Như vậy, sau xăng dầu, có thể điện sẽ là mặt hàng
thứ hai trong “rổ hàng hóa” bị kêu ca nhiều nhất thời gian qua trở thành
thứ hàng hóa được phép “chìm – nổi” theo thời giá.
Vẫn biết rằng, cũng như xăng dầu, việc đưa điện
tiếp cận với thị trường và vận hành theo cơ chế thị trường là một lộ
trình mà các nhà quản lý vĩ mô đã đặt ra từ đầu. Vậy nhưng, thử nhìn lại
xem, yếu tố thực sự tạo thành “thị trường điện” ở Việt Nam đã đủ?
Chuyện “mua – bán” điện giữa EVN với các đơn vị sản
xuất, phát điện, truyền tải và người tiêu dùng hiện nay đang ở trạng
thái nào? Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay, đa số người dân vẫn nhìn
nhận ngành điện như một ngành “độc quyền”. Khái niệm “thị trường” ở đây
đang hết sức mơ hồ, mờ nhạt. Vậy thì khi đặt ngành điện vào bối cảnh
hoạt động “theo thị trường” nhưng thực tế thị trường lại đang là một sự
mơ hồ, mờ nhạt thì sẽ ra sao? Thị trường này sẽ khó có sự giám sát cần
thiết của người tiêu dùng – những khách hàng của ngành điện.
Vẫn biết, lên “thị trường” là tiến theo xu hướng
chuyên nghiệp, hiện đại, nhưng hãy thử nhìn lại xem, trong quan hệ giữa
ngành điện (người bán) với người dân (người mua) đang ra sao? Người dân
có được quyền tham gia “xác lập giá” – một yếu tố quan trọng trong quan
hệ “mua - bán” trên thị trường – hay không?
Người dân có thể yêu cầu ngành điện bồi thường, yêu
cầu xử phạt, thậm chí là kiện ra tòa khi mà việc cắt điện (hoặc là “sự
cố” như ngành điện thường giải thích!) với các thiệt hại mà họ phải chịu
khi mất điện không? Sự bình đẳng chưa có trong quan hệ thị trường này!
Cũng như xăng dầu, điện là một mặt hàng có sự tác
động xã hội cực lớn vì nó là phép cộng của mọi thứ giá thành các mặt
hàng khác. Sự điều chỉnh mà xu hướng dự báo là tăng nhiều hơn giảm của
điện trong một thời gian ngắn có thể gây sốc cho mọi người dân.
Xăng dầu “lên chuyên” đã gây không biết bao nhiêu
sóng gió cho nền kinh tế. Thậm chí, có thời điểm các doanh nghiệp xăng
dầu đã viện cớ để tăng quá sốc khiến Nhà nước lại phải kiềm chế dù đang
cho hoạt động theo cơ chế thị trường. Bây giờ đến lượt điện cũng
“pờ-rồ”, không hiểu nỗi âu lo còn lớn đến mức nào?