Nếu giá tiếp tục biến động sẽ tính đến giảm thuế
29/08/2012 2:41:00 SATin trong nước

Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu vì còn liên quan đến cam kết với nước ngoài. Tuy nhiên, nếu 10 ngày tới, diễn biến giá thế giới tiếp tục xấu đi, Bộ Tài chính sẽ áp dụng đồng thời các công cụ điều tiết giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chiều ngày 28/8 đã trả lời các vấn đề liên quan đến quyết định tăng giá xăng dầu lần này.

Thuế đang chiếm trên dưới 6.000 đồng/lít, trên 30% tỷ trọng trong giá xăng. Vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế để giảm bớt mức độ tăng giá, chia sẻ với người dân và DN?

- Thuế hiện nay đang áp dụng thấp hơn barem Nhà nước quy định rất nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề thuế nhập khẩu còn liên quan đến cam kết với các DN nước ngoài trong đầu tư các nhà máy lọc dầu, tối thiểu phải là 7%. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng vấn đề này và đề nghị thuế tạm giữ như hiện nay. Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục tăng, diễn biến xấu, bất lợi, chúng tôi sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp điều tiết thị trường xăng dầu.

Để xử lý theo hướng không tác động nhiều đến sản xuất, tiêu dùng nên chúng tôi chỉ cho phép các DN có thể định giá tăng bằng 50% mức giá phải tăng mà các DN tính theo Nghị định 84. Thực chất, mức các DN tính là mức tính theo quy định của Nhà nước, còn thực tế, giá bán lẻ so với giá vốn của DN thực sự khác. Nếu tính cả lợi nhuận định mức và chưa bù từ Quỹ bình ổn, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ đối với xăng là 1.452 đồng/lít, dầu diezen là 917 đồng/lít, dầu hỏa 1.058 đồng/lít và dầu madut là 674 đồng/lít.

Bộ cũng yêu cầu các DN khi tính giá cơ sở, không tính khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Thêm vào đó, sau khi được bù từ Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu, chúng tôi tính toán mức giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành đã giảm.

Năm 2009, liên bộ cũng từng trao quyền định giá cho DN nhưng phải rút lại vì DN liên tiếp đề nghị tăng giá. Lần này, trong vòng 1 tháng giá xăng tăng 3 lần; Nếu giá xăng dầu tiếp tục biến động thì đến lúc nào, Bộ Tài chính sẽ "rút" lại quyền định giá cho DN như hồi đầu năm 2010? Có phải, việc điều hành thị trường này theo Nghị định 84 đang bị rối?

- Nghị định 84 đã quy định rõ, nếu giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ, DN được quyền định giá. Nếu mức tăng này từ trên 7 - 12%, DN được tăng 60%, 40% bù từ Quỹ. Còn nếu tăng giá cơ sở trên 12% thì Nhà nước sẽ can thiệp.

Việc giao quyền định giá cho DN như vậy là trong sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy giao nhưng khi điều chỉnh, DN phải đăng ký giá với Bộ, tuân theo cả tần suất như tính giá bình quân 30 ngày.

Nghị định 84 đã quy định, trong điều kiện nền kinh tế cần bình ổn, Bộ có quyền sử dụng các công cụ điều tiết thị trường. Ngoài ra, việc điều hành xăng dầu còn luôn phải đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu, giá cả hợp lý.

Về lý thuyết, khi DN tự quyết sẽ có nhiều mức giá khác nhau. Nhưng trong các lần điều chỉnh đều tăng giống nhau, đây có phải là hiện tượng liên kết làm giá?

- Thực tế, khi đăng ký tăng giá, các DN đều có mức lệch nhau, khi tăng giá vẫn có DN tăng sớm, DN tăng chậm, nhưng sau đó các DN có thể tự điều chỉnh để mức giá ngang nhau nếu không DN tăng cao hơn sẽ khó bán.

Ông nhìn nhận thế nào về việc một số các cây xăng găm hàng?

- Về việc cây xăng dừng bán hàng, hôm qua liên bộ Tài chính, Công Thương đã họp và Bộ Công thương kiểm tra đã có 2 đơn vị vi phạm, tuy nhiên găm hàng cũng khó vì phải xem xét lượng hàng thực có và lượng hàng bán ra, cũng không loại trừ trường hợp một số cây xăng chờ giá. Trách nhiệm của quan quản lý giá là sau khi nhận lệnh tăng giá, phải đóng cửa kiểm kê.

Xin cảm ơn ông!

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent