Loay hoay điều hành giá xăng dầu
26/09/2011 8:17:00 SATin trong nước

Thời gian qua liên tiếp các cuộc “đăng đàn” giải trình về cơ chế điều hành xăng dầu đã diễn ra và ý kiến gần đây nhất của hầu hết các chuyên gia khi đánh giá về cơ chế điều hành xăng dầu trong thời gian tới đây: Chân thực, gần sự thật hơn và nhiều cảm xúc hơn.

Công thương “đá” trách nhiệm cho Tài chính

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất phát từ chức năng của 2 cơ quan khác nhau dẫn đến quan điểm điều hành khác nhau nên dưới giác độ nhìn nhận là chưa khớp.

Cụ thể, Bộ Tài chính nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ tài chính, tức là quản lý về giá cả, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…Trong khi với Bộ Công thương thì quản lý hệ thống cung cấp, phân phối, dự trữ xăng dầu, lỗ - lãi của doanh nghiệp mới là điều phải suy nghĩ.

“Tôi cũng phải nói thêm, từ trước đến nay hai Bộ vẫn phối hợp chặt chẽ trong vấn đề điều hành xăng dầu. Giá mà Bộ Tài chính đưa ra theo cách tính của cơ quan hải quan là giá hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp còn giá cơ sở, tức là giá xăng dầu trung bình 30 ngày của thế giới mới là giá để điều hành. Giá cả hay lỗ lãi của doanh nghiệp sẽ tác động đến đảm bảo nguồn cung, đảm bảo hệ thống phân phối, đảm bảo dự trữ.

Trước đây, Nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp, nhưng khi nghị định 84 có hiệu lực, cơ chế bù lỗ này đã không còn. Tôi xin nhấn mạnh nếu bù lỗ ở thời điểm hiện nay cho doanh nghiệp, kể cả lỗ do thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá của Nhà nước thì cũng không dễ dàng. ” - Ông Tú nhấn mạnh

Dưới góc độ doanh nghiệp, trong lần “đăng đàn” gần đây nhất, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã trần tình về con số lỗ/lãi từng mặt hàng tại thời điểm trước và sau đợt giảm giá ngày 26/8 với sự chênh lệch giữa giá vốn, giá cơ sở và giá hiện hành. Trước con số mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra, ông Bảo nhất mực khẳng định lãi mặt hàng xăng dầu cao nhất chỉ là 440 đồng/lít chứ không đến 780 đồng/lít.

Hơn nữa, với việc Bộ Công thương chính là cơ quan chủ quản của Petrolimex lại không nắm được số liệu để giải trình các khoản lỗ/lãi trên từng mặt hàng cụ thể hay đưa ra phương pháp tính giá xăng dầu “vênh” quá nhiều so với cách tính của Hải quan…đã cho thấy, đâu đó vẫn còn những “mảng tối” ở khâu khai báo.

Về vấn đề độc quyền của doanh nghiệp trên thị trường, ông Tú cho rằng thị phần chính là thước đo thể hiện có sự độc quyền hay không. Thực tế, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước nên họ phải chịu sự quản lý gắt gao của Nhà nước thông qua quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính.

Bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế, các doanh nghiệp này thường xuyên phải đảm nhiệm nhiệm vụ chính trị. Thực tế cho đến hôm nay, việc quyết định giá dù giảm hay tăng đều do Nhà nước quyết định. Trong bối cảnh như vậy, cũng dễ hiểu doanh nghiệp có thể độc quyền được hay không.

Nói như ông Tú thì trách nhiệm hoàn toàn là của Bộ Tài chính và việc doanh nghiệp lỗ/lãi hay có xảy ra tình trạng độc quyền đều là kết quả của cơ chế điều hành xăng dầu trong suốt thời gian qua mà Bộ Tài chính là cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện việc quản lý này.

Giá xăng đã “tù mù” ngay từ lời giải trình

Xăng dầu là lĩnh vực quan trọng, giá cả, quan trọng, gắn liền với đời sống kinh tế xã hội, thước đo năng lực hiệu quả quản lý của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, thời gian qua, Bộ Công thương đã có sự đảm bảo nguồn cung, đôn đốc hệ thống bán xăng dầu. Tuy vậy, vẫn còn đâu đó những hạn chế như chất lượng xăng dầu, vẫn còn phản ánh đong thừa thiếu…cùng với đó là những lời giải trình giá cả chưa thực sự minh bạch nhằm thỏa mãn được người dân cũng như Bộ Tài chính.

Cá nhân tôi kết luận cuộc họp ngày 20/9: Bộ Công thương vẫn chưa giải trình được là doanh nghiệp đang lỗ hay lãi. Vấn đề ở đây chính là sự minh bạch của thông tin. Giá xăng dầu đã “tù mù” ngay từ lời giải trình.

Thực tế, khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã bảo lưu việc mở cửa thị trường xăng dầu. Như vậy là trong suốt những năm qua, thị trường xăng dầu Việt Nam chưa hoàn toàn thể hiện đúng với cái tên “thị trường”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, Nghị định 84/2009/NĐ-CP ra đời chính là bước tiến mới trong việc tự do giá cả theo cơ chế giá thị trường. Chỉ tiếc rằng sau đó NĐ 84 không được thực hiện nghiêm túc.

Việc cở nút thắt lúc này là phải tiến tới một thị trường cạnh tranh thực sự, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, nơi mà doanh nghiệp được toàn quyền điều hành giá.

TS Phong cho rằng, khi có thị trường cạnh tranh thì con số lỗ/lãi này không còn quan trọng, doanh nghiệp kinh doanh sẽ tìm cách để có chi phí thấp nhất và lúc đó mới thực sự minh bạch và là thị trường đúng nghĩa.

Ông cũng đánh giá, việc chia sẻ thị phần xăng dầu trong bối cảnh hiện nay chỉ là một tư duy mang tính hình thức. 

Về bản chất, 11 hay là 3 doanh nghiệp thì vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, nên tính chất độc quyền vẫn còn cao - độc quyền ở đây là độc quyền Nhà nước chứ không phải là độc quyền của 1 hay 2 doanh nghiệp.

Làm thế nào để đa dạng hóa về mặt sở hữu, có sự tham gia của những thành phần khác, cả tư nhân trong nước và nước ngoài - đây mới là điểm mấu chốt chứ không phải là chia thị phần, quy định mỗi doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi bao nhiêu phần trăm như một số người suy nghĩ.

Cũng cần khẳng định, số liệu hải quan tính toán là trên những chi phí hợp lý theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải theo con số chi “linh động” của doanh nghiệp. Đến nay, kết quả qua các con số doanh nghiệp vừa công bố đã cho thấy cách nhìn đa chiều của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý, tránh được tình trạng cơ quan nhà nước bị chính doanh nghiệp “bịt mắt”.

Thiết nghĩ, xăng dầu sẽ dần được vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trong những thời điểm cấp bách, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với Nhà nước và người tiêu dùng.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent