Vẫn cần “bàn tay” Nhà nước
Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chúng ta chưa xác định rõ mục tiêu điều hành giá xăng dầu. Cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thời gian qua mang tính nửa vời và chẳng giống ai, không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì điều hành giá xăng dầu hiện nay trước hết phải nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm phát và có một phần bao cấp cho người tiêu dùng. Thực tế, chúng ta lại có phần nặng về mục tiêu cuối cùng. Trong khi chưa rõ mục tiêu thì chúng ta lại điều hành giá xăng dầu rối loạn và theo nhiều cách khác nhau.
Tổng giám đốc Petrolimex ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp luôn trong trạng thái lỗ trường kỳ. Tính tới tháng 8, Petrolimex lỗ 1.800 tỷ đồng, với việc điều hành như hiện nay thì có thể dự báo tháng 9 này sẽ tiếp tục lỗ khoảng 200 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Trình - Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng cho rằng, các khoản lỗ này không phải do doanh nghiệp tạo ra mà do cơ chế. Ông Trình đề xuất nên để giá xăng, dầu theo thị trường giống như một số mặt hàng khác. Vì khi giá theo thị trường có lên, có xuống người tiêu dùng sẽ cảm thấy sòng phẳng, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn. Trước đó với giá gas cũng có những thời điểm hết sức căng thẳng nhưng đến nay đã ổn hơn rất nhiều, đây cũng là một kinh nghiệm.
Quan điểm thả xăng dầu theo cơ chế thị trường hay tiếp tục điều hành dưới sự điều hành bằng “bàn tay” của Nhà nước cũng được nhiều chuyên gia đưa ra bàn luận. Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng dầu hiện nay chưa hoàn toàn được vận hành theo cơ chế thị trường, còn mang nhiều dấu ấn can thiệp của nhà nước bằng cả biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để giữ ổn định giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ khẳng định, chúng ta chưa thể bỏ hoàn toàn giá xăng dầu theo thị trường, thị trường là thị trường nào (thị trường cạnh tranh hay thị trường độc quyền). Thử hình dung nếu để tự do 3 công ty xăng dầu lớn chiếm 90% thị phần “đi đêm” với nhau, thị trường sẽ ra sao nếu ở một nơi nào đó, người ta không có quyền lựa chọn mua của người này và người khác. Muốn có thị trường phải cấu trúc thị trường, phải có thị trường cạnh tranh sòng phẳng, không thể theo thị trường một cách máy móc. Với điều kiện giá thế giới bất ổn thế này, làm sao có thể buông giá ngay được.
Không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói
Cũng tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng như phía Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo việc giảm giá trong bối cảnh các doanh nghiệp đang lỗ có thể gây đổ vỡ hệ thống phân phối. Về việc này Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, những phương án điều hành của Bộ Tài chính đều có tính toán. “Dù bất kỳ lý do gì, doanh nghiệp không được tự bỏ lưu thông, khó khăn nào Bộ Tài chính cũng vượt qua được và tôi cam đoan không bỏ doanh nghiệp”, ông Huệ khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2008, Nhà nước đã từng bù lỗ hơn 4.600 tỷ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ được tính tới nếu doanh nghiệp thực sự lỗ. Nhà nước chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở minh bạch, cái gì do khuyết điểm của doanh nghiệp, do quản trị yếu kém thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.
“Doanh nghiệp nào khó khăn hãy làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, còn muốn bỏ thị trường tôi cho nghỉ ngay. Nếu Petrolimex cũng muốn bỏ thị trường, chúng tôi sẽ lập ngay tổng công ty mới, không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước” - ông Huệ nói.
Hiện Bộ Tài chính đã có yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải báo cáo tình hình lỗ lãi đối với từng mặt hàng xăng, dầu và sắp đưa ra kết quả. Qua đó sẽ giúp việc điều hành giá xăng dầu một cách minh bạch hơn. Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.
Xăng dầu đang lỗ hay lãi?
Tại cuộc họp, một vấn đề được các bên đưa ra tranh luận là việc giảm giá xăng mới đây (ngày 26-8). Qua cuộc tranh luận này có thể thấy một phần bức tranh về chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu…
Ông Nguyễn Lộc An - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Đang lỗ lại giảm giá
Vừa rồi, giảm giá 500 đồng/lít xăng tôi không hiểu là Bộ Tài chính điều hành như thế nào? Trong khi các doanh nghiệp đang lỗ như thế lại cho giảm giá bán. Tôi cũng đã xem lại Pháp lệnh giá và không hiểu Bộ Tài chính căn cứ theo điều nào để đưa ra quyết định giảm? Sau quyết định này, một số số cây xăng ở miền Tây không bán nữa. Hiện nay tình hình xăng dầu cực kỳ khó khăn, khan hiếm, nếu điều hành theo hướng này thì từ giờ đến cuối năm sẽ có thể gây đổ vỡ hệ thống phân phối. Đang lỗ mà lại giảm giá thì không thể hiểu nổi.
Ông Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Petrolimex lãi 780 đồng/lít
Nhà nước có quyền can thiệp vào giá thị trường này, do đó chúng tôi không làm trái luật. Xin thưa đồng chí Vụ phó Vụ Thị trường - Bộ Công Thương, đồng chí đi học nhiều nhưng cũng nên hiểu thực tiễn một chút. Tại sao khi tôi về công tác ở Bộ, trước rất nhiều sức ép mà tôi không quyết định giảm giá. Phải sau gần 20 ngày chúng tôi mới đưa ra quyết định giảm giá. Chúng tôi căn cứ vào rất nhiều dữ liệu mới đưa ra quyết định này. Quyết định này hoàn toàn đúng đắn và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân mặc dù quyết định này được thông qua bởi tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính. Tại thời điểm đó theo những số liệu cập nhật của Hải quan Việt Nam, số liệu thực tế và tính toán trên cơ sở đó tôi xin công bố riêng Petrolimex ngoài khoản 300 đồng lãi định mức còn có lãi 780 đồng/lít. Tôi cũng hỏi ý kiến của anh Bảo (Petrolimex) có giảm được không, anh Bảo nói là giảm được.
|