Cử tri bất bình về giá xăng, lo tăng giá điện
20/10/2011 8:40:00 SATin trong nước

Cử tri “quy trách nhiệm” việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, không đồng tình về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện… Nhiều tâm tư, kiến nghị mang tính thời sự được gửi đến Quốc hội kỳ này.

Cử tri bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triểnchưa vững chắc của nền kinh tế; lạm phát, giá cả, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; nhập siêu còn lớn; sản xuất, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến ổn định chính trị - xã hội.

Tình hình kinh tế - xã hội được đánh giá đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến niềm tin với việc thực hiện những mục tiêu tăng trưởng năm 2011 và những năm tiếp theo.

Tình trạng lạm phát, tăng giá hàng hóa thiết yếu tiếp tục làm nóng nghị trường.

Cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của người dân.

Việc tăng giá xăng dầu được phản ánh gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, theo cử tri, không được sự đồng tình của nhân dân. Người dân cũng bày tỏ lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện.

Giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, giá điện một cách hiệu quả, vừa đảm bảo vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo thúc đẩy sản xuất phát triển, không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống là yêu cầu bức thiết cử tri gửi tới Quốc hội.

Tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này. Cử kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp này sớm chấm dứt tình trạng này, xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Do lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trong khi giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sức mua trong nước giảm… nên hiện trên cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đình đốn sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Cử tri kiến nghị Chính phủ khẩn trương đề ra các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Về đời sống, dư luận cả nước cũng đang hết sức băn khoăn, lo lắng trước tình hình thiên tai, lũ lụt, nhất là ở các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch chân tay miệng đang diễn ra ở nhiều nơi…

Về giáo dục, người dân phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng các trường mầm non công lập ở nhiều nơi, kể cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khiến nhiều gia đình phải gửi con tại các cơ sở giữ trẻ tư thiếu an toàn và không đảm bảo chất lượng. Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm của nhiều trường phổ thông, nhất là ở khu vực đô thị gây nhiều bức xúc.

Việc tuyển sinh của một số các trường đại học, cao đẳng vừa qua, cử tri đặt vấn đề chất lượng đầu vào thấp, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu được giao nên tìm mọi cách để có đủ học sinh, nhất là các trường dân lập. Hiện tượng hàng ngàn bài thi môn lịch sử bị điểm 0 được quan ngại là thực sự đáng báo động.

Dư luận cho rằng ngành giáo dục cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng chạy theo theo số lượng như hiện nay; chấn chỉnh việc cho phép thành lập quá nhiều trường đại học như thời gian qua; đồng thời khẩn trương nghiên cứu cải tiến hệ thống thi cử để thực sự lựa chọn được người có đủ kiến thức, phù hợp với lĩnh vực được đào tạo.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent