Đề nghị “khai tử” xăng A83: Có chấm dứt gian lận thương mại?
20/12/2011 9:03:00 SATin trong nước

Sau khi vụ việc 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị phát hiện bán xăng "dởm", không đúng chỉ tiêu chất lượng công bố, một lần nữa Bộ Công thương lại đề nghị cấm sản xuất xăng A83. Việc cấm sản xuất mặt hàng xăng A83 được Bộ Công thương kỳ vọng như một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại, "trộn" xăng kém chất lượng để bán giá cao. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến của cả người tiêu dùng và người trong cuộc.

Ông Nguyễn Đình Cường (Giám đốc doanh nghiệp vận tải Tân Đạt): Không thể đổ hết "tội" cho xăng A83
Tuy là doanh nghiệp vận tải với số lượng hàng chục đầu xe, nhưng từ nhiều năm nay chúng tôi không còn sử dụng loại xăng A83 nữa, mà chuyển hẳn sang dùng xăng A90, A92 và A95. Nếu phương tiện sử dụng xăng A90, A92… bị pha trộn xăng A83 dễ dẫn đến tình trạng chết máy, hỏng hóc động cơ và những nguy hiểm khác như cháy, nổ bất thường. Đúng là hiện tại nhu cầu sử dụng loại xăng thấp cấp A83 là không đáng kể, không có phương tiện phát sinh thêm mà chỉ còn những loại phương tiện cũ đang tiếp tục sử dụng. Việc sản xuất với số lượng lớn, không kiểm soát loại xăng A83 sẽ tạo điều kiện cho nạn làm ăn gian dối của một số cây xăng, hậu quả là người tiêu dùng bị móc túi, phương tiện giao thông bị giảm tuổi thọ và môi trường bị ô nhiễm. Tuy nhiên, không thể đổ hết "tội" cho xăng A83 là nguyên nhân chính của vấn nạn gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Người kinh doanh có rất nhiều "chiêu" để pha trộn các hợp chất vào xăng dầu, nhằm tăng lợi nhuận. Để chấm dứt tình trạng này, trước hết phải nâng cao đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng đặc biệt này, nếu phát hiện gian lận phải phạt thật nặng, đồng thời thu hồi ngay giấy phép kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Tiến (Giám đốc Công ty TNHH Thành Linh, cửa hàng xăng dầu Xuân Tiến - Km 44, quốc lộ 2): Ngừng sản xuất xăng A83 nhằm hạn chế gian lận thương mại
Là một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu, tôi kịch liệt phản đối các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này. Việc các cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp, cửa hàng bán xăng kém chất lượng, ăn bớt… chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng xấu đến uy tín của tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu. Thiết nghĩ, việc Bộ Công thương đề nghị ngừng sản xuất xăng A83 cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nạn gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay không còn cây xăng nào bán xăng A83, nhu cầu sử dụng loại xăng này trên thị trường cũng rất ít, song mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn tấn xăng loại này được sản xuất. Do giá xăng A83 thấp hơn xăng A92 từ 500 - 700 đồng/lít, khiến một số doanh nghiệp lợi dụng, gian lận, treo biển xăng A92, nhưng pha chế thêm xăng A83 để bán kiếm lời. Nếu thực sự thị trường vẫn cần, thì nên tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu, đối tượng sử dụng, từ đó giao chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cụ thể cho từng đơn vị, không thể để sản xuất tràn lan như hiện nay. Về phía doanh nghiệp kinh doanh, trước khi nhập hàng từ đầu mối cần ký cam kết cụ thể. Mỗi lần nhập hàng đều phải lấy mẫu, nếu thấy nghi ngờ cần mang đi kiểm tra chất lượng ngay. Người tiêu dùng cũng nên trang bị cho mình những kiến thức như: khi bị bán xăng dởm, xăng chất lượng kém, có thể căn cứ vào độ nhạy của chân ga và tiếng nổ của động cơ để phát hiện kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Ông Lại Đình Long (Công ty Xăng dầu - Dầu khí miền Bắc): Hãy để thị trường điều tiết
Không phải đến bây giờ, khi Bộ Công thương đề nghị ngừng sản xuất xăng A83, nhằm ngăn chặn tình trạng trà trộn xăng A83 vào xăng chất lượng cao hơn như: A92, A95, thì xăng A83 mới có nguy cơ bị "khai tử", thực tế từ nhiều năm nay, tại thị trường miền Bắc gần như vắng bóng loại xăng này. Cung ít, cầu ắt cũng ít. Tuy nhiên, với thị trường miền Nam, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nhu cầu xăng A83 cho các thiết bị, máy móc sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế thì vẫn phải quan tâm, phục vụ. Hiện tại các cơ quan chức năng chưa có kết quả thống kê số lượng xăng A83 tham gia thị trường, nhu cầu sử dụng ra sao, chưa nên dừng sản xuất ngay, mà cần phải có lộ trình, theo nhu cầu của thị trường.

Ông Phạm Huy Dũng (phường Thổ Quan, quận Đống Đa): Xác định rõ nguyên nhân và đối tượng gian lận thương mại
 Tôi không phủ nhận mục đích tích cực của đề xuất ngừng sản xuất xăng A83 để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Nhưng cho rằng, xăng A83 là nguyên nhân của việc pha trộn xăng kém chất lượng để bán giá cao thì chưa khách quan, mà phải đề cập đến trách nhiệm của người thực hiện hành vi gian lận xăng kém chất lượng thu lời bất chính. Nếu không tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật và vẫn còn lẫn lộn giữa các nguyên nhân, đối tượng thực hiện hành vi gian lận thương mại thì sẽ dẫn đến dư luận hiểu nhầm mục đích tốt đẹp của cơ quan chức năng thành tiêu cực không quản được thì cấm như trên một số lĩnh vực khác đã từng xảy ra.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent