Từ tiết lộ bất ngờ của Petrolimex: Tại sao phải cho tạm nhập tái xuất xăng, dầu?
29/05/2012 8:47:00 SATin trong nước

“Cùng với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu sang các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia để phát triển thị trường và tìm kiếm lợi nhuận”, trích văn bản số 0786 ,ngày 23/5 của Petrolimex.

Chậm nộp vì thiếu hướng dẫn

Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu năm 2008 cho phép: “Thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu theo một lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa trong nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập”. Việc cho phép tái xuất theo từng lô nhỏ cũng có thể là kẽ hở cho hoạt động buôn lậu.

Ngày 23/5, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đã phát đi văn bản số 0786 do Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Năm ký, với mục đích để “làm rõ về bản chất số tiền thuế GTGT trên 28,6 tỷ đồng” mà Hải quan Quảng Ninh muốn truy thu của đơn vị. Cụ thể, theo văn bản này, trong hai ngày 21, 22/5 đã xuất hiện thông tin về việc Hải quan Quảng Ninh truy thu trên 28,6 tỷ đồng thuế GTGT của 397 tờ khai về xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết trong thời gian quy định và chuyển sang tiêu thụ nội địa trong giai đoạn từ năm 2004 – 2008 của Petrolimex.
Giải trình về nguyên do xuất hiện con số hơn 28,6 tỷ đồng truy thu này, Petrolimex đã dẫn ra các văn bản: số 7075 năm 1999 của Tổng cục Thuế; số 15080 năm 2007 của Cục thuế Hà Nội; số 7713 năm 1999 và số 3134 năm 2007 của Tổng cục Hải quan. Theo các văn bản này, “đối với các lô xăng dầu tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, sau khi làm thủ tục tái xuất có một lượng xăng dầu trong tổng khối lượng xăng dầu tạm nhập, không hết được phép chuyển sang nhập kinh doanh tiêu thụ nội địa thì không xử lý truy thu thuế GTGT khâu nhập khẩu. Việc xác định thuế GTGT phải nộp sẽ được xử lý thu thuế GTGT trong khâu nội địa”. Do đó Petrolimex cho rằng, đơn vị đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và đã thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ ở khâu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính khác với các nội dung quy định tại các văn bản nêu trên, nên Petrolimex đã có nhiều văn bản gửi Cục thuế Hà Nội đề nghị hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Văn bản mới nhất Petrolimex đã gửi lên Cục thuế Hà Nội là văn bản số 0687 ngày 4/5/2012. Mặc dù vậy, đơn vị này khẳng định: “Petrolimex cam kết thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời và trách nhiệm theo đúng chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước”.
 
Ngoài việc chiếm hơn một nửa thị phần nội địa, Petrolimex còn thu lợi
từ hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu. Ảnh: Chí Cường
 
Bớt khó khăn nhờ tạm nhập tái xuất?

Việc kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu của Petrolimex không chỉ dừng lại ở giai đoạn 2004- 2008. Văn bản phát đi ngày 23/5 ghi rõ: “Trong thực tế, hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu sang các thị trường này (Trung Quốc, Lào, Campuchia - PV) trong thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả tích cực và góp phần giảm bớt một phần khó khăn về tài chính cho Petrolimex trong giai đoạn kinh doanh xăng dầu nội địa phải áp dụng cơ chế cấp bù lỗ”. Chưa rõ cơ sở nào để khẳng định việc Petrolimex cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu thu được nhiều lợi nhuận, thậm chí còn lớn đến mức “góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính” cho doanh nghiệp. Sự chênh lệch giữa giá bán lẻ xăng dầu của nước ta và ba nước có chung đường biên giới phần lớn là do chính sách, thuế phí khác nhau.

Tuy nhiên, khoản tiền thuế GTGT truy thu, trên 28,6 tỷ đồng của Hải quan Quảng Ninh, lại có thể dẫn vấn đề sang một chiều hướng khác. Khoản tiền 28,6 tỷ đồng là tiền thuế GTGT nộp cho phần xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ trong nước. Mọi nguy cơ đến từ điểm này. Điều gì xảy ra nếu xăng, dầu được cho là nhập để tạm nhập tái xuất nhưng lại được mang đi tiêu thụ trong nước? Xăng dầu tạm nhập tái xuất không phải chịu “các nghĩa vụ về thuế, tài chính” như với xăng dầu nhập cho mục đích tiêu thụ nội địa. Do đó, tính theo thời giá và các quy định về thuế, phí hiện hành, mỗi lít xăng, dầu nhập có mục đích tạm nhập tái xuất sẽ có mức chi phí thấp hơn so với xăng, dầu nhập để tiêu thụ trong nước 4.000 – 5.000 đồng. Khoản lợi nhuận này là không nhỏ nếu tính trên đơn vị hàng triệu lít. Lợi nhuận thu được cũng đồng nghĩa với khoản thất thu của Nhà nước. Khoản lợi nhuận này có thể dẫn đến phát sinh các loại tiêu cực, nhất là hoạt động buôn lậu, một câu hỏi đáng để đặt ra từ góc độ quản lý.

Cơ quan quản lý có lẽ cũng đã nhìn nhận ra nguy cơ này, ngay từ năm 1998, trong “Quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất” của Bộ Thương mại đã xếp xăng dầu cùng nhóm với các hàng cấm xuất, nhập khẩu chỉ tạm nhập tái xuất khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại. Cụ thể: “Thương nhân Việt Nam chỉ được kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hoá tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và xăng dầu (trừ dầu nhờn) khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại”. Hiện nay, Bộ Công Thương giữ quyền cấp “Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu”.

Nguy cơ buôn lậu núp bóng dưới hình thức tạm nhập tái xuất xăng dầu là vấn đề đáng để xem xét chuyện có nên hay không cho phép tạm nhập tái xuất xăng dầu? Việc cho tạm nhập tái xuất xăng dầu ở nước ta cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Công ước Kyoto đã khuyến cáo 10 loại hàng hoá được tạm nhập tại xuất, trong đó không có mặt hàng xăng dầu. Các loại hàng hóa được áp dụng quy chế tạm nhập tái xuất theo công ước, có điểm chung là không nhằm mục đích thương mại, không sinh lời.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent