Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt
Nam (Petrolimex), tính trung bình một tuần qua, giá xăng dầu thành phẩm
thế giới dù giảm một vài đô la (USD) nhưng chưa thể nói là doanh nghiệp
trong nước đã có lãi.
Lý giả điều này, ông Dũng cho rằng, theo qui định thì việc kinh doanh
phải đảm bảo bắt buộc 30 ngày cho dự trữ và lưu thông, nhưng trung bình
trong 30 ngày qua, sau khi trừ đi các khoản thuế và lệ phí thì việc kinh
doanh của doanh nghiệp vẫn quanh mức hòa vốn.
Thông tin đăng tải trên website của Petrolimex ngày 15/7 cho thấy, giá
cơ sở đối với xăng A92 hiện là 16.476 đồng/lít, trong khi giá bán lẻ là
15.990 đồng/lít, tức là doanh nghiệp đang lỗ gần 500 đồng/lít. Còn mặt
hàng dầu Diesel cũng lỗ trên 300 đồng.
Cũng theo ông Dũng, việc kinh doanh xăng dầu được vận hành theo nghị
định 84 nên khi nào “phải giảm giá và được tăng” mà doanh nghiệp không
làm sẽ bị các cơ quan giám sát tuýt còi.
“Tâm lý của người tiêu dùng luôn muốn hạ giá, nhưng phải khẳng định là
điều kiện giảm giá hiện nay vẫn chưa đủ," ông Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ
Tài chính cũng cho rằng: Giá dầu thô thế giới và giá xăng thành phẩm
tại Singapore đã có dấu hiệu hạ nhiệt khoảng 1 tuần nay. Nhưng theo quy
định tại Nghị định 84, căn cứ để tính giá cơ sở là giá xăng dầu nhập
khẩu bình quân trong 30 ngày dự trữ lưu thông.
Theo ông Thỏa, giá xăng cơ sở tại thời điểm này chưa tính lãi là xấp xỉ
với giá bán lẻ hiện đang áp dụng. Do đó, ở thời điểm này chưa có điều
kiện giảm giá bán lẻ. Các doanh nghiệp cũng chưa đề xuất giảm giá bán.
“Trong tuần này, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, Bộ Tài chính
sẽ bảo đảm hài hòa 3 lợi ích, nhưng tinh thần là vẫn ưu tiên quyền lợi
người tiêu dùng. Biện pháp điều hành giá vẫn kiên quyết thực hiện theo
Nghị định 84 và linh hoạt theo từng thời điểm biến động chứ không phải
biện pháp cứng,” ông Thỏa cho hay./.