Khó minh bạch vì còn độc quyền?
29/09/2011 10:41:00 SATin trong nước

Những tranh cãi xung quanh việc điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương vừa qua cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu còn nhiều điểm “tù mù” ngay cả với cơ quan quản lý nhà nước.

Giai điệu "Bài ca tăng giá" đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng xăng dầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó cách điều hành hiện nay còn “gánh” theo quá nhiều mục tiêu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu minh bạch. PGS.TS Ngô Trí Long- Chuyên gia kinh tế- cho rằng: Đã đến lúc phải xem xét lại NĐ 84 và chấm dứt việc giao cho DN độc quyền tự định giá.

Không khó để minh bạch!


Trong “Hội thảo về công tác quản lí hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay” vừa diễn ra, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đánh giá, cơ chế quản lí giá xăng dầu không rõ ràng, thiếu minh bạch, đặc biệt là việc kiểm soát giá cả của các doanh nghiệp đầu mối?


- Ở đây có một vấn đề cần suy nghĩ là trong cơ chế quản lý giá của Nghị định 84/NĐ- CP chưa tuân thủ với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường thì cơ chế quản lý giá có những nguyên tắc nhất định và trong điều hành, quản lý giá phải tuân thủ theo những nguyên tắc của nó. Chúng ta hay nhầm tưởng đã là quản lý giá theo cơ chế thị trường nghĩa là mọi thứ phải để thị trường quyết định. Như thế là không đúng, là sai. Trong 6 tiêu chuẩn để xác định nền kinh tế có phải là nền kinh tế thị trường hay không ? Thì tiêu chuẩn đầu tiên là tiêu chuẩn tự do hóa giá cả. Tự do hóa giá cả không có nghĩa là để mọi thứ hàng hóa dịch vụ trên thị trường, đều do thị trường quyết định. Thị trường chỉ quyết định giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cạnh tranh. Nghĩa là trên thị trường cạnh tranh này, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ là người quyết định giá mua hoặc giá bán. Còn trên thị trường độc quyền, thì giá phải do Nhà nước quyết định. Đây là nguyên tắc cơ bản của quản lý giá theo cơ chế thị trường. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Luật Quản lý giá của các nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cũng được thể hiện trong Điều 5 của Pháp lệnh Giá năm 2002 của nước ta: "Hàng hóa, dịch vụ độc quyền do Nhà nước định giá". Trong Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 3 khóa IX đã chỉ rõ “Đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh độc quyền cần có quy định kiểm soát giá cả và điều tiết lợi nhuận và cần tổ chức một số DNNN cùng cạnh tranh”. Kiểm soát giá đối với các DN độc quyền chính là việc Nhà nước định giá các sản phẩm do DN độc quyền sản xuất kinh doanh. Đây là giải pháp tốt thứ hai sau giải pháp cạnh tranh. Giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền mà Nhà nước định ở đây là giá nào ? Giá này phải bù đắp được chi phí sản xuất hợp lý của DN, đồng thời có mức lãi hợp lý (Mức lãi bình quân của xã hội trong thời kỳ đó ). Mức giá này bản chất của nó là giá thị trường. Vì ở đây hàng hóa dịch vụ này, không có giá thị trường. Thông thường giá do Nhà nước định phải sát giá thị trường. Nhưng tùy theo mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn của việc xây dựng, phát triển kinh tế, mà giá do Nhà nước định có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá thị trường. Nếu lạm phát đang ở mức cao, để khoan sức dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong một thời kỳ nhất định Nhà nước có thể định giá thấp. Cùng với việc này, Nhà nước phải tiến hành bù lỗ cho doanh nghiệp bán với mức giá thấp này, để thực hiện mục tiêu, cũng như nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Với mục tiêu không khuyến khích tiêu dùng hoặc nhằm để bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng loại hàng hóa độc quyền này thì Nhà nước có thể dịnh giá cao, thông qua việc định thuế cao. Như vậy, giá sản phẩm độc quyền do Nhà nước định, có thể là sát giá thị trường và có thể là không sát giá thị trường, tùy thuộc vào mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế trong từng giai đoạn. Không nhất thiết phải là giá thị trường. Nếu nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì thông thường giá sản phẩm độc quyền do Nhà nước định phải sát với giá thị trường. Nhiều người nhầm lẫn giá sản phẩm độc quyền do Nhà nước định, nhất thiết phải là giá thị trường. Đây chính là sự thể hiện sự quản lý của Nhà nước trong cơ chế thị trường. Việc Nhà nước định giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền, chính là tuân thủ đúng nguyên tắc điều hành, quản lý giá của Nhà nước theo cơ chế thị trường, không có nghĩa là điều hành theo kiểu mệnh lệnh hành chính, đi “giật lùi”, như lãnh đạo Bộ Công Thương đã nói. Việc để cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ độc quyền trong nền kinh tế thị trường tự định giá là trái với nguyên tắc quản lý của nền kinh tế thị trường. Vậy tại sao trong Nghị định 84/CP chúng ta lại không thực hiện đúng văn bản pháp lý, cũng như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra. Do xuất phát điểm sai, đã dẫn đến sự lủng củng trong điều hành và chỉ đạo về giá xăng dầu thời gian qua.

Thực chất như trong NĐ 84 cũng không phải trao toàn bộ mà trao “nửa vời”. Chính sự điều hành nửa vời như vậy đã gây những hệ lụy như làm cho tình hình xăng dầu có thời điểm khan hiếm, đang lúc tăng thì không tăng, đến lúc giảm cũng không giảm. Do đó mà dẫn đến sự bất cập trong việc điều hành.

Minh bạch trong việc hình thành giá bán lẻ xăng dầu là yêu cầu bức thiết của dư luận. Theo một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ về trao quyền định giá bán lẻ cho DN vẫn chưa được thực thi khiến nhiều đơn vị có thời điểm lỗ nặng. Trong khi đó, dư luận lại bức xúc cho rằng, bên cạnh việc tồn tại vị thế độc quyền trên thị trường xăng dầu, việc hình thành giá bán lẻ và trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá vẫn còn nhiều điểm thiếu minh bạch?

- Thực ra nói giá xăng dầu chưa minh bạch thì chưa đúng. Cơ cấu để bảng tính giá cơ sở rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhưng sự không rõ ràng, không minh bạch thể hiện ở chỗ nào? Thể hiện trong từng khoản mục của cơ cấu chi phí giá đó. Thuế, khoản thu khác, lợi nhuận định mức, thu bình ổn… tất cả đều rõ ràng, còn lại là giá nhập. Thứ hai là chi phí kinh doanh, thứ ba là định mức kinh tế kỹ thuật, thứ tư là định mức hao hụt…đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét nghiêm túc. Cho nên, trong vấn đề giá cơ sở xăng dầu hiện nay, sự nghi ngờ của công chúng là có cơ sở. Là vì thông tin bản tính giá cơ sở của Petrolimex mới là thông tin một chiều thôi, chưa được các cơ quan có chức năng kiểm chứng, tính xác thực là đúng hay sai. Việc công chúng nghi ngờ là có cơ sở, vì trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp thường xuyên kêu lỗ, không lúc nào thừa nhận là lãi. Nhưng khi đưa lên sàn thì lại công bố là có lãi? Tại cuộc Hội thảo về công tác quản lí hoạt động kinh doanh xăng dầu vừa qua, khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ hỏi GĐ của Petrolimex là anh hạch toán xăng lỗ bao nhiêu, dầu lỗ bao nhiêu thì ông lại trả lời là ông không hạch toán từng mặt hàng. Cách trả lời như vậy là tiền hậu bất nhất. Rõ ràng sự trả lời đó là lẩn tránh sự thật.

Có chuyên gia kinh tế cho rằng: Cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay không có lợi cho cả Nhà nước, DN lẫn người dân. Nhưng tại sao giá thế giới minh bạch, về Việt Nam lại mù mờ? Và có khó để làm cho cơ chế này minh bạch không?

- Chính vì thị trường còn độc quyền mà Nhà nước lại để DN định giá, tự khai báo mà không có kiểm tra, kiểm soát tính xác thực. Càng tù mù bao nhiêu, càng khó hiểu bao nhiêu thì càng có lợi cho DN. Để khắc phục tình trạng này thì không khó. Nhưng muốn như vậy thì cán bộ của cơ quan đảm trách quản lý giá phải thực sự có năng lực, trình độ. Phải luôn theo dõi sát diễn biến và nắm vững của giá xăng dầu thế giới, có khả năng phân tích, dự báo giá xăng dầu thế giới trong ngắn, trung và dài hạn. Khi thông tin DN đưa lên là phải kiểm tra tính xác thực và phải có sự kiểm chứng. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan kiểm soát giá ngoài nghiệp vụ kinh doanh giỏi về xăng dầu thì phải hiểu biết sâu về tài chính, kế toán và thực sự công tâm. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề quan trọng, cốt lõi hiện nay là bên cạnh việc Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh phá thế độc quyền- đấy là điều kiện tiên quyết, nhưng trong bối cảnh Nhà nước chưa tạo được môi trường cạnh tranh thực sự chưa phá được thế độc quyền thì Nhà nước phải dùng kiểm soát giá – Nghĩa là Nhà nước phải định giá đối với xăng dầu.

Sử dụng Quỹ bình ổn còn nhiều bất cập và chưa đúng thời điểm


+ Bên cạnh những bức xúc liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu, việc minh bạch cách hình thành giá bán lẻ mặt hàng thiết yếu này, hoạt động trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) luôn là "điểm nóng" của dư luận khi mà quỹ BOG đang bộc lộ nhiều bất cập bởi hoạt động trích lập quỹ đang khiến phần thiệt thòi nghiêng về phía người tiêu dùng?

- Đúng vậy! Việc thành lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất cập, thu chưa đúng thời điểm, việc sử dụng, quản lý chưa hợp lý. Quỹ bình ổn là cần thiết vì trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có rủi ro. Nhưng thu vào lúc nào, thu như thế nào phải tính toán cho hợp lý. Theo quy định là nên thu khi giá thế giới thấp hoặc giá thế giới trung bình; còn khi giá thế giới đang cao thì không nên thu nữa, khi đó giá bán lẻ sẽ bớt đi một khoản. Thứ hai, là nguồn thu cũng chưa hợp lý khi chỉ lấy từ người tiêu dùng trong khi DN cũng là một chủ thể tham gia trên thị trường, mà lại không chia sẻ. Thứ ba, một mình người tiêu dùng góp vốn nhưng DN lại giữ và trong quá trình giữ thì sử dụng vào đâu không ai biết, ai được hưởng cũng không biết nốt. Với một số lượng thu khá nhiều, hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cứ để quỹ “nằm chết”, không sinh lời được, cũng cần được xem xét lại. Vì vậy xung quanh chuyện quỹ bình ổn giá tôi thấy cũng cần phải nghiên cứu lại.

Cho nên tôi cho rằng phải xem xét lại NĐ 84 và chấm dứt việc giao cho DN độc quyền tự định giá. Trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm của tôi, nếu nó là sản phẩm độc quyền tuyệt đối thì buộc lòng Nhà nước phải định ra giá chuẩn, giá cụ thể; Còn trong bối cảnh còn độc quyền, tuy có cạnh tranh nhưng cạnh tranh rất là yếu thì Nhà nước nên định mức “giá trần”, giá định hướng. Từ giá trần này buộc tất cả các DN không được bán vượt giá đó, nếu anh nào mạnh, anh nào có điều kiện giảm giá thì tùy.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Xuân Giá- Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: “Buông lỏng quản lý kinh doanh xăng dầu”
Qua các thông tin được công bố công khai, tôi giật mình về sự buông lỏng (hoặc chủ động buông lỏng để mưu cầu lợi ích cục bộ) trong quản lý kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là quản lý chi phí nhập khẩu, chi phí lưu thông (chi phí vận chuyển, chiết khấu lưu thông…). Tôi xin kiến nghị Bộ Tài chính cho kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời cách quản lý của cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Qua phát biểu của người đại diện Bộ Công Thương, người nghe có cảm giác họ không phải đại diện của bộ quản lý nhà nước đối với DN, mà chỉ là người phát ngôn của DN. Nhà nước dứt khoát không kinh doanh. Nhà nước kinh doanh là vừa đá bóng vừa thổi còi. Đó là vấn đề tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Nếu thị trường xăng dầu lập lại trật tự, sẽ là bước đột phá để tiến tới mục tiêu minh bạch thị trường điện”
Qua cuộc tranh luận giữa đại diện 2 bộ và Petrolimex tại Hội thảo vừa qua cho thấy, thị trường xăng dầu đã bộc lộ hết những mảng tối, những bất cập trong quản lý và cả sự lũng đoạn của doanh nghiệp (DN) bấy lâu. Đồng thời, bộc lộ một điều rằng lâu nay, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị bỏ qua. Tôi thật sự mong các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Tài chính để làm rõ tính minh bạch trong kinh doanh xăng dầu. Nếu thị trường lập lại trật tự, đây sẽ là bước đột phá để tiến tới mục tiêu minh bạch thị trường điện.

Ông Phùng Quốc Hiển- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH: “Công khai, minh bạch mới hết cãi nhau”
Có chuyện tranh cãi giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương là xuất phát từ cơ chế hiện nay. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải công khai, minh bạch, trước hết phải minh bạch từ hệ thống luật pháp từ luật đến nghị định, thông tư. Còn nếu cứ chưa rõ thì sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN. Nếu ba lợi ích trên bị đặt bên nặng, bên nhẹ thì xung đột sẽ còn diễn ra.

TS. Nguyễn Minh Phong- Viện Nghiên cứu Kinh tế- Xã hội Hà Nội: “Cơ chế giá xăng dầu lúng túng và rối”
Hiếm có nơi nào trên thế giới giá xăng dầu lại chứa nhiều ẩn số và thông điệp như ở Việt Nam. Đặc biệt, giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát, sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh thị trường cũng như uy tín và hiệu quả quản lý Nhà nước. Mục tiêu của Chính phủ là "trả" giá xăng về cho thị trường, Nhà nước sẽ không bù lỗ hoặc bao cấp nữa. Thế nhưng, từ đó đến nay, xăng dầu chưa lúc nào thực hiện theo đúng cái nghĩa của thị trường cả. Thậm chí trong các đợt điều hành giá cả còn bộc lộ sự "thỏa hiệp" giữa cơ quan quản lý với DN kinh doanh độc quyền xăng dầu. Kết quả là giá bán lẻ trong nước vẫn theo kiểu tăng nhanh mà giảm chậm.

TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế: “Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ sự minh bạch về thông tin”
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ sự minh bạch về thông tin. Diễn biến của thị trường thế giới chỉ cần vào mạng là có thể tra cứu thông tin. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi lần tăng hay giảm giá, DN phải giải trình được lý do một cách thuyết phục và minh bạch được chuyện lỗ lãi và thể hiện được bằng con số cụ thể. Tôi cho rằng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng: DN nào kinh doanh lỗ thì nên rút, kể cả Petrolimex. Bởi lẽ Nhà nước không đầu tư nhà xưởng, đất đai vốn cho DN để kinh doanh lỗ. Và cũng chính cơ chế quản lý không rõ ràng dẫn đến việc DN nói lỗ cũng được mà nói lãi cũng chẳng sai.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent