AP cho biết, sau khi nắp đậy có khối lượng 75
tấn được đặt vào giếng dầu vỡ, các kỹ sư của BP theo dõi giếng qua hệ
thống camera dưới nước. Họ cũng liên tục cập nhật các chỉ số áp suất và
địa chấn để xem liệu nắp đậy có ngăn chặn dầu thoát ra ngoài hay không.
Kết quả cho thấy một lượng nhỏ dầu và khí bắt đầu rò rỉ từ tối 18/7. Tuy
nhiên, đô đốc Thad Allen, đặc phái viên phụ trách thảm họa tràn dầu của
chính phủ, cho rằng hiện tượng này không đáng lo ngại.
Các kỹ sư cũng phát hiện một vết nứt khác trên đáy
biển vào cuối tuần trước. Vết nứt cách giếng vỡ chừng 3 km, song Allen
cho rằng nó không liên quan tới giếng. Từ trước tới nay người ta thường
xuyên chứng kiến cảnh tượng dầu và khí phun ra từ các khe nứt dưới đáy
vịnh Mexico.
Chính phủ Mỹ và BP chưa thống nhất quan điểm trong
việc sử dụng nắp đậy. BP muốn giữ nắp trên miệng giếng cho tới khi robot
đào xong một giếng "giải cứu" bên cạnh. Trong khi đó, ban đầu Allen
muốn BP hút dầu qua nắp đậy rồi đưa lên các tàu ở trên mặt nước nhằm
giảm áp suất bên trong giếng. Nếu áp suất quá lớn, một vụ nổ có thể xảy
ra. Nếu thực hiện theo ý tưởng của Allen, vài triệu lít dầu sẽ thất
thoát trong quá trình đưa lên tàu - một viễn cảnh mà BP muốn tránh.
Nhưng quan điểm của Allen đã thay đổi vào hôm qua. Ông
nói nếu không có mối nguy nào lớn thì ông sẽ không ủng hộ việc mở nắp
để hút dầu.
Cả BP và chính phủ Mỹ đều đang cố gắng tìm hiểu nguyên
nhân khiến áp suất trong giếng dầu thấp hơn so với tính toán của các
chuyên gia. Allen cho rằng túi dầu bên dưới giếng đang co lại, hoặc có
một vết nứt chưa được phát hiện ở dưới giếng.