Quỹ xăng dầu: Còn bất cập, xóa hay để?
26/09/2011 8:26:00 SATin trong nước

Theo các chuyên gia, hiện tại Quỹ bình ổn xăng dầu đang được lập ra từ việc trích một phần tiền trong giá mua xăng dầu của các khách hàng, cách này đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi.

Dân thiệt nhiều hơn lợi...

Hiện tại, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines ... áp dụng. Còn tại Việt Nam, mặc dù việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu mới được sử dụng trong 2 năm trở lại đây, nhưng nó đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm với nhấp định.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu trong thời gian qua không có Quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước sẽ phải điều chỉnh liên tục và với mức độ dày đặc hơn.

Mặc dù Quỹ bình ổn đã bộc lộ được nhiều ưu thế cần thiết và quan trọng như vậy, nhưng theo quan điểm của một số chuyên, hiện tại Quỹ này vẫn đang còn rất nhiều điểm bất cấp, và tạo nên những “méo mó” cho thị trường.

Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập. Bởi vì hiện nay, quỹ này được hình thành từ trích một phần tiền từ trong giá mua xăng dầu của các khách hàng, nên đã khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi.

Một điều quan trọng nữa được ông Phong nêu ra, việc trích lập và chi dùng Quỹ bình ổn hiện nay có thể tạo ra nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ.

Trong khi đó, chia sẻ tại Hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, thời gian giữ giá xăng dầu hồi tháng 4 và 5 vừa qua quỹ bình ổn của công ty bị âm trầm trọng, đơn vị nào càng bán nhiều thì mức âm quỹ càng lớn. “Đây là một nghịch lý, bởi vì tất cả những gì chúng tôi tích luỹ từ khách hàng của chúng tôi bây giờ lại phải trang trải cho thị trường những đầu mối khác không bán”, ông Bảo chia sẻ.

Theo ông Bảo, trong thời gian bình ổn giá hồi đầu năm, đã có khá nhiều doanh nghiệp ngưng cung cấp xăng dầu ra thị trường do lỗ nặng, vì vậy để ổn định thị trường Tổng công ty đã phải liên tục phải đảm bảo nguồn cung. Đặc biệt, có những thị trường mà trước đây Petrolimex chỉ có 5- 6% thị trường ở cơ sở mà thời điểm đó lại phủ kín thị trường như Tây Nguyên… rõ ràng việc chi bình ổn giá ở thời điểm đấy là rất lớn.

“Ở thời điểm đấy, Tổng công ty phải sử dụng Quỹ bình ổn của những ông khách hàng ruột thịt của mình, để chi cho cái ông khách hàng ở đâu đó, do đáng ra người ta mua ở chỗ khác nhưng không có nên họ lại đến các cột của Petrolimex”, ông Bảo nói.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Quỹ bình ổn giá hiện nay đang ngược chiều, bởi vì khi điều kiện thuận lợi doanh nghiệp cũng tranh bán ra và những công ty nhỏ thì bán được rất nhiều gây nên nhiều quỹ.

... Vậy bỏ hay giữ?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Quỹ ổn xăng dầu trong thời gian vừa qua đã phát huy được nhưng tác dụng đáng ghi nhận. Là nguồn lực cần thiết cho các doanh nghiệp xăng dầu trong bối cảnh lạm phát cao. “Nếu từ năm 2010 đến nay mà không sử dụng Quỹ thì tần suất tăng giá xăng còn cao gấp nhiều lần”, ông Thỏa cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phong, cơ chế hoạt động hiện hành của Quỹ bình ổn đang mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp, với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới, làm "méo mó" giá cả thị trường mỗi khi quỹ vận hành.

“Vì vậy, để tạo minh bạch cho thị trường có thể đổi Quỹ bình ổn hiện nay thành Quỹ An ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, dù là chọn giải pháp lập Quỹ bình ổn giá hay Quỹ an ninh năng lượng quốc gia, thì cũng cần bãi bỏ ngay cơ chế quản lý quỹ như hiện nay vì cách điều hành này không phù hợp, vừa yếu lại vừa thiếu năng lực và trách nhiệm về pháp lý”, ông Phong đề xuất.

Trong khi đó, theo ông Bảo, cần xác định khi nào thì áp dụng bình ổn, bởi vì hiện tại Tổng công ty quan niệm chẳng có bình ổn gì cả, thời điểm này có cái cấp thiết gì đâu mà vẫn bình ổn.

Cách điều hành hiện nay đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng, nguyên nhân là vì khi giá lên cao thì chúng ta không lên, một thời gian sau bất ngờ nhảy một cái lên rất cao, rồi lại giữ một thời gian rất là dài. Đặc biệt, khi giá xuống thì lại chưa thể xuống được, bởi những tồn đọng của những giai đoạn bình ổn trước đó, ông Bảo chia sẻ.

“Nếu thị trường được vận hành theo đúng Nghị định 84 về quản lý xăng dầu thì cũng không cần quỹ bình ổn. Đồng thời Nghị định 84 này cũng không cần sửa đổi mà hãy cứ để cho nó vận hành” ông Bảo kiến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời điểm hiện tại Quỹ bình ổn xăng dầu là cần thiết, mặc dù thời gian qua việc sử dụng Quỹ có sự thiếu minh bạch.

Cũng theo Bộ trưởng Huệ, đã đến lúc cần có cơ chế khác cho Quỹ bình ổn. Để tránh tình trạng mập mờ trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu từ phía doanh nghiệp, Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý quỹ này. Tuy nhiên đã là quỹ thì phải có “két” và ai là người giữ? Ai là người cầm chìa khóa? Rồi quản lý thu chi nhập xuất như thế nào?

“Đặc biệt, khi có quỹ trong tay đủ mạnh thì các biện pháp bình ổn giá sẽ tốt hơn. Mọi thứ chúng ta nên ổn định. Bộ Tài chính sẽ làm hết sức mình để làm tốt công tác quản lý giá và điều hành”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent