Điều hành, quản lý giá: Phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp
19/01/2012 7:41:00 SATin trong nước

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ diễn ra vào chiều qua (17/1).

Sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện

Tại buổi đối thoại trực tuyến, trả lời câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề thực hiện công khai, minh bạch đối với lĩnh vực “nhạy cảm” như quản lý giá  xăng dầu, than và điện. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, thứ nhất, phải công khai minh bạch ngay từ khâu xây dựng pháp luật. Thứ 2, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.

Đồng thời, với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật giá hiện nay đang quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.

“Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, trong đó có những Tập đoàn, Công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... Chúng tôi hy vọng thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn”. Bộ trưởng nói.

Bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Do vậy, trong năm 2012, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Thanh tra Bộ Tài chính sẽ thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng như xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.

Ông Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tài chính)

Không có chuyện in thêm tiền… để tăng lương

Trả lời “lo âu” của bạn đọc về vấn đề mỗi lần tăng lương là một lần tăng giá và việc tăng lương không hề mang ý nghĩa cải thiện đời sống, ngược lại càng làm cho lạm phát tăng mạnh hơn?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Nguồn tăng lương hàng năm hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Các Bộ và địa phương phải dành 50% vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương.

Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, trong khi đó lạm phát chủ yếu do yếu tố tiền tệ, chi tiêu công không hiệu quả. Do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ cũng như cung tiền nên không gắn với lạm phát.

“Chính phủ muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì”. Bộ trưởng nói.

Thêm vào đó, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý "té nước theo mưa". Nếu làm tốt, yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương…

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent