Từ khái niệm giá cơ sở...
Cách đây hơn 3 năm, khi Nghị định 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/2007 về quản lý kinh doanh xăng dầu được ban hành, một thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường đã được manh nha hình thành. Cụ thể, điều 26, Nghị định này quy định, áp dụng nguyên tắc giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, DN xăng dầu quyết định giá sau khi nộp các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi đó, Nghị định 55/2007/NĐ-CP đã cho phép thực hiện ngay giá bán xăng theo cơ chế thị trường do DN quyết định (trên cơ sở giá nhập khẩu, các loại thuế, phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh).
Song, quy định trên không thể thực hiện được, vì giá dầu thô trên thế giới biến động quá mạnh và Nhà nước buộc phải ghìm giữ giá rồi lại “nhả”.
Trong suốt 2 năm 2007 và 2008, việc ngân sách nhà nước phải bù giá vốn trong kinh doanh xăng dầu luôn là câu chuyện nóng bỏng và gây sự chú ý đặc biệt của công luận. Kinh nghiệm cho thấy, ngân sách nhà nước không thể gánh thêm gánh nặng bù lỗ cho xăng dầu và để chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng, thì buộc phải để cho DN đưa giá bán lẻ theo giá thị trường. Song, điều gây nhiều tranh cãi nhất là khi thực hiện cơ chế thị trường, làm thế nào để quản lý được DN xăng dầu khi để họ tự định giá bán?
Cho đến nay, khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực được nửa năm, các DN xăng dầu đánh giá rằng, sự khác biệt lớn nhất mà văn bản này tạo ra so với các văn bản trước đó chính là việc hình thành nên giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu. “Nghị định 84/2009/NĐ-CP khác với Nghị định 55/2007/NĐ-CP và các văn bản khác cơ bản nhất là giá cơ sở. Giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu như là một giá định hướng, thông qua đó, người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý có thể giám sát DN”, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định.
Việc hình thành nên giá cơ sở, sau nhiều lần lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, được coi là bước tiến và là công cụ giám sát mới của Nhà nước với mặt hàng xăng dầu.
Khẳng định giá cơ sở là công cụ để người tiêu dùng giám sát giá xăng dầu bán lẻ và “kinh doanh xăng dầu là minh bạch nhất vì ai cũng có thể tính được giá”, nhưng lãnh đạo Petrolimex cũng cho biết, giá cơ sở là giá định hướng, chứ không phải là giá vốn của DN. Điều này có nghĩa, giá cơ sở mà một DN xăng dầu công bố không thể hiện lỗ, lãi của DN tại thời điểm đó. Hay nói cách khác, đọc các thông số về giá cơ sở mà DN công bố, người tiêu dùng không thể khẳng định chính xác DN đang lỗ hay lãi ở thời điểm đó.
... đến DN được quyền định giá... chỉ trong 2 tháng
Kể từ khi cách tính giá cơ sở được hình thành cũng như DN được quyền định giá xăng dầu đến nay là khoảng nửa năm, nhưng theo các DN, thì họ chỉ được quyền tự chủ trong hai tháng 1 và 2/2010. “Sau đợt điều chỉnh giảm giá các mặt hàng dầu ngày 3/3/2010 đến nay, chúng tôi không còn được chủ động với giá các mặt hàng xăng dầu nữa, mà thời gian này, Nhà nước đang giữ quyền điều tiết giá theo mục tiêu điều hành của mình”, ông Bảo nói. Cụ thể, theo lãnh đạo của Petrolimex, trong đợt giảm giá xăng ngày 27/5, Petrolimex chỉ ra thông báo (thay vì quyết định như những lần khác) về việc giảm giá xăng theo Thông báo số 168/TB-BTC của Bộ Tài chính. Các DN khác cũng điều chỉnh giảm 500 đồng/lít xăng theo Thông báo trên.
“Do đó, nếu như nói không có chỉ đạo của Nhà nước thì DN không hạ giá xăng là không đúng. Trên thực tế, từ tháng 3 tới nay, Nhà nước giữ quyền điều chỉnh giá theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, nên việc tăng, giảm giá xăng, dầu trong thời gian này là thuộc quyền của Nhà nước, chứ không phải là do DN chủ động”, ông Bảo giải thích.
Cho tới ngày 8/6 mới đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng chỉ đạo các DN giảm giá các loại xăng dầu theo cách thức tương tự.
Như vậy, cho dù Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã có hiệu lực, nhưng DN không được định giá xăng dầu thì liệu có phải văn bản pháp lý này đang bị “treo”?
Theo các DN xăng dầu, Nghị định trên vẫn đang được thực hiện, bởi khoản c, điều 27, Nghị định 84/2009/NĐ-CP nêu rõ, Nhà nước giữ quyền quyết định trong giai đoạn mà Nhà nước thấy cần thiết.
Hiện tại, các DN xăng dầu vẫn chưa biết phải ứng xử như thế nào với việc “chủ động định giá với các mặt hàng xăng dầu” theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP. “Chúng tôi phải chờ hướng dẫn tiếp theo của cơ quan quản lý. Trong trường hợp giá tăng hay giảm, thì DN vẫn phải chờ được hướng dẫn, bởi đây đang là thời điểm đặc biệt, chứ không phải là thời gian thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP như trong điều kiện bình thường”, lãnh đạo một công ty xăng dầu nói.
Suốt 3 năm qua, câu chuyện để DN được định giá mặt hàng xăng dầu vẫn là chủ đề nóng, luôn gây sự chú ý.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu... chưa ổn
Khi có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì người tiêu dùng sẽ vui mừng vì không chịu cảnh giá xăng dầu tăng đột biến. Song, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu lại nhận xét, đang có khá nhiều rối rắm trong cách trích lập và sử dụng quỹ này.
Gian nan hình thành Quỹ...
Ngày 23/3/2009 là ngày ra đời của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ Bình ổn giá), được đánh dấu bằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá. Lần đầu tiên, tại Việt Nam, một loại quỹ dành cho bình ổn giá xăng dầu được hình thành nhằm tránh những cú “sốc” về giá xăng dầu. Khi đó, theo quy định của Thông tư 56/2009/TT-BTC, Nhà nước cho phép DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được hình thành ra tối đa 500 đồng/lít (trong giá bán xăng dầu) để trích vào Quỹ Bình ổn giá.
Quỹ vừa ra đời một thời gian ngắn, thì trước tác động của giá dầu thô trên thế giới tăng cao, nên Liên bộ Tài chính và Công thương cho phép các DN tạm thời chưa trích Quỹ Bình ổn giá với dầu diesel từ ngày 3/4/2009, dầu mazout thì tạm dừng trích từ ngày 9/5/2009. Thời điểm đó, chỉ có dầu hỏa là vẫn trích Quỹ Bình ổn giá với mức 460 đồng/lít. Tất nhiên, với tình hình giá xăng cao, lúc đó, Quỹ cũng chưa trích được một đồng nào với mặt hàng xăng.
Cho tới khi Thông tư 159/2009/TT-BTC ngày 6/8/2009 được ban hành để sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2009/TT-BTC, thì các DN xăng dầu phàn nàn là “lúng túng bởi không hiểu nếu trích Quỹ Bình ổn giá sẽ trích mức là bao nhiêu”, bởi Thông tư 56/2009/TT-BTC quy định: “mức trích tối đa là 500 đồng/lít”. Sau 5 tháng thực hiện, cơ quan quản lý đã chỉ ra “cách” chính xác trích lập Quỹ là theo Thông tư 159/2009/TT-BTC: “Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá vốn bán lẻ cơ sở là 500 đồng/lít”.
Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá lại thay đổi một lần nữa khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP được ban hành. Ngày 9/12/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 234/2009/TT-BTC thay thế 2 thông tư nói trên. Nội dung của Thông tư 234/2009/TT-BTC cũng là hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá, nhưng quy định mức DN trích lập quỹ là 300 đồng/lít.
Công tác kiểm tra việc trích Quỹ Bình ổn giá được Bộ Tài chính đánh giá là sẽ thực hiện gắt gao, nhằm đảm bảo các DN thực hiện nghiêm túc theo quy định của Nhà nước. Song, xung quanh cách trích lập như hiện nay, cũng có nhiều ý kiến chỉ ra rằng, cách làm này vẫn còn chưa hợp lý.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận xét, khi giá nhập khẩu của DN thấp hơn giá cơ sở, thì không có vấn đề gì. “Nhưng nếu DN có giá vốn cao hơn giá cơ sở (trong giá cơ sở đã có mức trích quỹ bình ổn là 300 đồng/lít như hiện nay), thì DN trích quỹ ở đâu? Đó là còn chưa kể tới giới hạn quỹ cần phải được tính toán, chứ không thể phình ra mãi được”, ông Bảo nói.
Các DN xăng dầu kiến nghị rằng, mức trích quỹ 300 đồng/lít như đang làm hiện nay là chưa hợp lý, mà cần phải xây dựng Quỹ Bình ổn giá theo doanh thu của các DN. “Giả sử Petrolimex lớn nhất, quy mô quỹ là 1.000 tỷ đồng, các DN khác nhỏ hơn, thì con số sẽ nhỏ hơn. Khi xác lập xong quy mô quỹ, thì DN không tính phần tiền này vào cơ cấu giá nữa”, lãnh đạo một DN xăng dầu khác đề nghị.
... Và rối rắm trong điều hành
Mọi người đều hiểu việc điều hành Quỹ Bình ổn giá hiện nay là rất khó khăn, bởi chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Lần đầu tiên, cơ quan quản lý cho phép DN “xả” Quỹ Bình ổn giá là ngày 1/4/2010 với mức 500 đồng/lít (xăng) và 400 đồng/lít (dầu). Cho tới ngày 27/5/2010, Bộ Tài chính ra Thông báo số 168/TB-BTC yêu cầu các DN xăng dầu giảm mức sử dụng Quỹ Bình ổn đối với mặt hàng xăng từ 500 đồng/lít xuống còn 200 đồng/lít. Đồng thời với yêu cầu này, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DN giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng 500 đồng/lít. Và sự phức tạp trong việc trích và xả quỹ này bắt đầu được bộc lộ rõ.
Còn nhớ, theo Thông báo của Petrolimex ngày 26/5/2010, giá cơ sở của mặt hàng xăng Ron 92 là 17.091 đồng/lít, trong khi giá bán lẻ là 16.990 đồng/lít (trong cơ cấu giá cơ sở vẫn có 300 đồng/lít để trích Quỹ). Như vậy, có thể diễn giải yêu cầu giảm giá xăng của Bộ Tài chính tại thời điểm đó như sau: nếu giảm giá 500 đồng/lít thì xăng Ron 92 có giá bán là 16.440 đồng/lít. Vì giá bán thấp hơn giá cơ sở, nên DN vẫn được sử dụng 200 đồng/lít từ... chính Quỹ Bình ổn để giảm áp lực bị lỗ.
Sự phức tạp này khiến dư luận cho rằng, Bộ Tài chính có thể yêu cầu DN giảm 300 đồng/lít xăng và DN ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng này. Nhưng cũng có luồng ý kiến chỉ ra rằng, mức giảm 300 đồng/lít là chưa “đã”, nên cơ quan quản lý mới lựa chọn phương án trên. Thế là DN xăng dầu vẫn đang đồng thời vừa trích, vừa sử dụng Quỹ Bình ổn giá như hình ảnh ví von: “đổ nước vào một bình và đồng thời múc nước từ chính bình đó ra trong cùng một thời điểm”.
Cho tới ngày 8/6/2010, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hoả kể từ ngày 9/6/2010. Và “bình nước” (chưa xác định được độ lớn) vẫn đang tiếp tục được tích tụ.
Việc điều hành mặt hàng xăng dầu nói riêng (và các mặt hàng khác nói chung) ở thời điểm này, với mục tiêu giữ ổn định giá nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là hết sức cần thiết. Thế nên, để quỹ này hoạt động trơn tru, tạo ra một hệ thống “van an toàn” nhằm ngăn chặn không để giá bán lẻ xăng dầu tăng đột biến, xác lập một thị trường xăng dầu ổn định là công việc không đơn giản.
Khó xây dựng văn minh thương mại
Khách hàng mua xăng dầu lẻ hiện chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: Đức Thanh
Với việc quy định chi phí kinh doanh được coi là còn quá thấp như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đều khẳng định, chưa thể xây dựng được văn minh thương mại.
Xăng dầu không chỉ đơn thuần là một loại hàng hoá, mà đi kèm với nó còn có nhiều dịch vụ khác. Tuy nhiên, khi được hỏi đến xu hướng tích hợp dịch vụ thẻ để giúp khách hàng thanh toán thuận tiện hơn thì nhiều lãnh đạo DN xăng dầu đều... lắc đầu. Lý do cơ bản của những cái lắc đầu này là theo quy định của Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính, chi phí kinh doanh định mức, tức là chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, bán lẻ) của các DN xăng dầu (đã bao gồm cả chi phí cho tổng đại lý, đại lý) hiện quá thấp.
Cụ thể, theo quy định của Thông tư trên, chi phí bán lẻ với các mặt hàng xăng dầu tối đa là 600 đồng/lít. “Chi phí này chỉ chiếm khoảng 2-3% doanh thu. Tại các nước phát triển, chi phí bán lẻ thường chiếm tới 10% doanh thu. Chính vì chênh lệch lớn như vậy, nên Việt Nam không thể áp dụng được hình thức thanh toán thẻ visa khi mua xăng dầu”, lãnh đạo một tổng công ty xăng dầu lớn nói.
Theo phân tích của các DN xăng dầu, các tổ chức chấp nhận thẻ đều yêu cầu DN phải trả 2% doanh thu cho tổ chức này. Tính ra, mức thu này đã chiếm gần hết số tiền 600 đồng/lít chi phí bán lẻ mà Bộ Tài chính đang cho phép các DN thực hiện.
“Nếu cứ giữ mức chi phí bán lẻ thấp thì sẽ không thể xây dựng được văn minh thương mại trong kinh doanh xăng dầu”, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói.
Câu chuyện chi phí trên cũng là đề tài nóng mỗi khi các DN xăng dầu làm việc cùng lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính, bởi các DN đều phản ánh rằng, mức này là quá thấp, không đủ chi phí vận chuyển, quản lý, chiết khấu cho đại lý.
Tuy nhiên, DN xăng dầu vẫn có cơ sở để hy vọng, bởi chính Thông tư 234/TT-BTC cũng quy định mức chi phí kinh doanh định mức nói trên sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế kinh doanh của DN trong từng thời kỳ.
Một vấn đề khác ảnh hưởng tới văn minh thương mại (và là luôn nóng trong hai năm 2007-2008, khi mà giá xăng dầu liên tục tăng cao) là các đại lý thường xuyên nhập hàng của nhiều DN đầu mối khác nhau, trong khi hành vi này bị cấm. Đại diện nhiều DN xăng dầu khẳng định, ở thời điểm mà Nhà nước còn bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu, trong cuộc đua tăng chiết khấu giữa các DN để giành đại lý thì Nhà nước là đối tượng bị thiệt nhất. Còn trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn có cuộc đua tăng chiết khấu thì sẽ tạo ra sóng ngầm cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống phân phối xăng dầu, ẩn chứa nguy cơ đứt nguồn cung tại một thời điểm trong một vùng nhất định.
Liên quan tới văn minh thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex là DN xăng dầu đi tiên phong trong việc phát hành thẻ Flexicard, hạn chế sử dụng tiền mặt khi mua xăng dầu tại các cây xăng của DN này. Khách hàng sử dụng thẻ Flexicard được giảm giá mua xăng dầu theo nguyên tắc tích điểm. Tính tới ngày 8/6/2010, Petrolimex đã có 5 đợt ưu đãi giảm giá cho khách hàng sử dụng thẻ nói trên. Bên cạnh đó, DN này cũng đang áp dụng cộng điểm đổi xăng dầu với những khách hàng thường xuyên sử dụng thẻ.
Thế nhưng, trong bối cảnh có tới 11 DN tham gia kinh doanh xăng dầu mà chỉ có 1 DN áp dụng phương thức thanh toán trên, có thể dễ nhận thấy, mục tiêu thực hiện văn minh thương mại trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vẫn còn rất xa.