Xăng kém chất lượng: Dân chịu thiệt, nhà quản lý im tiếng
05/01/2012 9:32:00 SATin trong nước

Chất lượng xăng dầu bán lẻ kém và không được kiểm soát trong khi, hiệu lực xử phạt các cây xăng của cơ quan quản lý chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Nếu xảy ra tai nạn như vụ cháy xe thì người dân chỉ biết chịu thiệt.

Loạn chất lượng xăng dầu

Cú "sốc" đầu tiên cho người tiêu dùng xăng dầu là ngày 30/11/2011, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học Công nghệ Tp HCM bất ngờ công bố danh tính 11 cây xăng vi phạm về chất lượng xăng dầu. Trong số này, ngoài các cây xăng tư nhân, còn có cây xăng thuộc hệ thống phân phối của 2 doanh nghiệp đầu mối lớn là Petrolimex và Công ty xăng dầu Quân đội.

Các cây xăng này đều có trị số octan thấp hơn so với quy định. Ví dụ, cửa hàng treo biển  bán xăng A92 nhưng chỉ số octan chỉ hơn 83, hay nói cách khác là bán ruột xăng A83. Tương tự như vậy, cây xăng treo biển treo bán xăng A95 thì bán xăng A92.

Đáng chú ý là, tỷ lệ mẫu vi phạm chiếm tới 50% số mẫu kiểm tra. Trong thời gian từ 27/9 đến 16/11, Chi cục đã kiểm tra đột xuất 55 cửa hàng, lấy 32 mẫu xăng đi giám định thì có tới 16 mẫu của 11 cửa hàng có sai phạm.

Sau đó, trên các kênh truyền thông liên tiếp đưa tin về các vụ cháy nổ xe máy, ôô xuất hiện với tần suất dày đặc, bất thường và khó hiểu.

Đến ngày 29/12/2011, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ có công văn gửi hỏa tốc tới các cơ quan báo chí thông tin về 1 cây xăng không đạt tiêu chuẩn tại Hà Nội. Đó là Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch (Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm - Km9, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

 
Cây xăng Mai Dịch đã phải đổi chủ sau vụ vi phạm không đạt chuẩn (ảnh theo Người lao động)

Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng I cho thấy, hàm lượng ôxy thực tế tại cây xăng này chỉ chiếm 8,8% khối lượng (theo tiêu chuẩn là 2,7%), cao hơn 3 lần mức quy định. Đáng chú ý, hàm lượng methanol trong xăng lên tới 15,3% thể tích (theo tiêu chuẩn là 0,5% thể tích), gấp tới 30 lần tiêu chuẩn cho phép.

Theo cơ quan này, methanol là dung môi gây ăn mòn, làm phá hủy nhanh các kết cấu bằng cao su và nhựa. Nếu hàm lượng này vượt quá mức quy định cho phép có thể dẫn tới hiện tượng rò rỉ, cháy nổ xe.

Các hãng xe ô tô, xe máy như hãng Honda đều lên tiếng trên báo chí rằng, không tìm thấy sai sót kỹ thuật nào ở các xe bị cháy. Phía Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, sau khi công bố sai phạm của cây xăng Mai Dịch, cũng không dám khẳng định xăng pha methanol là thủ phạm gây cháy nổ xe vừa qua.

Về vụ vi phạm tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa chia sẻ, đây là trường hợp cây xăng duy nhất bị phát hiện có hàm lượng methanol rất cao, loại dung môi đang bị nghi ngờ gây cháy nổ ở các xe. Nhưng chúng tôi không đủ cơ sở, chứng cứ để khẳng định các xe máy, ôtô bị cháy có mua xăng ở đây  nay không và chất lượng xăng ở cửa hàng này thì có liên quan các xe bị cháy không.

Nói thêm về vấn đề này, ông Tuấn cũng băn khoăn, khi có chuyện cháy ô tô xe máy, chúng tôi đã phân tích các mẫu xăng dầu thử xem có gì liên quan giữa các vụ cháy xe và chất lượng xăng hay không? Rất may, chúng tôi đã lấy được vài mẫu xăng ở xe bị cháy, ví dụ như xe Atila bị cháy ở phố Thái Hà, Hà Nội, hoặc xe bị cháy ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, mẫu thử nghiệm xăng vẫn đạt yêu cầu, không thấy có hàm lượng methanol và aceton vượt chuẩn.

Ông Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng đừng bao giờ mua cây xăng dọc đường. Bởi thông thường, các điểm bán xăng dong này thường không đạt tiêu chuẩn, khi kiểm tra, thường có trị số ôtan thấp.

Bắt cóc bỏ đĩa

Có thể nói, các vụ vi phạm trên về chất lượng xăng dầu đang làm dấy lên mối lo ngại cho người tiêu dùng.  Vấn đề nằm ở chỗ, thị trường xăng dầu ở trạng thái dường như cứ khi nào cơ quan thanh kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn đo lường vào cuộc, khắc có trường hợp vi phạm. Trong khi đó, công cụ kiểm soát cũng như chế tài xử phạt đang quá nhẹ.

11 cây xăng bán lẻ tại tp HCM đã bị phạt 30 triệu đồng và bị tước giấy phép chỉ trong 1 năm. Cây xăng không đạt chuẩn tại Mai Dịch, Hà Nội chỉ bị Công ty xăng dầu Quân đội cắt hợp đồng. Trong khi, thiệt hại của hàng trăm, hàng nghìn người tiêu dùng đã bị móc túi ở các cây xăng này bị bỏ qua.

Bà Nguyễn Thị Yến, đại diện Công ty CP Xăng dầu thương mại Thành Công, đơn vị vừa tiếp quản cây xăng không đạt chuẩn tại Hà Nội cho biết, chỉ còn cách các cơ quan quản lý liên ngành phải tăng cường kiểm tra gắt gao thường xuyên thì may chăng, mới bớt đi các trường hợp vi phạm.

Làm phân phối bán lẻ xăng dầu tới 25 năm, bà Yến khẳng định, trên thực tế, việc pha trộn xăng A83 vào xăng A92 là có. Các cửa hàng nhỏ, làm ăn chộp giật sẽ vì lợi nhuận mà dùng thủ thuật này. Lý do là bởi giá xăng A83 rất rẻ so với xăng A92, khi pha chế vào, bán theo giá xăng A92 hưởng lãi lớn.

"Chỉ có thiết bị kỹ thuật mới phát hiện được các vi phạm về chất lượng xăng. Ngay cả với người trong nghề như chúng tôi, nhìn bề ngoài cảm quan cũng không thể phát hiện được xăng có pha trộn như vậy không. Huống chi người tiêu dùng bình thường", bà Yến cho hay.

Riêng về vụ vượt chuẩn dung môi methanol, bà Yến cũng băn khoăn: "Chúng tôi cũng không hiểu là người ta có thể pha chế như thế nào vào xăng. Không đơn giản như việc dùng một xô nước đổ vào bồn xăng, nếu lẫn tạp chất, người tiêu dùng mua xăng cũng có thể nhìn ra".

Cũng theo tổng đại lý này cho hay, hiện quy trình đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm xăng dầu từ đầu mối đến cây bán lẻ rất chặt chẽ. Khi bơm xăng từ kho chứa lên xe téc, đều có niêm phong kẹp chì ở phiếu xuất hàng, bồn xe, miệng téc... Quy trình này nhằm ngăn ngừa khả năng can thiệp vào chất lượng xăng trong quá trình vận chuyển.

Việc kiểm soát và xử phát các vị phạm về chất lượng xăng dầu đang gần như bi bỏ ngỏ. Theo như bà Yến, chỉ khi nào các cây xăng bị bêu tên rầm rộ trên báo chí, mới có việc doanh nghiệp đầu mối hủy hợp đồng, hoặc cơ quan quản lý rút phép, xử nặng. Còn lại, các vụ vi phạm bị phạt hiện nhưng không ai biết đến thì không rõ, có xử phạt nặng hay không?

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa cũng thừa nhận, việc kiểm tra chất lượng xăng dầu vẫn liên tục được thực hiện trong năm và các vi phạm phát hiện rải rác tại các tỉnh nhưng tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng,tp Hồ Chí Minh. Trong đó, tại tp Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều vi phạm bị phát hiện nhất, đặc biệt là các cây xăng tư nhân, gần cảng.

Tuy nhiên, nhìn lại những năm gần đây, liên tiếp các vụ từ xăng phá aceton, xăng a83, dầu có nồng độ lưu huỳnh cao hơn múc cho phép, mới đây là nghi ngờ xăng pha methanol... cho thấy, chất lượng xăng liên quan đến máy móc của ngành công nghiệp, xe cộ và ô nhiễm môi trường... đã xảy ra liên tục và gây ra nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng xem ra không giải quyết được gốc của vấn đề mà chỉ được quan tâm khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, một thị trường xăng dầu trôi nổi, nhỏ lẻ kiểu can xách từ nhập lậu, tư nhân phá chế... hoàn toàn không đảm bảo chất lượng vẫn đang ngang nhiên tồn tại và hoạt động nhưng nếu không được dự luận đánh động và gây sức ép thì chắc nó cũng tồn tại như một chuyện đã rồi.

Mới đây nhất, khi các vụ cháy xe xảy ra liên tiếp, nghi ngờ về xăng đã đặt ra nhưng sự vào cuộc từ phía các đơn vị quản lý chất lượng và thị trường xăng dầu còn rất chậm chạp. Trong mọi hoàn cảnh, chỉ người tiêu dùng là bị thiệt và gắng chịu một mình.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent