Thị trường hóa lĩnh vực xăng dầu
14/07/2012 8:06:00 SATin trong nước

Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định 84/NĐ-CP về cơ chế kinh doanh xăng dầu. Về nguyên tắc, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước

Nội dung cơ bản được sửa đổi liên quan đến lĩnh vực giá gồm đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở; tính giá bình quân 10 ngày thay vì 30 ngày; quy định cụ thể mức thù lao hoa hồng đại lý, chi phí kinh doanh và bổ sung các quy định kiểm tra, kiểm soát, công bố minh bạch thông tin, chế tài xử phạt.

Sửa công thức tính giá cơ sở

Cụ thể, trong công thức tính giá cơ sở hiện nay đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận định mức kinh doanh cho mỗi lít (kg) xăng dầu. Trong đó, lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý là 100 đồng. Quy định này dễ gây nhầm lẫn lỗ/lãi của doanh nghiệp, chẳng hạn khi doanh nghiệp tuyên bố giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, gây lỗ 200 đồng/lít thì thực chất là đang lãi 100 đồng/lít vì trong giá cơ sở đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch lỗ, lãi của doanh nghiệp.

Về chi phí kinh doanh và thù lao hoa hồng đại lý, Bộ Tài chính dự kiến quy định chi phí bán lẻ xăng dầu bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng dầu ở trong nước tối đa là 860 đồng/lít. Đối với các địa bàn khác được cộng thêm tối đa 2% mức giá bán lẻ. Đối với thù lao hoa hồng cho đại lý, doanh nghiệp không được trích quá 50% mức chi phí kinh doanh nói trên. Điểm mới của quy định này là bên cạnh việc tăng định mức kinh doanh thêm 260 đồng/lít (kg), Bộ Tài chính còn có định mức kinh doanh khác nhau phù hợp với từng địa bàn và khống chế mức hoa hồng đại lý thay vì để doanh nghiệp tự quyết định.

Đáng lưu ý là giá cơ sở sẽ được tính theo 10 ngày để phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (tăng, giảm giá đều phải cách nhau tối thiểu 10 ngày), thay vì tính theo thời gian dự trữ lưu thông là 30 ngày như hiện nay. Đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu, sẽ cân nhắc trích lập quỹ ngay khi hàng nhập khẩu về hay khi đã xuất bán lẻ và sẽ để quỹ tại Kho bạc Nhà nước thay vì để ở doanh nghiệp.

Ngăn chặn doanh nghiệp “gửi giá”

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phía Nam cho rằng ấn định mức hoa hồng cụ thể trong kinh doanh xăng dầu theo phương án trên là khó khả thi. Trước đây do cơ chế bù lỗ kinh doanh xăng dầu nên Nhà nước ấn định chi phí hoa hồng đại lý, doanh nghiệp nào trích cao hơn thì không được cấp bù phần chênh lệch. Đến khi bỏ cơ chế bù lỗ, Nhà nước đã để doanh nghiệp tự quyết định, đến nay đang thị trường hóa giá xăng dầu, quay lại cơ chế hoa hồng định mức là không phù hợp và khó kiểm soát.

Trái lại, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng với hướng sửa đổi như trên, cơ quan quản lý đã minh bạch và cố định hóa tất cả các chi phí trong giá cơ sở. Đây là giá tối thiểu để doanh nghiệp có xăng bán, lỗ lãi đưa vào giá bán lẻ để dễ hiểu hơn. Việc quy định chi phí hoa hồng sẽ có tác dụng ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp “gửi giá” vào đại lý thông qua hình thức tăng hoa hồng khi giá xăng trong nước chưa kịp giảm.

Quy định chi phí hoa hồng là cần thiết

Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng quy định chi phí hoa hồng là cần thiết vì trong thực tế, khi muốn tăng giá, doanh nghiệp đầu mối lại giảm chiết khấu cho đại lý để họ càng bán càng lỗ. Nếu lỗ nặng quá sức chịu đựng, đại lý tư nhân sẽ “phá rào” bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa, gây sức ép tăng giá. Còn khi không muốn giảm giá, doanh nghiệp lại tăng chiết khấu hoa hồng để có lãi ít, không phải giảm giá.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent