Bộ Công Thương ‘kêu oan’ cho Petrolimex
06/12/2011 8:26:00 SATin trong nước

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, mức chiết khấu 600đồng/lít xăng dầu đã “lạc hậu” nên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất cần phải thay đổi mức này. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại khẳng định sẽ siết chặt việc chiết khấu cho đại lý với những quy định cụ thể.

“Hoa hồng cho đại lý thấp quá”

Theo đánh giá sơ bộ kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính vừa qua, sáu tháng đầu năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã sử dụng chi phí kinh doanh cao hơn định mức, lên tới 516 tỷ đồng. Trong đó, việc chi phần trăm hoa hồng cho các đại lý cũng cao hơn định mức.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, đây chính là điểm còn bất cập cần chỉnh sửa trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ. Bộ trưởng Huệ phân tích, nếu chi phí kinh doanh nằm trong 600 đồng/lít xăng dầu là sẽ có lãi, nhưng chi phí luôn cao hơn mức này, thậm chí có những đại lý kinh doanh được chia hoa hồng lên tới 800-1.000 đồng/lít nên lỗ là đương nhiên.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11/2011 tại Bộ Công Thương sáng nay (5/12), bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, đoàn kiểm tra Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã có văn bản giải trình Chính phủ về việc tại sao Petrolimex lại có con số chi phí kinh doanh xăng dầu vượt định mức 516 tỷ đồng, trong đó có chiết khấu bán hàng giao cho khâu trung gian là tổng đại lý và đại lý. Theo bà Huyền, mặc dù Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ nhưng “đây là câu chuyện của Bộ Tài chính”.

Đại diện Petrolimex tỏ ra bức xúc khi cho rằng có sự mâu thuẫn khi “Petrolimex đã được thừa nhận chiết khấu bán hàng của doanh nghiệp này là thấp nhất so với tất cả các đầu mối nhưng việc kết luận Petrolimex vượt chi phí định mức còn là một câu hỏi bỏ lửng”.

“Có lẽ cần phải có xử lý sớm vấn đề này để đảm bảo sự hài hòa. Đại lý và tổng đại lý rất “ép” về hoa hồng trong khi Petrolimex cũng đang khó gỡ khỏi trạng thái này. Nếu không vượt qua được thì việc tổ chức kinh doanh với tư cách là công ty cổ phần bắt đầu từ 1/1/2012 sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong thời gian tới”, bà Huyền giãi bày.

Để minh chứng thêm việc chiết khấu cho đại lý là thấp, bà Huyền cho biết, chiều thứ sáu vừa qua, Sở Công Thương TP HCM đã triệu tập một số đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu để họp và hôm đó, tất cả các tổng đại lý tại địa bàn TP HCM đều kêu ca rằng “hoa hồng thấp quá và họ không thể nào chịu đựng nổi”.

Mức chiết khấu đã quá cũ,lỗi là do hai bộ Công Thương,Tài chính chưa kịp sửa đổi,không phải Petrolimex ‘vượt rào’ (Ảnh: Q.Anh)

Bảo vệ cho quan điểm của Petrolimex, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú giải thích, mức thù lao 600 đồng/lít dùng để tính toán giá cơ sở và trên cơ sở đó dùng để bù lỗ cho các doanh nghiệp và trích bình ổn chứ không phải là định mức buộc các doanh nghiệp phải chấp hành.

“Đây là hai khái niệm rất khác nhau do vậy không nên nói rằng đơn vị nào chi vượt mức hay không chi vượt mức. Ngoài ra, từ lâu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều đã thống nhất rằng con số này đã quá cũ vì chỉ tiêu này đã đặt ra đã hàng chục năm nay. Từ đó, hai bộ đã quyết định phải thay đổi nhưng lại chưa kịp thực hiện. Do đó, lỗi của các Bộ”, ông Tú nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, thực tế ngoài thị trường, khi giá xăng dầu thấp thì các doanh nghiệp đều cạnh tranh bằng hoa hồng do không còn gì để cạnh tranh. Và khi cạnh tranh bằng hoa hồng thì đa phần các doanh nghiệp lớn thường thua thiệt hơn.

Trong khi Bộ Công Thương “bênh vực” Petrolimex thì Bộ Tài chính lại cho rằng, bất cập là ở chỗ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu mới chỉ quy định về chi phí kinh doanh không được vượt quá 600 đồng/lít mà lại chưa quy định cụ thể về mức chiết khấu phần trăm cho đại lý. Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 24/11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng khẳng định sẽ đề nghị với Bộ Công Thương có quy định siết chặt việc chiết khấu cho đại lý với những quy định cụ thể nhằm đưa hoạt động kinh doanh trở lại cạnh tranh lành mạnh.

Mặc dù vậy, tại Hội nghị giao ban sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại khẳng định, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và hai bộ đã thống nhất rằng mức chiết khấu đề cập ở trên đã lạc hậu và cần phải thay đổi. “Tuy nhiên, giờ phút này vẫn chưa kịp thay đổi. Do vậy, không nên căn cứ vào đó để phê phán doanh nghiệp xăng dầu”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Rút giấy phép kinh doanh nếu bán xăng kém chất lượng

Thêm một vấn đề nổi cộm tại Hội nghị giao ban sáng nay được đặt ra đó là vấn nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu .

Bà Đàm Thu Huyền cho biết, hiện nay, việc pha trộn xăng A83 vào xăng A92 vẫn đang tồn tại, nhất là đối với các cửa hàng của tư nhân và xảy ra nhiều nhất tại TP HCM, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các tỉnh phía Bắc cũng đã phát hiện ra một số vụ, gần nhất là tại địa bàn Nghệ An, Thanh Hóa….

Theo bà Huyền, trên thực tế, việc thống kế số lượng xăng A83 đang lưu thông trên thị trường hiện bị bỏ ngỏ, không ai nắm được cụ thể hiện còn bao nhiêu và lưu thông trên thị trường như thế nào.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, hệ thống phân phối xăng dầu được tổ chức theo quan hệ 1-1. Theo đó, tất cả các đại lý, tổng đại lý chỉ được lấy từ một nguồn. Tuy nhiên, thời gian qua vì quá nhiều đầu mối nên Bộ Công Thương đã không kiểm soát được, dẫn tới việc gian lận thương mại do các cây xăng lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau.

Ông Tú khẳng định, nhiều năm nay Bộ Công Thương đã có ý kiến đề nghị ngừng sản xuất A83 nhưng các bộ khác không đồng ý.

"Trên thị trường hiện nay không có cây xăng nào bán xăng A83, song hiện mỗi năm vẫn có đến vài trăm nghìn tấn xăng này được sản xuất", ông Tú cho biết.

Liên quan đến trách nhiệm, ông Tú nhấn mạnh: “Trong trường hợp đại lý lấy xăng dầu của đầu mối mà kém chất lượng thì đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu. Còn nếu đại lý lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau thì khi đó các đại lý đã vi phạm Nghị định 84”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, về việc đại lý lấy hàng từ hai hoặc nhiều nguồn nguồn thì phần xử lý do trách nhiệm của Bộ Công Thương và về chất lượng hàng hóa thì Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học – Công nghệ) phải chịu trách nhiệm.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị không tiếp tục sản xuất xăng A83. Tiếp đó, cần kiên quyết xử lý vi phạm, kể cả rút giấy phép kinh doanh trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, Cục quản lý thị trường cũng cần phối hợp với các Sở địa phương tăng cường kiểm tra và cả các doanh nghiệp xăng dầu cũng phải tăng cường quản lý hệ thống đại lý của mình để tránh xảy ra tình trạng gian lận./.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent