Kết quả kiểm tra 4 doanh nghiệp xăng dầu: Lỗ nặng do chi hoa hồng quá cao
20/12/2011 9:56:00 SATin trong nước

Các công ty xăng dầu hiện nay lỗ hay lãi, có hay không hiện tượng "làm giá" giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp (DN) độc quyền trong lĩnh vực này?

Người tiêu dùng vẫn mong chờ sự điều hành hợp lý giá xăng dầu của cơ quan quản lý. Ảnh: Thành Công

Kết quả kiểm tra 4 DN đầu mối xăng dầu do Bộ Tài chính công bố ngày 19/12 là một bản "cáo bạch thông tin" toàn cảnh xăng dầu trong thời gian tới. Cao hơn nữa, tiếp sau sự minh bạch ấy, người dân kỳ vọng phải là một đường lối điều hành đúng đắn, hiệu quả.

Lỗ mẹ, lãi con

Kết quả từ việc kiểm tra cho thấy, tại thời điểm ngày 26/8, kinh doanh xăng dầu nội địa của DN từ 1/7 - 26/8 về cơ bản không lỗ hoặc có lãi. Petrolimex báo lãi ước 130 tỷ đồng. Sài Gòn Petro báo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng. Công ty Thương mại Dịch vụ Đồng Tháp báo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì lãi 22 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, sau khi rà soát các hợp đồng kinh doanh xăng dầu, lỗ của Petrolimex chỉ vào khoảng 1.300 tỷ đồng thay vì hơn 1.800 tỷ như đơn vị báo cáo. Tại PV Oil, khoản lỗ của đoàn kiểm tra công bố cũng thấp hơn DN báo cáo khoảng hơn 147 tỷ đồng. Tương tự, con số này ở SaiGon Petro là 7 tỷ đồng.

Ngày 21/9, Bộ Tài chính đã ký quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, và Công ty TMDK Đồng Tháp. Theo Bộ Tài chính, việc thanh tra giá xăng dầu lần này không nhằm mục đích bắt lỗi DN mà là sự minh bạch thông tin. Và tới đây không chỉ xăng dầu mà các khoản lỗ lãi của những mặt hàng như điện, nước... cũng sẽ được công khai cho dư luận được biết.
Theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, nếu chi phí kinh doanh không cao hơn định mức quy định và kinh doanh trong điều kiện bình thường (không bị biến động tỷ giá chi phối), Petrolimex không bị lỗ, thậm chí có lãi. Có những thời điểm nếu tiết giảm chi phí hợp lý DN có thể có lãi, và có cơ hội giảm giá xăng bán lẻ. Tuy nhiên, việc tăng hoa hồng cho các đại lý và tổng đại lý đã làm cho DN không những lỗ mà còn còn lỗ nặng. Điển hình như thù lao đại lý của Petrolimex là trên 583 tỷ đồng, trong đó mức thù lao đại lý của Công ty xăng dầu B12 của Petrolimex từ tháng 3 đến tháng 9/2011 cao nhất đối với xăng là 630 đồng/lít (tháng 6), dầu là 830 đồng/lít (tháng 7).

Ngoài nguyên nhân chênh lệch tỷ giá, chi "quá tay" thù lao đại lý, kết quả kiểm tra cũng phát hiện một số vi phạm trong công tác quản trị tại DN như việc trích lập quỹ KHCN không đủ điều kiện, các khoản chi phí không liên quan kinh doanh xăng dầu, đầu tư ngoài ngành, chi phí hao hụt phát sinh 6 tháng, chính sách bán hàng trong giá bán nội bộ cho 42 đơn vị thành viên và giá bán cho tổng đại lý/đại lý… Về Quỹ bình ổn xăng dầu, cơ bản các DN đã trích lập sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Bộ Tài chính nhận thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá tại các DN vẫn còn một số bất cập và khó kiểm soát…

Chưa thể giảm giá xăng?

Tại thời điểm này, dư luận vẫn băn khoăn đặt câu hỏi về việc điều hành giá xăng dầu sắp tới ra sao sau khi biết thực hư chuyện lỗ lãi của DN. Còn nhớ vào thời điểm tháng 10/2011, khi giá xăng dầu thế giới giảm, lúc đó, Bộ Tài chính chỉ giảm giá dầu còn giá xăng vẫn giữ nguyên. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ vào Nghị định 84 của Chính phủ, giá thế giới giảm nhưng chưa đủ căn cứ 30 ngày và DN vẫn lỗ, vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra giá của các DN đầu mối nên chưa thể có động thái gì về điều chỉnh giá".

Đến hôm qua, sau khi có kết quả kiểm tra 4 DN, mặc dù khẳng định người tiêu dùng sẽ không phải gánh các khoản lỗ cho DN xăng, Nhà nước cũng không cấp bù lỗ song ông Thỏa cho hay, hiện nay chưa thể giảm giá xăng dầu được vì vẫn còn đang phải sử dụng tiền từ Quỹ Bình ổn để bù đắp lỗ giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành. Theo ông Thỏa, nếu tính theo ngày cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá, hoặc tính thời gian 30 ngày, giá xăng dầu thành phẩm các loại có giảm từ 1 - 2%. Riêng đối với mặt hàng dầu thì mức giảm này chỉ giảm thấp hơn so với 30 ngày trước đó, còn giá dầu cơ sở vẫn cao hơn giá hiện hành và vẫn đang phải sử dụng đến Quỹ Bình ổn giá.

Ông Thỏa cho biết: Điều hành giá xăng dầu vẫn kiên trì nguyên tắc theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước. Trước mắt sẽ vẫn áp dụng quy định theo Nghị định 84. Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ (đồng gửi Bộ Công Thương) để nghiên cứu, sửa đổi thời gian tính giá cơ sở cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Chưa kể, mức giá xăng thế giới giảm cũng chỉ đủ vào thuế để "gỡ khó" cho ngân sách Nhà nước, trong suốt một thời gian dài thuế suất giữ ở mức 0%. Chính vì thế việc tăng mức trích Quỹ Bình ổn để dự phòng được đặt lên trước việc giảm giá bán.

Như vậy, cơ sở để giảm giá xăng dầu, thực sự điều hành giá xăng dầu theo "cơ chế thị trường", theo "giá thế giới" như cách nói của các cơ quan quản lý vẫn phải… chờ!

Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của các DN đầu mối không đồng đều, thị trường kinh doanh xăng dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào DN có vị trí thống lĩnh (Petrolimex) hoặc nhóm các DN có vị trí thống lĩnh, việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra cần thiết phải nghiên cứu đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ trong thời gian tới theo hướng đưa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý. Thời gian tới, các DN cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.

Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent