Quốc hội đặt dấu hỏi về các Quỹ bình ổn giá
29/05/2012 8:51:00 SATin trong nước

Hàng loạt các mặt hàng điện, xăng dầu, sữa, thuốc chữa bệnh… được mổ xẻ trong buổi thảo luận về Luật giá sáng 28/5. Nhiều ý kiến yêu cầu phải làm rõ việc sử dụng một số loại Qũy bình ổn, trong đó có Qũy bình ổn xăng dầu.

Theo quy định, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá phải thuộc diện hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống của người dân.

ĐB Đinh Thị Mai Lan, đoàn Cao Bằng cho rằng, hàng hóa thiết yếu trong diện bình ổn chưa thực sự rõ ràng. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực An ninh Quốc phòng, hay các mặt hàng cao cấp không nên cho vào phạm vi điều chỉnh giá.

Đề xuất trong việc rà soát, điều chỉnh lại các mặt hàng bình ổn giá, bà Lan kiến nghị nên bỏ mặt hàng sữa ra khỏi danh mục hàng bình ổn giá.

“Sữa không phải là mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó sữa đã có được thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với 72 DN. Vì thế DN không tự tiện đẩy giá lên cao, qua đó người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm và loại giá hợp lý. Mặt khác Chính phủ cũng không khuyến khích sử dụng sữa công thức, hạn chế quảng cáo sữa cho trẻ em” – bà Lan nói.

Theo ĐB Nguyễn Cao Phúc, đoàn Quảng Ngãi, mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh đang bị một số công ty nước ngoài lũng đoạn. ĐB Phúc cho rằng, DN trong nước đang có nhiều thế mạnh với các mặt hàng này, vì thế phải tạo điều kiện khuyến khích để các DN trong nước đầu tư, phát triển.

Đề cập đến mặt hàng xăng dầu, ĐB Nguyễn Thành Tâm, tỉnh Tây Ninh cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu còn nhiều ý kiến khác nhau, và chưa có một đánh giá cụ thể nào.

Trái với nhiều ý kiến trước đó, ĐB Trần Du Lịch, đoàn TP. HCM thì cho rằng, đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá nếu kinh tế vĩ mô bất ổn định. Bên cạnh đó chỉ nên giới hạn ở 10 mặt hàng thiết yếu chứ không nên mở rộng lên 15 mặt hàng.

“10 mặt hàng thiết yếu có thành lập Quỹ bình ổn hay không cũng cần làm rõ. Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như thế nào, để trên cơ sở đó đưa ra quyết định có nên thành lập Qũy bình ổn cho các mặt hàng thiết yếu không” – ĐB Trần Du Lịch đề nghị.

Đối với mặt hàng điện, ĐB Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Hòa Bình cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người dân thì nhà nước nên quy định giá điện bình quân. Nếu để Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm, Bộ Công thương kiểm định dễ gây xung đột lợi ích, thiếu khách quan và chưa thể hiện tính cạnh tranh trên thị trường.

“Nếu giá bán điện không được nhà nước kiểm soát, hoạch định cụ thể thì sẽ gây thiệt hại cho người dân” – ĐB Hải nhấn mạnh.

Về Qũy bảo trì đường bộ, ĐB Nguyễn Thành Tâm, nêu quan điểm, chỉ Chính phủ triển khai cũng không được, phía người dân cũng không đồng tình ủng hộ. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch ĐB Tâm đề nghị không giao cho Chính phủ, mà nên giao cho UBTV Quốc hội thực hiện và quyết định khi nào thành lập Quỹ.

“Áp dụng các biện pháp bình ổn giá sẽ tác động tốt đến thị trường, đảm bảo tính công khai, dân chủ. Để đảm bảo tính khách quan, trong luật cần nghiên cứu bổ sung cho phép lập Hội đồng tư vấn giá”, BĐ Tâm nói.

Cùng đề cập đến Quỹ bình ổn giá, ĐB Đào Văn Bình, đoàn TP Hà Nội nhận định, nếu không làm rõ hơn nguồn quỹ bình ổn giá sẽ khó thực hiện được. ĐB Bình đề nghị nguồn Quỹ phải được xây dựng từ nhà nước và nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân. Từ đó người dân sẽ phấn khởi hơn khi thấy trách nhiệm của nhà nước đối với người dân khi xuất hiện khó khăn.

Bên cạnh đó, ĐB Bình, đoàn TP Hà Nội cũng phản ánh, giá sữa, thuốc tân dược luôn biến động tăng vô lý, tràn lan nhưng người tiêu dùng không biết kêu ai. Vì thế cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý giá các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh các mặt hàng có trong danh mục quy định, một số ĐB còn kiến nghị bổ sung một số mặt hàng như thóc, cà phê, dầu thô vào danh sách các mặt hàng thiết yếu để bảo về quyền và lợi ích thiết thực của người dân.

Các loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:

Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Phân đạm; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent