Giá xăng dầu: Bất ổn quyền quyết định
25/08/2011 8:17:00 SATin trong nước

Sau thông cáo báo chí chính thức của Bộ Tài chính ngày 15/8, kèm theo bảng tính toán giá cơ sở xăng dầu được công bố, dư luận vẫn không hết băn khoăn về giá xăng.

Điều này cho thấy, phương thức điều hành giá xăng dầu hiện nay đang bất ổn.
 
Giá cơ sở chỉ là công cụ giám sát
 
Từ khi Nghị định 84/CP có hiệu lực (15/12/2009), trong mọi thông báo tăng, giảm giá xăng dầu được công bố, khái niệm “giá cơ sở” luôn được đưa ra như một căn cứ quan trọng nhất cho quyết định điều chỉnh. Chẳng hạn, trong thông báo mới nhất của Bộ Tài chính, ngày 15/8 có đoạn: “Như vậy, giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành từ 342 đồng/lít,kg đến 530 đồng/lít,kg; Bên cạnh đó, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp ở mức thấp (từ 0 – 5%). Do đó, tại thời điểm này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định chưa điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước”.
 

Quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu đang có nhiều bất cập. Ảnh: Chí Cường

Tuy nhiên, có một điểm mà thông cáo đã không chỉ ra! Đó là sự cao, thấp của giá cơ sở lại không phản ánh lỗ lãi thực tế của doanh nghiệp. Giá cơ sở được tính dựa trên giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân gia quyền của 30 ngày (theo lịch) tính đến thời điểm chốt số liệu. Trong 30 ngày đó, giá có lên, có xuống. Doanh nghiệp có thể nhập vào thời điểm giá cao trong 30 ngày nhưng cũng có thể nhập vào những thời điểm giá thế giới thấp hơn nhiều so với giá cơ sở trung bình. Nên sẽ xảy ra trường hợp, giá cơ sở cao hơn nhiều giá bán hiện hành nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn lãi lớn. Vì thế, giá cơ sở chỉ là công cụ giám sát chứ không thể là căn cứ để quyết định tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu. Chỉ có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu mới nắm rõ được lỗ lãi thực của giá xăng dầu, nên cũng chỉ có doanh nghiệp mới có thể có những quyết định chính xác về giá xăng dầu. Cơ quan quản lý không thể căn cứ vào giá cơ sở để đưa ra các quyết định tăng giảm như hiện nay được!

Cũng trong Nghị định 84/CP, vai trò của Nhà nước, thể hiện trong việc can thiệp khi có những biến động lớn về giá. Cụ thể như khi tăng giá trên 7% và giảm giá trên 12%. Tức là nếu tăng giá bán lẻ dưới 7% thì doanh nghiệp được tự quyết định, tăng trên 7% thì doanh nghiệp phải chờ sự phê duyệt của cơ quan quản lý. Tương tự, doanh nghiệp có thể giảm đến 12% giá bán lẻ nhưng từ 12% trở lên thì doanh nghiệp mới phải xin phép cơ quan giám sát để điều chỉnh các khoản thuế, phí, trước khi giảm. Đây là quy định hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp xăng dầu đều là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, mặt hàng có tác động mạnh đến sự ổn định kinh tế xã hội. Trong các trường hợp này, giá cơ sở có thể là một căn cứ quan trọng để cơ quan quản lý ra quyết định chứ không phải “mọi lúc, mọi nơi” như hiện tại!  

Doanh nghiệp sợ được trao quyền?

Trong các quyết định không giảm giá xăng dầu ngày 10/6, 11/7 và 15/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương luôn nhắc đến việc thuế xăng đang giảm ở mức 0-5% như một căn cứ cho việc Liên Bộ phải giữ quyền quyết định giá xăng dầu. Nhưng có lẽ có sự nhầm lẫn ở đây! Tăng giảm giá hàng hóa là việc của doanh nghiệp. Áp thuế, phí là việc của cơ quan quản lý. Đây là hai việc hoàn toàn độc lập.

Khi doanh nghiệp xăng dầu được tự quyền định giá xăng dầu thì đồng thời họ sẽ phải có trách nhiệm với người dân, Chính phủ trước việc lỗ lãi của giá xăng dầu. Doanh nghiệp sẽ phải trả lời những câu hỏi của dư luận trước việc giá xăng dầu thế giới có tăng, có giảm, sao giá xăng trong nước chỉ một chiều tăng? Doanh nghiệp sẽ khó thoái thác hay “đùn đẩy” cho cơ quan quản lý về chất vấn giá xăng như hiện nay.

Hiện nay nước ta đang có 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Dù Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với trên 50% thị phần nhưng cơ cấu này có thể phân định lại để tránh lợi thế “kìm giá” có thể xảy ra. Không khó cơ cấu lại để tạo sự cạnh tranh có lợi cho người dân, vì cả 11 doanh nghiệp này vẫn đang chịu sự quản lý với phần vốn chủ yếu của Nhà nước. Quyền trong tay Nhà nước!

Mở rộng so sánh một chút để rõ hơn điều này. Năm 2004, hai thương hiệu Vinaphone và Mobifone đều của VNPT chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường viễn thông với mức giá cước 3.000 đồng/phút di động. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó chỉ là 542 USD/người/năm. Thế nhưng, sau khi Viettel tham gia vào thị trường thì một sự cạnh tranh sòng phẳng hơn mới bắt đầu. Giá cước di động đã liên tục giảm trong 7 năm qua, đến nay giá cước di động mỗi phút cho thuê bao trả trước của mạng Viettel chỉ là 1.190 đồng nội mạng và 1.390 đồng/phút ngoại mạng. Giảm gần 3 lần so với 7 năm trước, chưa kể mức giảm tương đối khi so sánh với yếu tố lạm phát và thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên hơn 1.160 USD/người/năm. Giá cước thực tế còn thấp hơn nữa do các chương trình giảm giá, khuyến mại thường xuyên của các nhà mạng.

Đương nhiên không thể kỳ vọng một tình trạng tương tự với xăng dầu. Tuy nhiên, một sự cạnh tranh lành mạnh, ít nhất là giữa các nhà nhập khẩu là điều có thể kỳ vọng. Khi để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm với các quyết định tăng, giảm giá của mình thay vì đùn đẩy cho cơ quan quản lý như hiện nay. Nhà nước thể hiện vai trò giám sát, quản lý của mình trong các doanh nghiệp bằng việc kiểm toán, thanh tra độc lập. Điều này thực ra đã được thể hiện đầy đủ trong Nghị định 84/CP. Vấn đề bây giờ chỉ là thực thi Nghị định như thế nào?

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent