Phá thế độc quyền kinh doanh xăng dầu
26/12/2011 10:22:00 SATin trong nước

Ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam - cho rằng muốn các doanh nghiệp xăng dầu trung thực, xã hội cần có thiết chế giám sát mạnh hơn và một thị trường cạnh tranh thật sự.

Ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam
Ông Hàn Mạnh Tiến nói:

- Tôi không bất ngờ về kết quả kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, càng không lạ về việc các doanh nghiệp nói lỗ, trong khi Bộ Tài chính nói họ lãi. Mỗi bên có cách nhìn khác nhau. Các doanh nghiệp không có gì khó khăn trong các thủ thuật tài chính để biến lỗ thành lãi, biến lãi thành lỗ.

Câu hỏi lớn nhất là tại sao họ làm được như thế và họ cứ làm như thế? Phải chăng cơ chế quản lý nhà nước hiện hành vừa ép buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp không trung thực? Người ta đã giám sát các doanh nghiệp xăng dầu như thế nào?

"Doanh nghiệp báo cáo sai, không rõ bản chất sự việc tất nhiên có lỗi của doanh nghiệp nhưng theo tôi, lỗi lớn hơn phải là cấp quản lý, những người cử ra hội đồng quản trị vì đã không tạo ra một cơ chế công khai, minh bạch buộc ban điều hành doanh nghiệp thực thi"

Ông Hàn Mạnh Tiến

Công khai thông tin

* Thưa ông, Bộ Công thương đã nhiều lần khẳng định doanh nghiệp đang lỗ, nhưng kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính lại thấy họ lãi. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã bị “qua mặt”?

- Tôi không nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước dễ bị “qua mặt”. Hoặc là họ thiếu trách nhiệm, hoặc là họ cố tình mở đường cho doanh nghiệp “qua mặt”. Vừa rồi, nếu Bộ Công thương không ban hành thông tư 36 bỏ quy định chi thù lao đại lý, thử hỏi có doanh nghiệp nào dám “chi loạn” như vậy không? Hầu hết định mức của Bộ Tài chính khi rờ đến đều được thừa nhận là “lạc hậu”.

Liệu Bộ Tài chính có biết cái sự “lạc hậu” ấy tạo ra sự nói dối và thiếu trung thực không? Bộ Công thương là cơ quan chủ quản, là người bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, đại diện phần vốn của mình (của dân) tại Petrolimex. Thế mà bộ lại không kiểm soát được doanh nghiệp đang lãi hay lỗ thật sự, mà chỉ căn cứ vào báo cáo thì không ổn.

Gần đây, một quan chức của Bộ Tài chính cho rằng trong quản lý kinh doanh xăng dầu, lỗi của các bộ chỉ là “vài bất cập nho nhỏ”. Nếu cứ đánh giá theo kiểu này sẽ không có gì thay đổi, thậm chí mọi việc sẽ còn tệ hơn.

Trong bối cảnh cụ thể của ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam hiện nay, để xảy ra tình trạng hỗn loạn, lỗ lãi đều giả, người tiêu dùng bị tước đoạt..., trách nhiệm chính vẫn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.

Các vấn đề như cơ chế, chính sách không phù hợp, thậm chí mâu thuẫn; hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động thất thường; tính công khai, minh bạch không được tôn trọng; trách nhiệm không rõ ràng; hiệu lực quản lý thấp... cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và từng bước giải quyết mới mong có sự thay đổi.

* Thời gian qua các doanh nghiệp xăng dầu, điện, một số bộ đều nói đã công khai, minh bạch. Nhưng dường như họ chỉ công khai cái họ muốn?

- Không tính những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, đã là doanh nghiệp đều có nhu cầu công khai, minh bạch vì đó là chuẩn mực để tạo được mối tin cậy, để phát triển bền vững. Cũng chỉ trong môi trường công khai, minh bạch, các nhà quản trị mới tránh được những căn bệnh như giao dịch nội gián, tham nhũng, móc ngoặc...

Ngoài một số chủ doanh nghiệp muốn giấu các con số để mưu lợi riêng, cũng có một bộ phận doanh nghiệp muốn công khai nhưng không làm được bởi nhiều quy định, chế độ chi tiêu không còn phù hợp với thực tế.

Ở nhiều doanh nghiệp, các khoản chi ngoài lớn quá, không thể hạch toán vào đâu được. Với doanh nghiệp nhà nước, có lẽ họ không muốn công khai một phần cũng vì thế. Và người ta đã giấu được một lần cứ phải giấu mãi.

* Nghĩa là cơ chế hiện nay vẫn thách thức khả năng công khai, minh bạch?

- Đúng. Việc tiếp cận thông tin của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay vô cùng khó. Nói công khai, minh bạch nhưng các báo cáo kiểm toán có công bố mấy đâu hay chỉ công bố một phần. Chỉ đến khi vỡ lở, ví dụ vụ Vinashin mới biết được một số thông tin. Việc cung cấp thông tin hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan nhà nước có muốn hay không.

Ta vẫn nói công khai, minh bạch nhưng minh bạch theo mức hiện nay chưa phải là minh bạch, vì một chút sự thật được công bố chắc chắn không phải là sự thật. Cần có quy định cụ thể về công khai để người dân tiếp cận được thông tin khi họ muốn, hiểu được bản chất vấn đề họ tìm hiểu thì đó mới thật sự là công khai. Còn không thì chỉ là hô khẩu hiệu.

Độc quyền nhóm

* Theo ông, thị trường xăng dầu hiện nay đã cạnh tranh chưa?

- Tôi nghĩ trên thị trường xăng dầu hiện nay chưa có cạnh tranh thật sự dù đã có 11 doanh nghiệp. Rất khó nói đã có cạnh tranh khi các doanh nghiệp đưa ra giá bán y như nhau, rồi khi giá thế giới giảm lại đồng loạt tăng chiết khấu cho đại lý cũng như nhau...

Không ai đặt vấn đề giảm giá cho người tiêu dùng trước để cạnh tranh mà 11 ông y như một. Quá lạ! Tôi nghĩ có thời điểm doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cho đại lý trên 1.000 đồng/lít xăng dầu thì lúc xuống 200-300 đồng/lít cũng là bình thường, giảm giá cho người tiêu dùng ít nhất cũng phải được một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tính đến chứ? Thị trường xăng dầu vẫn là độc quyền nhóm. Mà độc quyền nhóm thì sẽ có lợi ích nhóm.

* Rõ ràng đã đến lúc phải giảm điều kiện kinh doanh để tư nhân nhập cuộc?

- Cơ chế hiện nay không cấm tư nhân tham gia thị trường. Nhưng điều kiện để họ có thể tham gia, theo tôi, quá khó, cũng như là loại họ ra rồi. Như quy định muốn tham gia nhập khẩu xăng dầu về bán, thương nhân phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam.

Cầu cảng này phải tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn. Rồi cũng phải có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000m3. Các tài sản trên phải thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm năm trở lên...

Ngoài ra còn có các điều kiện như phải “có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu mười cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu cùng 40 đại lý bán lẻ xăng dầu... Muốn đáp ứng các điều kiện trên, tư nhân rất khó có vốn, chưa kể họ phải đối mặt việc cạnh tranh với trên 2.000 cây xăng đã có chủ cố định, nằm ở các vị trí đắc địa của Petrolimex hay các cây xăng của các doanh nghiệp nhà nước lớn khác. Những điều kiện này cần được giảm xuống.

* Trước mắt có nên cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường để đảm bảo có cạnh tranh mạnh?

- Tôi cho rằng trong thị trường xăng dầu không có gì là không thể mở rộng để khu vực FDI tham gia. Nhiều ý kiến nói lĩnh vực xăng dầu, hay trước đây là đóng tàu liên quan đến an ninh, nên phải hạn chế trong khi doanh nghiệp nào cũng phải hoạt động theo luật Việt Nam. Mà luật thì Nhà nước có quyền ban hành, chỉnh sửa, tại sao cứ sợ? Cần cẩn thận lợi ích nhóm ở đây. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã có mấy chục năm hoạt động, thời gian bảo hộ thế là đủ rồi.

* Việc cần thiết nữa là phải hoàn thiện ngay cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng?

- Việc doanh nghiệp tăng chiết khấu để công ty con lãi, công ty mẹ lỗ là bình thường. Pháp luật không cấm, họ làm thế không sai. Họ có thể nói đang tập trung giữ hệ thống phân phối nên phải tăng chiết khấu.

Vấn đề là khi phát hiện, các cơ quan chức năng phải tìm cách rào nhanh lỗ hổng để doanh nghiệp đi đúng hướng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như các bộ có quyền đề xuất thay hội đồng quản trị vì đã để doanh nghiệp lỗ, hay có quyền đưa định mức chiết khấu cho phép...

Theo tôi, không nên nói nhiều đến nguyên tắc hài hòa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng nữa. Vấn đề là quy định cụ thể như thế nào để đạt được điều đó. Chứ chỉ hô không thì doanh nghiệp phải vì cổ đông, vì lương thưởng của họ trước. Họ không làm cũng dễ hiểu.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent