến năm 2015 lên 400 triệu tấn/10 năm tiếp theo.

Trao đổi với VnEconomy, ông Chính nói:

- Chúng tôi thừa nhận thực tế trữ lượng dầu trong và ngoài nước đang ngày càng khó khăn. Con số dự kiến khai thác nói trên là do chúng tôi tính sản lượng cộng dồn của nhiều năm, đặc biệt trong giai đoạn chúng tôi đẩy mạnh khai khác ở nước ngoài.

Sản lượng khai thác hiện nay thấp hơn là do hiện vẫn khai thác trong nước là chủ yếu. Còn từ sau 2016 trở đi, tỷ trọng dầu từ nước ngoài sẽ tăng lên nhờ một số mỏ đưa vào khai thác.

Hiện trữ lượng dầu khí của Việt Nam thuộc vào loại trung bình của thế giới nhưng chúng ta đã có tên trong bản đồ các nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí thế giới. Còn trong khu vực ASEAN, chúng ta xếp hàng thứ 3.

Vừa qua, PVEP đã đạt được thỏa thuận khai thác mỏ Junin ở Venezuela. Được biết, tổng vốn đầu tư cho dự án này rất lớn nên PVEP sẽ phải đi vay. Như vậy, liệu dự án này có hiệu quả không và khi triển khai thì dầu thô sẽ được sử dụng như thế nào, có đưa về Việt Nam không?

Tôi xin được chia vui với những người quan tâm đến dầu khí. Ngày 29/6 vừa qua, sau một thời gian dài đàm phán khó khăn, với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị trong nước và lãnh đạo tập đoàn, chúng tôi đã ký được hợp đồng khai thác và nâng cấp dầu siêu nặng tại lô Junin 2 nói trên.

Hiện chúng tôi đang phấn đấu quý 4/2012 sẽ có dòng dầu đầu tiên, khai thác sớm vào 2014, đạt sản lượng đỉnh vào 2016. Trong đó, sản lượng khai thác sớm là 50.000 thùng/ngày và sản lượng đỉnh là 200.000 thùng/ngày.

Về vốn đầu tư của dự án, dự kiến là 12 tỷ USD, trong đó chúng tôi góp 40%, tương đương 4,8 tỷ USD. Vì vốn lớn như vậy nên tất nhiên là chúng tôi phải huy động từ vốn chủ sở hữu kết hợp với vốn vay.

Song tôi cũng xin lưu ý, nếu vay bên ngoài mà sử dụng tốt thì còn hiệu quả hơn vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, dù là khoản góp vốn tương đối lớn, song tiến độ triển khai để có dòng dầu đầu tiên và đạt đỉnh lại được phân bổ ra trong nhiều năm, tức là sẽ dùng dự án để nuôi dự án. Do đó, vốn đầu tư vào dự án này ban đầu của PVEP chỉ vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong liên doanh này, với dự kiến khai thác 200.000 thùng thì sản lượng khoảng 10 triệu tấn dầu/năm. Phần của PVEP sẽ có khoảng 4 triệu tấn/năm, và sẽ được đưa về nước để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

Gần đây, Petro Vietnam nói chung và PVEP nói riêng đang đẩy mạnh khai thác, đầu tư ra nước ngoài. Mục đích của việc này là gì hay chỉ đơn thuần là do trữ lượng trong nước đang ngày càng “có vấn đề”, thưa ông?

Tôi có thể viện dẫn tính toán của các nhà khoa học để mọi người hiểu. Nếu nền kinh tế phát triển 1 lần thì nhu cầu năng lượng phải từ 1,5 - 1,7 lần mới đáp ứng đủ.

Nhưng quan trọng không kém, do dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo, nên để đảm bảo an ninh năng lượng, bắt buộc chúng tôi phải đi bằng hai chân, nghĩa là song song với khai thác trong nước cần phải mở rộng đầu tư, khai thác ở nước ngoài để bổ sung vào trữ lượng dầu khí mà trong tương lai gần nó sẽ giảm xuống, hoặc do nhu cầu phát triển của nền kinh tế mà sản lượng trong nước không thể đáp ứng được.

Tất nhiên, với tư cách là doanh nghiệp, chúng tôi cũng phải phấn đấu trở thành 1 trong 3 công ty mạnh nhất trong khu vực về thăm do và khai thác dầu khí.

Hiện tại, con số 20 dự án đang có ở 15 nước khác nhau, trong đó có dự án khổng lồ như Junin, đã khẳng định chúng tôi là doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam đi tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng tiềm lực dầu khí.

Nhưng tôi cũng lưu ý, đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí nói chung là đầu tư rủi ro. Đặc biệt, trong trường hợp đầu tư ra nước ngoài thì khả năng rủi ro còn cao hơn vì cần chi phí lớn hơn, công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu thành công thì sẽ gặt hái được lợi nhuận lớn. Do đó, chiến lược đầu tư của chúng tôi là chiến lược của những nhà đầu tư mạo hiểm, “trứng phải được để vào nhiều rổ”, chúng tôi đa dạng hóa cơ cấu đầu tư bằng các dự án thăm dò, khai thác, mua mỏ... chứ không tập trung vào một lĩnh vực nào cả.

Cuối năm ngoái, PVEP đã ký hợp đồng khai thác dầu khí tại Campuchia. Đây là khu vực đất liền, địa chất sẽ khó hơn nhiều so với khai thác dầu trên biển và lại là khu vực chưa có ai khai thác. Liệu PVEP có mạo hiểm quá không?

Đúng vậy, hợp đồng dầu khí tại khu vực Biển Hồ ở Campuchia là khu vực chưa có ai khai thác cả. Do đó, việc triển khai dự án án phải được bắt đầu từ những công việc đầu tiên. Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch công tác 7 năm tại đây, trong đó năm đầu tiên phải khảo sát từ trọng lực lô 15, sau đó tiến hành địa chấn 2D, 3D, nghiên cứu địa chất, khoan thăm dò...

Nhưng tôi cũng khẳng định, trong số 58 dự án của PVEP đang triển khai ở trong và ngoài nước, có nhiều dự án trên đất liền. Ngay cả 20 dự án nước ngoài cũng có những dự án trên đất liền. Do đó, đối với PVEP việc triển khai trên đất liên hay trên biển đều không có sự khác biệt. Chúng tôi có đủ năng lực để triển khai trên mọi vùng.

Tất nhiên, việc khai thác mỗi một nơi khác nhau thì đều có điều kiện địa chất khác nhau. Chẳng hạn như mỏ ở sa mạc Sahara ở Angeria, hay vùng biển sâu ở Cu Ba... thì rất khác nhau nhưng chúng tôi đang triển khai rất tốt.

Vừa qua, Petro Vietnam có đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi doanh thu trong năm nay. Liệu điều này có tạo áp lực trong khai thác đối với một doanh nghiệp được xem là chủ lực như PVEP?

Petro Vietnam là “công ty mẹ” của chúng tôi. Không chỉ Petro Vietnam mà cả PVEP chúng tôi đều có 2 trách nhiệm về chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp nên chúng tôi vẫn phải có mục tiêu là có lợi nhuận. Đó chính là sức ép, là thách thức của tất cả các doanh nghiệp chứ không riêng gì PVEP.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent