Điều hành giá xăng dầu trong nước: Quyết giữ quyền tăng, giảm giá xăng dầu
16/08/2011 8:07:00 SATin trong nước

Theo Nghị định 84, quyền quyết định tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu phải thuộc về các thương nhân đầu mối, liên Bộ Tài chính - Công Thương chỉ giữ vai trò giám sát và can thiệp khi có những biến động lớn về giá.

Tuy nhiên, với thông báo phát đi ngày 12/8, liên Bộ dường như vẫn muốn thay các thương nhân đầu mối nhận "quyền và trách nhiệm" này.

Có vượt thẩm quyền?

Trong thông báo về việc chưa điều chỉnh giá xăng dầu phát trên trang web Bộ Tài chính ngày 12/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương lại một lần nữa khẳng định sẽ: "Kiên trì thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cụ thể: nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý (đối với xăng, ma dút) và thực hiện giảm giá bán (khi có điều kiện)".
 
Giá xăng dầu luôn được người dân quan tâm. Ảnh: Chí Cường

Việc nhắc lại nguyên tắc này cho thấy, dường như liên Bộ vẫn quyết giữ quyền quyết định tăng, giảm giá xăng dầu (!?). Cần phải nhắc lại rằng, Điều 27 Nghị định 84/2009 của Chính phủ quy định rõ: "Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự quy định tại điều này". Nguyên tắc đó là, nếu các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu giá cơ sở giảm trên 12%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá...), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá. Với trường hợp tăng giá, quy định ngặt nghèo hơn. Thương nhân chỉ được quyền tăng giá bán lẻ trong phạm vi 7%; tăng  trên 7% thì phải trích Quỹ Bình ổn và theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng tại Điều 27: "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật". Chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền thay đổi các quy định về điều chỉnh tăng, giảm giá quy định tại khoản 2, 3 của điều 27 ở trên. Mục đ, khoản 1, điều 27 nêu rõ thẩm quyền này: "Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định nêu tại khoản 2, khoản 3 điều này".

Sao không công bố giá cơ sở hàng ngày?

Ngày 11/8/2011, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc và yêu cầu Cục quản lý giá: "Đối với các mặt hàng Nhà nước đang quản lý giá phải được kiểm soát chặt chẽ, các yếu tố hình thành giá phải được tính toán đầy đủ, công khai, minh bạch và công khai thông tin rộng rãi cho người dân được biết".

Theo thông báo phát đi ngày 12/8 của Bộ Tài chính, tính bình quân giá xăng dầu thế giới của 30 ngày gần đây (từ ngày 12/7 - 10/8),  giá xăng RON 92: 122,45 USD/thùng; diesel 0,05S: 129,80 USD/thùng; dầu hoả: 129,25 USD/thùng; ma dút: 671,50 USD/tấn. Với mức giá này, giá cơ sở của mỗi mặt hàng xăng dầu tại thời điểm tính toán đang cao hơn giá bán hiện hành từ 342- 530 đồng/lít. Mặt khác, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp ở mức thấp, từ 0 - 5%. Do đó tại thời điểm này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định chưa điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.

Bản thông báo cũng nhắc lại một quy định quan trọng của Nghị định 84 về số ngày dự trữ lưu thông. Theo đó, giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước được tính toán trên giá xăng dầu thế giới  theo số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày). Chi tiết "số ngày dự trữ lưu thông" được nhấn mạnh để lý giải tại sao, có những thời điểm giá xăng dầu thế giới xuống rất thấp nhưng giá trong nước lại không thể giảm. Tuy nhiên, chi tiết này cũng cho thấy việc chọn khởi điểm tính toán có ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá cơ sở. Ngay trong "bảng tính giá" đính kèm bản thông báo đưa ra một chi tiết đáng chú ý là, bình quân 30 ngày (từ ngày 10/6 - 11/7) giá xăng RON92 chỉ ở mức 118,76 USD/thùng. Vậy giá cơ sở của xăng RON92 ở thời điểm ngày 11/7 như thế nào? Liệu đã đủ điều kiện để giảm?

Cơ quan điều hành giá xăng dầu sẽ không phải trả lời những câu hỏi như vậy nếu họ công bố chính thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu hàng ngày như cách Bộ Tài chính đã làm với bản thông báo ngày 12/8.  Tức là hàng ngày, Bộ sẽ công bố giá cơ sở xăng dầu trong ngày hôm đó hoặc trước đó để người dân tự theo dõi và so sánh với mức giá hiện hành. Yêu cầu về số ngày dự trữ lưu thông không phải là một cản trở cho việc tính toán giá cơ sở. Giá cơ sở có thể tính cho từng ngày theo nguyên tắc giá thế giới, để tính toán được lấy bằng mức giá bình quân của 30 ngày liền trước thời điểm tính toán. Việc làm này cũng phù hợp với yêu cầu mới đây của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với Cục quản lý giá.

Với Nghị định 84, giá cơ sở là căn cứ quan trọng để cơ quan quản lý giám sát việc doanh nghiệp tăng, giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước, nên việc công bố trên website chính thức của Bộ mức giá này hoàn toàn là yêu cầu chính đáng. Đầu năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã làm việc này, thường xuyên công bố giá cơ sở theo ngày. Nhưng từ ngày 29/3, không hiểu vì lý do gì bản tin trên không còn xuất hiện tại website của Petrolimex?

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent