Báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng công nghiệp của nước
này trong tháng 6 đã giảm 0,4%. Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng
của người dân Mỹ trong tháng 7 (do Đại học Michigan công bố) đã giảm
xuống còn 66,5 điểm từ 76 điểm hồi tháng 6. Các chuyên gia trước đó đã
dự đoán chỉ số này chỉ giảm nhẹ xuống 74 điểm (theo kết quả khảo sát của
Bloomberg News).
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối tuần cũng là một
nguyên nhân khiến thị trường dầu thô trở nên ảm đạm.
Chốt phiên ngày 16.7, giá dầu thô giao tháng 8 tại Sở giao dịch hàng
hóa New York (NYMEX) đã giảm thêm 61 cent, tương đương giảm 0,8% so với
phiên trước đó, xuống còn 76,01 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu thô liên tục biến động theo cả hai chiều hướng khi
nhiều thông tin được công bố. Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) công bố
hôm 14.7 cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ giảm 4% trong tuần
trước (tính tới ngày 9.7), xuống còn 18,8 triệu thùng/ngày. Đây là mức
tiêu thụ thấp nhất tính trong tuần kể từ hôm 23.4 vừa qua, và là mức
giảm lớn nhất kể từ hồi tháng 3.
Trong khi đó, báo cáo của DOE lại cho thấy dự trữ các loại nhiên liệu
xăng, diesel và dầu sưởi tăng trong cùng quãng thời gian.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
(OPEC) đồng thời nâng mức dự báo tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2011 lên các
mức 87,8 và 86,41 triệu thùng/ngày. Thông tin này củng cố tâm lý các
nhà đầu tư và giúp giá dầu đi lên.
Theo một số nhà phân tích, thị trường dầu thô đang rất trông đợi
những dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt và mạnh mẽ nhằm giúp giá dầu bứt phá
khỏi phạm vi dao động 70 - 80 USD/thùng như hiện nay. Dự báo, giá dầu
thô tại Mỹ có thể tiếp tục giảm trong tuần tới.
Giá dầu Brent giao tháng 9 tại London (Anh) chốt phiên ở mức 75,37
USD/thùng, giảm 72 cent, tương đương giảm 0,9% so với phiên trước đó.