Sau một thời gian dài giá xăng dầu
thuộc diện phải “bình ổn”, với một loạt yêu cầu giãn tăng giá, giảm giá
của Bộ Tài chính, mới đây, Bộ này đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp
đầu mối kinh doanh xăng dầu nêu rõ, các doanh nghiệp được chủ động
quyết định và điều chỉnh giá bán lẻ theo Nghị định 84.
|
Các doanh nghiệp lại được
chủ động quyết định giá xăng dầu như trước |
Tuy nhiên, trong bối cảnh cần kiềm chế
lạm phát hiện nay, Bộ Tài chính yêu cầu nếu doanh nghiệp tăng giá thì
thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá phải cách tối thiểu là 30 ngày,
thay vì 10 ngày như Nghị định 84 qui định.
Bên cạnh đó, việc sử dụng Quĩ bình ổn
giá xăng dầu cũng có điểm thay đổi. Nếu trước đây, khi áp dụng xả Quĩ
bình ổn, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp xả Quĩ tối đa 500
đồng/lít xăng dầu, thì theo văn bản mới này, các doanh nghiệp được xả
Quĩ ở mức cố định là 500 đồng/lít xăng và 400 đồng/lít dầu.
Theo SaigonPetro, hiện nay, giá xăng
dầu trên thế giới đang đi ngang, có ngày nhích lên, có ngày giảm đi với
biên độ nhỏ, khoảng dưới 1 USD/phiên giao dịch. Trên thị trường
Singapore giao dịch ngày 20/7, giá thành phẩm xăng A92 hiện là 80,93
USD/thùng, dầu diesel là 86,55USD/thùng, dầu hỏa là 86,32USD/thùng.
Sau
2 lần giảm giá hôm 27/5 và 8/6, giá bán lẻ xăng A92 hiện là 15.990
đồng/lít, dầu diesel là 14.400 đồng/lít, dầu hỏa: 14.700 đồng/lít và dầu
madut là 12.500 đồng/kg. Với mức giá này, SaigonPetrol cho rằng, các
doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ khoảng 200-300 đồng/lít.
Còn theo bảng tính của Petrolimex tới
ngày 20/7, đối với xăng A92 và dầu hỏa, giá cơ sở đều đang cao hơn giá
bán lẻ là 2,5%. Tỷ lệ này đối với dầu diesel là 1,8%, đối với dầu madut
là âm 0,9%.
Giá xăng dầu thành phẩm trên thị
trường Singapore tăng giảm theo giá dầu thô thế giới, giảm trong tuần
đầu tháng và tăng lại từ 7/7/2010.
Ngoài tác động tăng của giá
dầu thô, giá xăng tăng còn do nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ, Indonesia,
Việt Nam và Trung Quốc tăng lên.
Giá bình quân nửa đầu tháng
7/2010 của mặt hàng xăng là 79,11 USD/thùng, giảm 0,75USD/thùng (0,94%)
so với cùng kỳ tháng 6/2010 nhưng tăng tới 10,74 (15,71%) so với cùng kỳ
7/2009.
Tương tự đối với giá diesel 0,05S là 84,36 USD/thùng,
giảm 0,29 USD/thùng (0,35%) so với cùng kỳ tháng 6/2010 nhưng tăng 14,44
USD/thùng (20,65%) so với cùng kỳ tháng 7/2009.
Riêng đối với
madút 180cts giá bình quân nửa đầu tháng 7/2010 là 437,09 USD/tấn tăng
1,70 USD/tấn (0,39%) so với cùng kỳ tháng 6/2010 và tăng 44,64 USD/tấn
(11,38%) so với cùng kỳ tháng 7/2009.
(Theo Petrolimex)
|