Đối tượng chịu thuế, mức thuế và căn cứ tính thuế vẫn là những nội dung được tập trung thảo luận sôi nổi.
Tại dự luật, 5 nhóm hàng hóa được Chính phủ đưa vào diện chịu thuế môi trường bao gồm: xăng dầu, than, môi chất làm lạnh chứa dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Trong số nhiều hàng hóa khác được đề nghị bổ sung vào diện chịu thuế thì thuốc lá được đặc biệt nhấn mạnh.
Đại biểu Thái Thị An Chung dành toàn bộ thời gian 7 phút phát biểu của mình để chứng minh sự cần thiết phải bổ sung thuốc lá và các sản phẩm của thuốc lá vào diện chịu thuế để bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Bởi đây là chất gây ung thư bậc nhất, có nhiều chất độc hại nhất, trong khi trên 50% nam giới ở Việt Nam hút thuốc nên những người bị ảnh hưởng khói thuốc thụ động là rất cao. Nhưng giá bán thấp, thanh niên và người nghèo dễ tiếp cận.
Còn đại biểu Lê Dũng cho rằng “thế giới không ai thu thuế bảo vệ môi trường với thuốc lá ta cũng thu, càng sớm càng tốt”.
Biên độ khung thuế, mức thuế và căn cứ tính thuế cũng là vấn đế khiến nhiều đại biểu băn khoăn, nhất là mức thuế với xăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít là quá cao.
Tuy nhiên, theo phân tích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Cao Ngọc Xuyên thì mức thuế này bằng mức phí phí bảo vệ môi trường hiện hành và khi thu thuế sẽ không thu phí nên không làm tặng giá xăng như nhiều đại biểu lo ngại. Mức trần sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo nên không có sự tùy tiện, vì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, đại biểu Xuyên giải thích.
Cũng theo vị đại biểu này thì đối tượng chịu thuế cũng chưa cần mở rộng vì cần tính đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, “Việt Nam không cần phải đi tiên phong trong việc đánh thuế bảo vệ môi trường”.
Ông Xuyên cũng đồng ý áp dụng thuế suất tuyệt đối, vì đơn giản, minh bạch, ổn định mức đóng góp vào ngân sách, tránh thu thuế trùng lên thuế.
Tuy nhiên, một số ý kiến tiếp sau đại biểu Xuyên vẫn đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế, hạ mức thuế xăng và không nên tính thuế tuyệt đối mà nên tính thuế theo phần trăm.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng thì không phải lúc nào đánh thuế vào người sử dụng cũng hợp lý. Vì có những người nghèo đi nhặt rác thải là may mắn cho môi trường, trong khi các doanh nghiệp xử lý rác thải vẫn theo kiểu chôn xuống, mà không học theo công nghệ mới thân thiện với môi trường mới đáng phải xử lý.
"Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, có thể xử lý được 90% rác thải thành những sản phẩm có ích, như phân bón sạch. Nếu theo công nghệ này thì càng nhiều túi nylon, hộp xốp càng tốt’, ông Dũng nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu đưa thêm các đối tượng chịu thuế cụ thể vào luật, đồng thời đề nghị có "khoản quét", để khi cần bổ sung các đối tượng chịu thuế khác thì Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quyến hội quyết định, để "đảm bảo tuổi thọ của luật".