Xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu: Đừng để tình trạng “bình mới, rượu cũ”
01/03/2012 8:31:00 SATin trong nước

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã xử lý 237 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 1,7 tỷ đồng; rút quyền sử dụng “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” của 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm. Tuy nhiên, do vẫn còn một số kẽ hở nên việc xử lý vi phạm xăng dầu chưa triệt để, doanh nghiệp vẫn “lách luật” tái phạm…

Cây xăng Mai Dịch đổi chủ sau vụ vi phạm không đạt chuẩn.

Cả nước có khoảng 13.000 đại lý bán lẻ xăng dầu, nhưng chỉ có khoảng 3.000 cửa hàng trực thuộc hệ thống bán lẻ của 13 doanh nghiệp đầu mối như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)... Dù các doanh nghiệp quản lý chặt hệ thống cửa hàng trực thuộc của mình nhưng cửa hàng thuộc tổng đại lý, đại lý lại bị buông lỏng. Đây là hạn chế lớn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khiến nhiều vụ vi phạm vẫn xảy ra, cuối cùng thiệt hại vẫn do người tiêu dùng phải chịu.

Vụ việc gian dối về chất lượng xăng dầu mới đây tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch (thuộc Công ty CP sản xuất dịch vụ XNK Từ Liêm, đại lý của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội) là minh chứng rõ nhất. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật- tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, xăng không chì RON92 bán tại cửa hàng này có hàm lượng oxy thực tế chiếm 8,8% khối lượng, cao vượt mức quy định hơn 3 lần. Hàm lượng methanol trong xăng của cửa hàng là 15,3% thể tích, vượt 30,6 % tiêu chuẩn. Những vi phạm là rất rõ ràng nhưng khi các cơ quan chức năng vừa phát hiện vi phạm thì ngày hôm sau, cửa hàng này đã lập tức đóng cửa. Ngay sau đó, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch mở cửa bán lại nhưng đã “sang tay” thuộc quyền sở hữu của Công ty CP thương mại Thành Công.

Qua kiểm tra của lực lượng QLTT đã phát hiện Công ty CP Thành Công thuê lại “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” của Công ty XNK Từ Liêm. Chi cục QLTT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính 15 triệu đồng, tước “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” mà Công ty CP Thành Công đã thuê trong vòng 12 tháng.

Cho dù bị tước giấy phép kinh doanh nhưng Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch vẫn ngang nhiên hoạt động. Ngày 13/2, Chi cục QLTT Hà Nội tiếp tục lập biên bản, xử phạt hành chính 30 triệu đồng, cấm kinh doanh xăng dầu. Từ đó đến nay, xung quanh cửa hàng này lại xuất hiện hiện tượng nhiều người bán xăng dầu bằng bình. QLTT đã thu giữ được 4 bình bán xăng dầu lẻ.

Qua vụ việc cho thấy, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu còn nhiều kẽ hở. Việc chủ cây xăng vi phạm chuyển quyền kinh doanh cho đơn vị khác, hoặc nhờ người thân, hay trực tiếp đứng ra thành lập doanh nghiệp khác, dùng tư cách pháp nhân đó để tiếp nhận cây xăng vi phạm để hoạt động trở lại là một ví dụ. Nguyên nhân là do chế tài xử lý còn chưa mang tính răn đe. Theo Nghị định 104/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu, vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường chỉ bị phạt hành chính tối đa 30 triệu đồng; tước “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” trên 12 tháng là vẫn còn nhẹ.

Ông Trần Hòa Bình, chủ một đại lý xăng dầu của PV Oil cho rằng, có rút giấy phép vĩnh viễn cũng chưa hẳn có tác dụng. Doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cây xăng, đâu dễ để mất mà sẽ hợp thức hóa dưới tên doanh nghiệp khác. Muốn chặn đứng vi phạm, nên đóng cửa cây xăng đó. Ngoài ra, đưa ra quy chuẩn chặt chẽ về hàm lượng nước, ô xy, áp suất hơi bão hòa… trong xăng dầu; thay thế những trụ bơm xăng cũ cho phép sự tác động của con người vào thiết bị bằng những trụ bơm hiện đại. Trang bị máy đo octan cầm tay vào điều kiện cấp phép hoạt động của cây xăng…

Đồng tình vời quan điểm này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: Hành vi gian lận chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng chỉ xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm là chưa đủ. Xử lý nghiêm minh sai phạm sẽ góp phần lập lại trật tự, kỷ cương kinh doanh xăng dầu và bảo đảm nhất quán chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bất cập trong công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu là khi xác định mẫu xăng dầu kém chất lượng thì lượng hàng kèm mẫu vẫn được tiêu thụ hết, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là theo quy trình lấy mẫu hiện nay, sau khi sử dụng máy phân tích nhanh nếu phát hiện mẫu không đạt chất lượng mới gửi mẫu cho cơ quan chức năng kiểm nghiệm chính thức. Trong thời gian chờ kết quả, lượng hàng kém chất lượng vẫn được lưu thông bình thường.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục QLTT- cho biết, lực lượng QLTT đã tích cực, chủ động trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Dù vậy, theo quy định, QLTT chỉ có thể xử phạt hành chính hoặc tước “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”, còn việc đóng cửa cây xăng lại thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố cũng như liên quan đến quy hoạch... Tuy nhiên, trong trường hợp Công ty CP Thương mại Thành Công, Sở Công Thương Hà Nội sẽ cân nhắc việc cấp“Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” cho cây xăng hoạt động trở lại.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent