Quy mô và phí tổn của thảm họa này đang gây ra các tác động khổng lồ
không chỉ tới vùng duyên hải phía nam Hoa Kỳ, mà còn trên toàn thế giới.
Tại Trung Quốc và Đông Nam Á, nơi mức tăng
trưởng kinh tế nhanh đang kéo theo nhu cầu về năng lượng gia tăng, các
chuyên gia trong ngành dầu lửa kêu gọi các chính phủ phải hành động
nhiều hơn để bảo vệ môi trường.
Nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học gì từ
thảm họa hiện nay? Liệu khu vực Đông và Đông Nam Á đã được chuẩn bị cho
một vụ loang dầu tương tự?
Việt Nam và Miến Điện
Ngoài Nhật Bản và Nam Hàn, đa phần các nước tại
Đông và Đông Nam Á hiện đang có lượng sản xuất dầu và khí khá lớn trên
đất liền và tại các vùng biển nông.
Thế nhưng các nước này chắc chắn sẽ chuyển sang
thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu.
Các chuyên gia dẫn chứng Việt Nam đã trở thành
nơi mà các tập đoàn năng lượng lớn, đa quốc gia, có các hoạt động thăm
dò tốn kém và nhiều rủi ro, đa phần tại khu vực biển Đông có tranh chấp.
Hiện, sản lượng quốc gia của Việt Nam tương đối
thấp, chỉ với 317 ngàn thùng dầu/ngày. Thế nhưng sản lượng này được cho
là sẽ gia tăng nhanh nếu xét đến tốc độ thăm dò tại Việt Nam.
Tại Miến Điện, các công ty Trung Quốc và công ty
nước ngoài đang bận rộn tìm cách tiếp cận trữ lượng dầu và khí của nước
này ở vịnh Bengal.
Các hợp đồng làm ăn trong lĩnh vực này thường bị
các nhóm nhân quyền chỉ trích là phục vụ cho chính quyền quân nhân.
Indonesia
Indonesia, cho đến năm ngoái còn ở trong tổ
chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa, OPEC, là nước xuất khẩu dầu lớn
trong khu vực. Với 81 ngàn km bờ biển, nước này đã có nhiều kinh nghiệm
trong việc xử lý dầu tràn, đặc biệt tại các eo biển Malacca và
Singapore.
Tiến sĩ Kurtubi, giám đốc trung tâm nghiên cứu
Dầu và Năng lượng tại Jakarta, nhận xét: “Tại Indonesia, có khoảng 9 đến
10 vụ tai trong 25 năm qua, nhưng tất cả đều được xử lý khá tốt”.
Nhờ có chiến lược đối phó với thảm họa dầu tràn,
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Môi trường nước này đã dẫn đầu Kế hoạch ứng
phó quốc gia, vốn được lập ra vào năm 2006. Họ thường xuyên có các đợt
tập huấn và thao luyện trên biển.
Tuy nhiên, Indonesia vẫn đang đối mặt với thảm
họa khoan dầu ở Đông Java, do vụ nổ giếng gas.
Tiến sĩ Kurtubi cho biết: “Người ta đã không
tuân thủ theo quy trình thủ tục. Thật không may là những gì xảy ra tại
Lapindo ở Đông Java là nguồn bùn ở đây quá tệ”.
Bùn nóng từ giếng gas đã làm 60 ngàn người mất
nhà cửa kể từ năm 2006. Dòng bùn này được cho là còn tiếp tục trong 30
năm nữa.
Rất nhiều nước trong khu vực có vị trí gần với
các tuyến đường hàng hải rất bận rộn. Một vụ đâm tàu chở dầu có thể gây
ra các hậu quả nghiêm trọng.
Tiến sĩ Kurtubi cho rằng chính phủ Indonesia vẫn
cần phải làm nhiều hơn nữa:
“Chính phủ đã không làm đủ nhiều để bảo vệ biển
của chúng tôi khỏi các tai nạn tàu chở dầu”.
Trung Quốc
Vậy còn những bài học từ vụ tràn dầu của BP ở
Hoa Kỳ thì sao?
Liệu điều này có xảy ra tại khu vực Đông và Đông
Nam Á?
Tiến sĩ Hác Vũ Phàm là giảng viên chính trị
tại đại học Macau. Ông đã theo dõi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
và các hành động của nước này trong một thời gian.
Ông nhận xét: “Trong chừng mực nào đó, vụ tràn
dầu là một lời cảnh báo lớn. Tôi chắc chắn là các bộ có trách nhiệm tại
Trung Quốc sẽ phải cảnh giác hơn.
“Nếu một vụ tràn dầu lớn như thế xảy ra ở TQ thì
nó sẽ để lại thiệt hại nghiêm trọng tới các khu vực duyên hải Trung
Quốc, nặng nề hơn nhiều so với khu Vịnh Mexico”.
Các công ty dầu lửa của Trung Quốc được biết đã
coi vụ tràn dầu ở Mỹ như chính vấn đề của họ và đã mất nhiều công sức
tìm các chiến lược đối phó của riêng mình.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy TQ đang
giảm tốc độ cuộc tiến quân ra vùng biển sâu nhiều rủi ro hơn.
Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng dầu lửa từ năm
1993. Tốc độ phát triển kinh tế chóng mặt của nước này đã tạo ra cơn
khát dầu không thể dập tắt nổi.
Tiến sĩ Hác nhận xét: “Tôi không nghĩ họ có thể
giảm tốc độ. Họ sẽ không giảm tốc độ hành quân chỉ vì tai nạn như vừa
qua hay vì khả năng sẽ xảy ra tai nạn. Chúng ta đều biết nhu cầu về năng
lượng của TQ hiện lớn hơn bao giờ hết”.
Và nhu cầu này sẽ đẩy TQ và các quốc gia Đông
Nam Á khác tới các vùng biển sâu hơn để thăm dò và khai thác dầu khí.
Không ai có thể đảm bảo rằng người ta đã rút ra
bài học để ngăn chặn các tai nạn tương tự xảy ra tại tây Thái Bình
Dương.
Từ ngày 15 tháng 6 năm nay, các ban ngôn
ngữ của đài BBC đồng loạt đăng tải nhiều bài chuyên đề về
công nghệ khai thác dầu và nguồn nước, đánh dấu hai tháng sự
kiện tràn dầu tại Vịnh Mexico.Phóng viên Quốc Vinh và
Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt đóng góp các bài tường thuật
từ Louisiana, Hoa Kỳ.