Xăng sinh học: Tốt nhưng ế ẩm, càng làm càng lỗ
25/10/2012 8:46:00 SATin trong nước

Lượng tiêu thụ xăng pha cồn (xăng ethanol hay còn gọi là xăng E5) trên thị trường hiện nay mới chỉ tương đương với công suất sản xuất 2,5 ngày của một nhà máy ethanol. Xăng sinh học pha chế ra, không ai mua vì thiếu cơ chế ưu đãi.

Bán không ai mua

Cách đây 5 năm, xăng E5- loại xăng được pha chế với 5% cồn sinh học ethanol làm từ tinh bột sắn đã được quảng bá rầm rộ về tính thân thiện môi trường. Trên thế giới, xăng pha cồn đã được sử dụng phổ biến ở 60 quốc gia và được kỳ vọng như một loại nhiên liệu tối ưu, có thể thay thế xăng thông thường có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Từ năm 2010, tại Việt Nam, xăng E5 đã được bán ra thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, loại xăng tưởng rất ưu việt này đang đứng trước nguy cơ chết yểu.

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí than phiền: "Vấn đề lớn hiện nay là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Bán không ai mua!". Trong 9 tháng vừa qua, các doanh nghiệp hăng hái nhất cũng chỉ bán được 15.000m3 xăng E5, tương đương với sức tiêu thụ khoảng 750 m3 ethahol, bằng công suất sản xuất trong 2,5 ngày của một nhà máy ethanol.

Và cũng kể từ thời điểm tháng 8/2010, dấu mốc mở cửa hàng bán xăng E5 thương mại đầu tiên của cả nước thì tổng lượng xăng E5 cung ứng ra thị trường mới đạt có 35.000m3.

Trong khi đó, quy mô công suất của 3 nhà máy ethanol hiện nay lên tới 300.000 m3 ethanol, đủ để pha chế được 6 triệu m3 xăng E5. Sản lượng này tương đương tới 94% nhu cầu tiêu thụ xăng tại Việt Nam vào năm 2014.

Nếu so với con số tiêu thụ trung bình tháng của xăng thông thường hiện nay từ 1- 1,2 triệu lít thì việc bán được có 15.000m3 xăng E5 quả là quá khiêm tốn.

Nhu cầu gần như là số 0 cho nên, việc triển khai phân phối, kinh doanh xăng E5 cũng trì trệ. Sau 5 năm triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học, chỉ có đúng 3 trên tổng số 10 doanh nghiệp đầu mối tham gia kinh doanh là PVOil, Petec, SaigonPetro. Cả nước cũng chỉ có 5 trạm pha chế xăng E5.

Tính đến tháng 9 năm nay, PVOIL chỉ phát triển được thêm 100 của hàng bán xăng E5, nâng tổng số điểm bán xăng E5 trên cả nước là 155 cửa hàng. Nếu so với hơn 12.000 cây xăng bán lẻ trên cả nước, có thể thấy, sự tồn tại của xăng E5 trên thị trường đang rất mờ nhạt.

Càng sản xuất, càng lỗ

Dù ế ẩm vì lý do gì thì tình trạng kinh doanh trên cũng đã khiến các nhà đầu tư xây dựng nhà máy ethanol lãnh đủ sự thua lỗ, người nông dân trồng sắn chịu thiệt hại lớn.

Theo ông Phùng Đình Thực, giá thành xăng E5 hiện từ 15.000-18.000 đồng, nhưng các nhà máy chỉ bán được cho PVOil với giá 18.000 đồng, coi như lỗ hoặc hòa vốn.

Không bán được trong nước, các doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu xăng E5 sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines nhưng với giá rẻ mạt, có 13.000 đồng/lít. Nói cách khác, một lít xăng E5 xuất khẩu đi đã lỗ tới 2.000- 6.000 đồng.

Vì vậy, "không ai còn muốn sản xuất ethanol", ông Thực nhấn mạnh.

Tính đến tháng 6 năm nay, nhà máy ethanol Đại Tân của công ty CP Xanh đã đóng cửa tạm thời, 2 nhà máy còn lại ở Quảng Ngãi và Bình Phước do PVN  tham gia đầu tư đang phải hoạt động cầm chừng.

Các dự án đang triển khai cũng bị chậm tiến độ vì viễn cảnh "bán không ai mua". Ví dụ như ở nhà máy ethanol tại Phú Thọ do PVN nắm giữ 29% cổ phần, các nhà đầu tư không muốn bỏ thêm tiền để thực hiện các phần việc phát sinh. "Lý do sâu sa hơn là tâm lý sợ càng làm càng lỗ thì bỏ tiền ra nữa để làm gì", ông Thực nói.

Tỏ ra bức xúc về dự án này, ông Hoàng Công Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân đân tỉnh Phú Thọ đã đề nghị PVN mua lại tất cả các cổ phần của doanh nghiệp khác ở dự án nhà máy Ethanol của tỉnh. Vì "người nông dân Phú Thọ đang khóc trên cây sắn".

Tại  dự án nhà máy ethanol ở Bình Phước, nhà đầu tư Nhật Bản đang rao bán cổ phần, muốn rút vốn vì thấy không hiệu quả.

Hiện nay, một trạm pha chế xăng E5 có giá khoảng 3 tỷ đồng, chi phí cải tạo cây xăng khoảng 40 triệu đồng, cộng thêm chi phí 2-3 triệu đồng/xe vận chuyển. Theo ông Thực, chi phí này thực chất không lớn nhưng các DN đầu mối không muốn làm vì thiếu cơ chế ưu đãi đồng bộ. Chỉ có các doanh nghiệp trong ngành, trong Tập đoàn "ép nhau" thì đơn vị công ty con mới triển khai.

Chỉ cần bắt buộc sử dụng xăng ethanol trên toàn quốc

Như nhiều ý kiến đưa ra, khơi thông được xăng E5 hiện nay chỉ còn cách Chính phủ cần sớm phê duyệt lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc. Bộ Công Thương cũng đã có dự thảo về lộ trình này, dự kiến áp dụng từ tháng 12/2014, ban đầu cho 7 tỉnh, thành phố, sau đó, áp dụng trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Khánh Toản, Viện Dầu khí, Tập đoàn PVN cho rằng, Chính phủ cần trợ giá xăng E5 để kích cầu người tiêu dùng, tăng chiết khấu hoa hồng cao hơn xăng thông thường cho các cây xăng lẻ.

Bên cạnh đó, chính sách thuế cần ưu đãi đặc biệt cho xăng E5 như giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn thuế môi trườn , giảm thuế nhập khẩu thiết bị vật tư cho các dự án pha chế, áp thuế VAT và thuế xuất khẩu 0% cho nhiên liệu Ethanol 100% của các nhà máy sản xuất trong 5 năm.

Tuy nhiên, nhìn từ các quốc gia khác, xăng sinh học được sử dụng thông dụng, bình thường. thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Dương Quang bày tỏ: "Nhiên liệu này không đến mức quá đặt biệt để phải cần nhiều ưu đãi như vậy".

Theo Thứ trưởng Quang, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhận thức của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh xăng dầu về xăng E5.

Nhiều người dân chưa hiểu rõ, còn nhầm lẫn giữa ethanol- cồn sinh học với methanol (một loại dung môi mang tính tẩy rửa mạnh, pha chế trong sơn, không được phép pha vào xăng dầu) sau khi có hàng loạt vụ cháy nổ xe. Cùng đó, chính các cơ sở kinh doanh xăng dầu còn chưa mặn mà. Nếu bán xăng E5, họ còn phải đầu tư thêm cột bơm, kho chứa, trong khi đó, họ có thể nhập khẩu xăng thông thường dễ dàng hơn.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent