‘Xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất’
20/09/2011 3:55:00 CHTin trong nước

“Thực tế xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng, nhưng do cơ chế điều hành hiện nay khiến dư luận hiểu nhầm”.

"Thực tế xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng..", Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói. Ảnh: Tuổi trẻ

Giá xăng dầu hiện nay chưa hoàn toàn được vận hành theo cơ chế thị trường, còn mang nhiều dấu ấn can thiệp của nhà nước bằng cả biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để giữ ổn định giá.

Quan điểm trên được Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đưa ra tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hiện nay” do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (20/9).

Kinh doanh xăng dầu: “trong thối ngoài thơm”

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, các chuyên gia đưa ra khi nói về công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Trong khi các chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng, cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay không rõ ràng, thiếu minh bạch, đặc biệt là việc kiểm soát giá cả của các doanh nghiệp đầu mối... thì đại diện các ông lớn trong kinh doanh xăng dầu lại đồng loạt khẳng định: xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng.

Theo TS Nguyễn Thị Lan (Học Viện tài chính), gần đây dư luận tỏ ra bất bình trước chuyện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục kêu lỗ, nhưng trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho việc IPO lại thông báo lãi trên 913 tỷ đồng năm 2008, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng...

Như vậy, cùng với sự thiếu tường minh trong cơ cấu giá xăng dầu cộng với những cơ chế điều hành giật cục của cơ quan quản lý đã khiến cho dư luận nghi ngờ hoạt động xăng dầu thiếu minh bạch.

Thực tế đó còn dẫn đến việc, dù giá lên  hay xuống thì doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng thì luôn chịu cảnh “trên đe dưới búa”, ngân sách nhà nước thì thất thu và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng lợi lộc độc quyền xăng dầu đều rơi vào túi các đại lý?

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hiện chiếm khoảng 25%, Saigon Petro chiếm 8%, Petrolimex 55% thị phần, trong đó có đến 30% là Petrolimex bán cho các doanh nghiệp, khoảng 25% còn lại tự bán thông qua hệ thống đại lý lại càng làm cho việc kinh doanh xăng dầu được cho là luôn gắn với đặc quyền, đặc lợi.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, xăng dầu là hàng hóa thuộc danh mục nhà nước quản lý giá nên việc định giá là rất quan trọng. Tuy nhiên,  do hiện nay cơ chế điều hành của chúng ta lại đang phải đáp ứng một lúc nhiều mục tiêu nên dẫn tới những kết quả và cách hiểu khác nhau. Chính vì thế, đây cũng là lần đầu tiên, đích thân Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài chính phải đồng chủ trì một cuộc hội thảo để lấy ý kiến từ nhiều phía.

Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, thực ra hiện nay dư luận đang bị tác động từ một số cơ quan báo chí nên cho rằng, điều hành giá xăng dầu thiếu khách quan, minh bạch. Thực tế thì không có gì là bí mật trong điều hành giá xăng dầu hiện nay.

“Ai cũng kêu là giá xăng tăng thì nhanh, giảm thì chậm, tăng nhiều giảm ít...” nhưng không ai hiểu cho là nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ giá thế giới, từ việc hàng tồn kho và các việc trích lập chi phí, quỹ bình ổn...”, ông Thỏa nói.

Lý giải những bất cập hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, sở dĩ để dư luận, người tiêu dùng hiểu nhầm là do chúng ta chưa xác định rõ mục tiêu điều hành giá xăng dầu, trong bối cảnh các mục tiêu này vừa khác nhau, thậm chí lại mâu thuẫn nhau.

Theo chỉ đạo của Chính phủ thì điều hành giá xăng dầu hiện nay trước hết phải nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm phát và có một phần bao cấp cho người tiêu dùng. Thực tế, chúng ta lại có phần năng về mục tiêu cuối cùng.

Cũng theo Thứ trưởng Tú, trong khi chưa rõ mục tiêu thì chúng ta lại điều hành giá xăng dầu (theo phản ánh của các chuyên gia) là rối loạn và theo nhiều cách khác nhau. Có khi thì điều hành theo kiểu “bịt mắt bắt dê”, tức là không biết mục tiêu là như thế nào. Có lúc lại điều hành theo kiểu “sống chết mặc bay, thích thì làm, nói rồi lờ đi....”.

Tuy nhiên, theo ông Tú, có một thực tế là chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo kiểu “thích dùng tay chân hơn dùng đầu”. Tức là thích dùng biện pháp hành chính hơn là biện pháp thị trường, kinh tế.

 Chính vì thế, thực tế của việc kinh doanh xăng dầu hiện nay, theo ông Tú là “trong thối ngoài thơm”, tức là doanh nghiệp ở ngoài thì cho rằng xăng dầu là siêu lợi nhuân, nhưng thực tế thì các doanh nghiệp đầu mối hiện nay đang sống dở chết dở với xăng dầu.

Không những thế, không ít người cho rằng do kinh doanh xăng dầu là lãi lớn nên nhà điều hành cũng được hưởng lợi, nên thích gì thì làm và mặt hàng xăng dầu luôn được xem là hàng hóa bí mật.

“Xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất”

Đại diện cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo bức xúc, nhà quản lý, người dân hiện nay cứ yêu cầu chúng tôi nói rõ xăng lỗ hay lãi, dầu lỗ hay lãi nhưng thực tế thì chúng tôi “gộp” vào là một hết, chỉ tính là trích chi phí cho các mặt hàng cụ thể là bao nhiêu, rồi tính tổng kết quả doanh thu, lợi nhuận.

Chính vì vậy, dù chúng ta có đến 3 nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu nhưng kết quả thì không có gì mới.
 
“Giá vàng, giá gạo, giá sữa... hiện nay không ai nắm được giá gốc là bao nhiêu thì không thấy dân kêu, trong khi giá xăng thì được cập nhật công khai liên tục thì lại cho rằng chúng tôi không minh bạch. Thực tế xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng, nhưng do cơ chế điều hành hiện nay khiến dư luận hiểu nhầm. Nếu cứ thực hiện như hiện nay, nguy cơ Nghị định 84 rồi cũng sẽ đổ vỡ, phá sản”, ông Bảo nói.

Bổ sung quan điểm này, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội Vương Đình Dung cho hay, do chúng ta sai lầm trong xác định mục tiêu, đó là nhà nước vừa muốn bình ổn giá, vừa muốn theo cơ chế thị trường nên rốt cục là không đạt được điều gì.

“Thủ tướng chỉ đạo chúng tôi là phải chiến đấu đến cùng, cung cấp đủ hàng cho thị trường nhưng chết thì không ai thương, không cơ quan nào đứng ra giải quyết. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nhà nước chỉ cần đưa ra một mức trần về giá, còn trong giới hạn đó, doanh nghiệp sẽ được tự quyết”, ông Dung nói.
 
Có một ý kiến khá thú vị được các doanh nghiệp xăng dầu đưa ra, đó là không cần tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi lẽ theo họ, quỹ bình ổn này dù được trích trong giá xăng dầu nhưng nó chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong điều kiện không nhiều biến động. Còn khi thị trường khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ không có trách nhiệm bình ổn, cung cấp hàng cho thị trường họ nghỉ bán, còn các doanh nghiệp lớn càng bán càng phải chi ra nhiều nên quỹ càng âm.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, dù kinh doanh theo phương thức nào, hạch toán thế nào thì các doanh nghiệp vẫn phải báo cáo được mặt hàng xăng đang lỗ hay lãi, dầu đang lỗ hay lãi. Bộ trưởng không chấp nhận cách giải thích của lãnh đạo Petrolimex.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent