Diễn biến này đã góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của thị trường sau
khi Chính phủ tiếp tục thực hiện việc điều
chỉnh giá thị trường đối với một số hàng hóa thiết yếu và
tăng lương tối thiểu.
Tuy nhiên, theo Tổ điều hành thị trường trong nước Bộ Công Thương, sáu
tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,78% so với tháng
12/2009. Như vậy so với mục tiêu khống chế CPI cả năm không vượt quá 8%
thì những tháng còn lại CPI không được tăng vượt quá 0,5%/tháng.
Đây là một thách thức lớn, bởi vì theo quy luật, những tháng quý 4 hàng
năm thường có mức tăng giá cao.
Không có đột biến giá cả
CPI tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng 5, là mức tăng khá thấp so với
mức tăng tháng 6 của những năm gần đây. Giá cả sau khi tăng cao trong
những tháng đầu năm đã có xu hướng ổn định dần là do kinh tế trong nước
tiếp tục đà tăng trưởng (GDP quý 1 đạt 5,83%, sáu tháng trên 6%), các
cân đối vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định; cung cầu hàng hóa tiếp tục được
đảm bảo, đáp ứng đủ cho sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bình ổn giá được triển
khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương, thông qua các
biện pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, xuất nhập khẩu, thanh
tra, kiểm tra...
Tổ điều hành thị trường nhận định, trước mắt trong tháng 7, do giá cả
phần lớn các loại hàng hóa trên thị trường tiếp tục xu hướng ổn định
hoặc dao động ở mức thấp nên CPI tháng 7 có lẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng
6.
Giá cả dần bình ổn đã giúp thị trường hàng hóa trong nước thực sự phục
hồi sau thời gian suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế. Sức tiêu
thụ hàng hóa trong từng thời kỳ có mức tăng trưởng khá so với năm 2009.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sáu tháng đầu năm đã đạt
747.418 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009 (nếu loại trừ yếu tố
tăng giá).
Phân theo ngành kinh tế, du lịch có mức tăng mạnh nhất đạt 32,6%, tiếp
đến là ngành thương nghiệp với 27,6%, cho thấy tiêu thụ hàng hóa tiếp
tục phục hồi tốt.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao
Bộ Công Thương cho rằng, trong sáu tháng cuối năm, thị trường hàng hóa
thế giới còn tiềm ẩn những bất ổn (đặc biệt lo ngại các biện pháp khắc
phục nợ ở châu Âu sẽ làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế thế giới, ảnh
hưởng tới nhu cầu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu...) nên giá nhiều loại
nguyên nhiên liệu trên thị trường tiếp tục biến động nhẹ.
Việc đồng nhân dân tệ (Trung Quốc) lên giá sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến
giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu Việt Nam đang phải nhập khẩu từ
Trung Quốc. Bên cạnh đó thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp,
đặc biệt mùa mưa bão sắp tới, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung một số
hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - lo
ngại những tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới và kinh tế
trong nước; tác động (theo độ trễ từ sáu tháng đến một năm hoặc lâu hơn)
của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền
tệ, tài khóa phục vụ mục tiêu kích cầu, ngăn ngừa suy giảm kinh tế từ
năm 2009 chuyển qua); việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường
đối với một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép... sẽ tác động
đến giá cả thị trường.
Bà Nga nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có những đối sách hợp lý, lạm phát
vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại.” Không chủ quan với lạm phát, Tổ
điều hành thị trường đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các địa
phương, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp... tiếp tục triển khai
thực hiện Nghị quyết Chính phủ số 18/NQ-CP về những giải pháp đảm bảo ổn
định kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ, quyết liệt.
Một số địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh... chủ động có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá và
triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, cùng với việc phát triển
hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị
trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhất là
tại các điểm bán lẻ, các chợ dân sinh.
Cân đối cung cầu, giá cả một số mặt hàng thiết yếu
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng đã đề xuất một số giải pháp cân
đối cung cầu, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối
năm.
Theo các chuyên gia, sáu tháng cuối năm, cần kiên trì vận hành giá xăng
dầu theo cơ chế thị trường, đảm bảo hài hòa ba lợi ích Nhà nước - người
tiêu dùng và doanh nghiệp.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, trên cơ sở cân đối với nguồn cung từ Nhà
máy Lọc dầu Dung Quất cho từng loại sản phẩm, phần còn lại sẽ được các
doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trên cơ sở chỉ tiêu được giao năm 2010.
Vụ lúa hè thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch,
giá lúa gạo tại các địa phương đang ở mức thấp. Nhằm tránh tình trạng
giá lúa giảm sâu, Tổ điều hành thị trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ
Tài chính, các địa phương đưa ra phương pháp tính giá thành hợp lý,
thống nhất, sớm công bố giá thu mua lúa vụ hè thu để các doanh nghiệp
chủ động có kế hoạch thu mua kịp thời.
Các chuyên gia cũng đề nghị tăng nguồn cung về thuốc thông qua việc tăng
cường cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, thuốc hiếm cần
cho nhu cầu điều trị, tăng cường nhập khẩu song song đối với biệt dược
giá cao nhằm hạn chế độc quyền.
Bên cạnh đó, Tổ công tác liên ngành về thuốc chữa bệnh cần tăng cường xử
lý việc kê khai giá thuốc không hợp lý, xây dựng kế hoạch dự trữ lưu
thông thuốc quốc gia theo hướng mở rộng đơn vị tham gia dự trữ, mở rộng
danh mục mặt hàng.