Đóng gần 1,5 triệu đồng/ người/ năm
Theo dự thảo Thuế môi trường, sẽ có 5 nhóm đối tượng
phải chịu thuế đó là xăng dầu (gồm xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu
diesel, dầu hỏa, dầu mazut...), than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp,
thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng.
Trong đó, xăng các loại chịu mức thuế từ 1.000 - 4.000
đồng/lít, dầu diesel 500 - 2.000 đồng/lít, than 6.000 -30.000 đồng/tấn,
túi nhựa xốp 20.000 - 30.000 đồng/kg; các loại thuốc bảo vệ thực vật
(thuốc sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản,
thuốc khử trùng kho) có mức thuế dự kiến dao động từ 500 đến 3.000
đồng/kg...
Dự án luật này nếu được Quốc hội thông qua vào tháng
11-2010, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2012. Theo các chuyên gia
kinh tế, với khung thuế trên, mức thu thuế môi trường tối thiểu mỗi năm
sẽ là 14.300 tỷ đồng, còn mức thu tối đa là 57.000 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành - Viện Bảo vệ thực vật cho
rằng: Nhà nước tính thuế thì sẽ đánh vào doanh nghiệp hay người sản xuất
gây hại cho môi trường. Nhưng đó chỉ là đối tượng trung gian, người
phải gánh tất cả những mức phí chồng phí đó là người dân.
Như vậy, nếu chia bình quân cho khoảng 40 triệu dân
thuộc độ tuổi lao động thì mỗi người phải đóng 1.425.000 đồng/năm. Cùng
với nó sẽ là nguy cơ hình thành mặt bằng giá mới trên nhiều nhóm hàng
hóa. Trong đó, than, xăng dầu còn là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành
sản xuất.
Cẩn trọng với hệ lụy tăng giá từ xăng dầu
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) đặc biệt nhấn mạnh:
Nên cẩn trọng với việc đánh thuế môi trường vào các mặt hàng xăng dầu,
than... vì nó tác động lớn tới giá cả.
Hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng 15 triệu tấn xăng dầu, 30
triệu tấn than và xuất khẩu 25 triệu tấn than đá. Theo dự thảo luật,
khi thực hiện thuế môi trường sẽ không thu phí xăng dầu (hiện là 1.000
đồng/lít xăng, 500 đồng/lít diesel và 300 đồng/lít dầu), nhưng nếu áp
dụng mức thuế tối đa là 4.000 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu, thì
sẽ tương đương 25% mức giá bán hiện hành.
"Điều này sẽ tác động trực tiếp tới giá cả và lạm phát ở
Việt Nam do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, trong khi giá bán
xăng dầu đang phải gánh những khoản thu ngân sách nhà nước không hề nhỏ"
- TS Ánh nhận định.
Cũng theo vị tiến sĩ này, nếu áp mức thuế bảo vệ môi
trường 6.000 - 30.000 đồng/ tấn than, và Nhà nước vẫn áp dụng thu phí
môi trường đối với khai thác than sẽ làm mặt hàng này tăng 1 - 5% giá
bán, kéo theo các hệ lụy, áp lực tăng giá tới giá điện và tới thị
trường giá cả.
Trong khi đó các mặt hàng như túi nilon, hay thuốc bảo
vệ thực vật... theo các chuyên gia kinh tế, việc đánh thuế nếu áp dụng
khung thuế suất tối thiểu hay tối đa đều ít tác động tới thị trường giá
cả do quy mô sử dụng và quy mô thu không đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam
cũng cho rằng: Nên cân nhắc khoảng cách độ giãn của khung, giữa mức tối
thiểu và mức tối đa không nên quá rộng, để tránh tác động lớn tới giá
cả thị trường khi áp dụng thuế suất. Ví dụ nhóm xăng chênh lệch 3 - 4
lần, nhóm mỡ nhờn chênh lệch 6 - 7 lần trong khi đó nhóm túi nhựa xốp
chỉ có 1,5 lần.
Nên áp dụng thuế bảo vệ môi trường
với thuốc lá
Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng chương
trình phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng để kiểm soát thuốc
lá, ngoài việc có luật kiểm soát thì hầu hết các nước trên thế giới đều
coi thuế là một trong những giải pháp tối ưu. Cụ thể, mức thuế thuốc lá
ở các nước phát triển chiếm tổng giá thuốc thành phẩm là trên 60% thì ở
Việt Nam chỉ có 42%. Với mức thuế này, Việt Nam chỉ cao hơn được so với
hai nước là Lào, Campuchia.
|