Loạn trích Quỹ bình ổn xăng dầu, vì đâu?
25/10/2011 8:39:00 SATin trong nước

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu cho thấy, không phát hiện được gian lận nào mà chỉ là sự "loạn" việc trích Quỹ, thừa thiếu không thống nhất do cơ chế không rõ ràng.

Loạn số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu

Theo báo cáo kiểm toán, trong hai năm 2009-2010, 10 doanh nghiệp sẽ phải trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định hơn 5.554 tỳ đồng.

Tuy nhiên, số tiền đã trích thực tế của các doanh nghiệp và số tiền phải trích về Quỹ theo quy định lại có nhiều sai lệch. Chẳng hạn, năm 2009, số tiền phải trích cho Quỹ bình ổn do Kiểm toán Nhà nước xác định chỉ là 970,908 tỷ đồng thì 10 doanh nghiệp lại trích lập về Quỹ tới hơn 1.006 tỷ đồng, thừa tới gần 36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại trích thừa thiếu khác nhau. Trong năm 2009, Petrolimex trích thiếu 108 triệu đồng, Petec trích thiếu 14,2 triệu đồng, PMT trích thiếu tới hơn 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, SaigonPetro lại trích thừa tới 8 tỷ đồng và Mekông Petro trích thừa tới hơn 52 tỷ đồng.

Sang năm 2010, các doanh nghiệp lại trích thiếu về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tới hơn 22 tỷ đồng. Trong khi số tiền phải trích là 4.583,753 tỷ đồng thì 10 doanh nghiệp đầu mối lại chỉ trích 4.561,559 tỷ đồng.

Cũng tình trạng thừa thiếu lộn xộn như năm 2009, có tới 3 doanh nghiệp trích thiếu và 2 doanh nghiệp trích thừa. Ví dụ như Petrolimex, tiếp tục lại trích thiếu Quỹ bình ổn xăng dầu tới 27 tỷ đồng, PVOil trích thiếu gần 4 tỷ đồng, công ty TNHH Một thành viên xăng dầu Hàng không trích thiếu 83 triệu đồng.

Hai doanh nghiêp trích lập Quỹ thừa so với mức quy định là Petec, thừa 10,32 tỷ đồng và PMT thừa gần 2 tỷ đồng.

Các số liệu trên cũng có khoảng cách khác biệt so với "nguồn số liệu" từ phía Cục quản lý giá, bộ Tài chính đưa ra trước đó. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, tổng mức trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu tính từ ngày 23/3/2009 đến 30/9/2011 là 8.454 tỷ đồng. Tổng mức sử dụng Quỹ đến 24/2/2011 là 7.602 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ bình ổn còn dư 802 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, số tiền Quỹ bình ổn trên là tiền đóng góp thêm của người tiêu dùng khi mua xăng dầu và theo quy định, phải đặt tại doanh nghiệp. Việc trích lập Quỹ còn tình trạng mỗi nơi một kiểu đã cho thấy, cơ chế Quỹ bình ổn xăng dầu tiềm ẩn nhiều rủi ro minh bạch.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Lỗi cho việc loạn số liệu trên lại không phải do doanh nghiệp làm ăn gian dối mà do Liên bộ Tài chính- Công Thương hướng dẫn cũng "lộn xộn".

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho rằng, do năm 2009, các văn bản hướng dẫn trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá của Tổ Giám sát Liên Bộ không rõ ràng, không cụ thể làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiểu không đúng tinh thần văn bản. Kết quả là các doanh nghiệp trích sai, thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ.

10 doanh nghiệp và hai đơn vị đã được kiểm toán lần này bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu VN (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Cty TNHH 1 thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh, Công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH 1 thành viên xăng dầu Hàng Không, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco), Công ty Dầu khí Mê Kông, Công ty thương mại xăng dầu Đường Biển (Tổng Cty Hàng Hải - Vinaline), Tổng công ty TMXNK Thanh Lễ TNHH MTV
Ví dụ, ngày 14/7/2009, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính ban hành công văn 156 nêu: "Thực hiện việc trích Quỹ bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu khi có điều kiện (có lãi) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng trở lại." Một số doanh nghiệp đã căn cứ vào nội dung này và chỉ trích lập Quỹ bình ổn khi có lãi và không trích lập Quỹ khi bị lỗ. Cơ quan Kiểm toán cho rằng, đây chỉ là công văn mang tính định hướng chứ không phải nội dung chỉ đạo yêu cầu thực hiện.

Tới ngày 15/12/2009, thời điểm Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu mới có hiệu lực, Tổ giám sát lại có liên tiếp hai công văn yêu cầu các doanh nghiệp trích Quỹ như Thông tư 234 ban hành ngày 9/12/2009 qui định. Với hai công văn sau này, các doanh nghiệp dù bị lỗ cũng vẫn phải trích Quỹ bình ổn.

Liên quan trực tiếp tới Thông tư trên, cơ quan Kiểm toán cho hay, văn bản này chỉ không cho phép trích và sử dụng Quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu là nguyên liệu đầu vào để sàn xuất xăng dầu thành phẩm, chứ không phải là "miễn" cho lượng xăng dầu thành phẩm bán cho các doanh nghiệp sản xuất. Một số doanh nghiệp đã hiểu nhầm như vậy nên trích thiếu.

Sự chỉ đạo không rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện và rơi vào tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Lỗ vẫn trích Quỹ: vô ý nghĩa

Tuy nhiên, điểm bức xúc nhất là ngay cả ý nghĩa của việc thành lập Quỹ đã gây tranh cãi nhiều trong cả giới doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế. Điều đáng nói là ở báo cáo kiểm toán chuyên đề này, các đánh giá đưa ra dường như rất "ủng hộ" doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã cho rằng, chính cơ chế trích lập Quỹ không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kể cả lỗ cũng phải trích lập Quỹ đã chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý. Khi bị lỗ, doanh nghiệp phải trích lập Quỹ thì đồng nghĩa phải lấy vốn của mình để "bù" cho Quỹ. Điều này sẽ làm tăng chi phí, làm tăng giá cơ sở, dẫn tới việc trích lập Quỹ bình ổn giá không có ý nghĩa.

Nói cách khác, Quỹ bình ổn giá được xác lập trên nền tảng không có thực vì giá bán đã thấp hơn giá cơ sở thì không thể có Quỹ. Cơ chế Quỹ hiện cũng dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư Quỹ bình ổn giá khi chưa sử dụng mang lại.

Trước đó, đại diện của Petrolimex đã từng gọi, đây là quỹ ảo, quỹ gió chính vì quy định "lỗ mà vẫn trích Quỹ" này.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng: "Đã gọi là quỹ thì phải có quy mô Quỹ chứ không trích bất tận được. Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần việc này, nên trích bằng 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp tự bỏ ra, nhưng vẫn không được chấp nhận."

"Còn nếu nói đây là quỹ là của dân thì chúng tôi đề nghị quỹ này nộp lên đâu đó, lên Nhà nước", ông Bảo nói.

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc công ty xăng dầu Quân đội thẳng thắn cho rằng, không cần thiết có Quỹ bình ổn giá. Vì theo ông, xăng dầu cứ vận hành theo cơ chế thị trường đã, đến khi nào giá xăng dầu tiếp cận thị trường rồi hãy tính Quỹ.

Khi khá nhiều doanh nghiệp không mặn mà với chuyện lập Quỹ, các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra sự thiếu minh bạch trong cơ chế Quỹ hiện nay. Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc trích lập Quỹ hiện nay là tính theo sản lượng. Với cơ chế chưa minh bạch, các DN hoàn toàn có thể báo lỗ, đề nghị xả Quỹ hoặc sửa sai sản lượng tiêu thụ thực tế để tăng nguồn xả Quỹ.

Bộ Tài chính khẳng định giá trị thiết thực cùa Quỹ

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về ý nghĩa của Quỹ, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: trên thực tế, Quỹ bình ổn giá đã có từ năm 1993. Nhưng khi đó là quỹ chung cho các mặt hàng thiết yếu, thu từ chênh lệch giá xuất khẩu để thực hiện bình ổn giá.

Theo ông Thỏa, từ năm 2010 đến nay, không có Quỹ, giá xăng dầu trong nước sẽ phải tăng cao hơn thực tế đã làm và sẽ có tần suất dày hơn. Giá xăng dầu sẽ không thể ổn định trong 5 tháng từ tháng 10/2010 đến tháng 2/2011. Và nếu vậy, giờ không biết được chỉ số CPI sẽ như thế nào?

Khoảng thời gian này, thay vì phải điều chỉnh 4 lần, mỗi lần từ 500-700 đồng/lít, kg tùy loại nhưng vì có quỹ nên giá xăng dầu đã không bị "tăng". Nếu không có việc xả quỹ bình ổn thì giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh 1.400 -2.300 đồng/lít, sẽ đưa mức giá tăng lên tới 3.510-5.850 đồng/lít chứ không phải mức chỉ tăng từ 2.110 - 3.550 đồng/lít, kg. Nếu vậy, sẽ làm tăng CPI từ 0,33- 0,94%, làm tăng giá thành sản xuất hải sản 10,9%- 11%, thép 3%, vận tải 6%.

"Do đó, việc lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là cần thiết", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent