Vì sao vàng loạn giá còn xăng dầu lại trơ ì đứng giá cao?
15/08/2011 9:16:00 SATin trong nước

Trong khi giá dầu thế giới liên tục sụt giảm vì lo ngại kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ suy thoái thì giá xăng dầu trong nước nhất quyết không thay đổi, vẫn duy trì ở mức rất cao trong suốt 5 tháng qua. Trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Tài chính vương Đình Huệ với Cục Quản lý giá mới đây, việc giảm giá xăng dầu khi giá dầu thế giới liên tục sụt giảm đã không được nhắc tới. Và hôm qua, 12/8, Bộ Tài chính khẳng định: Chưa giảm giá xăng dầu...

Việc chưa giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới trên đà giảm giá có lẽ đã khiến nhiều người thất vọng. Tuy nhiên, xăng đầu là một mặt hàng thiết yếu, sự lên xuống của nó ngay lập tức có thể ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế nên việc ổn định giá xăng dầu trong nước là vô cùng quan trọng.

Xăng dầu ổn định, vàng tại sao không?

Nói đến sự quan trọng của ổn định giá dầu vì đó là mặt hàng thiết yếu không có nghĩa việc làm sao để ổn định giá vàng, chống đầu cơ thổi giá với mặt hàng này là không quan trọng. Bởi vàng được nhiều người coi như một tài sản dùng để tích lũy thay tiền. Với nhiều người, vàng lại là một danh mục đầu tư nhằm sinh lời và bảo toàn vốn tốt nhất. Vì thế, khi lạm phát trong nước có dấu hiệu tăng cao, kinh tế trong nước và thế giới có dấu hiệu khủng hoảng thì vàng luôn là một lựa chọn đầu tiên được nhiều người quan tâm. Có vai trò quan trọng như thế nên nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc ổn định giá vàng cũng quan trọng không kém việc ổn định nền kinh tế. 

Vàng khiến vàng trong nước bị đầu cơ, thổi giá có phải vì quản lý thị trường vàng khó hơn quản lý thị trường xăng dầu? (ảnh Vnexpress).

Thế nhưng, nếu so sánh sự ổn định của giá xăng dầu trong nước với sự phập phù, thiếu ổn định của thị trường vàng thời gian gần đây, người ta không khỏi hoang mang.

Mà không hoang mang sao được khi mà thị trường vàng trong nước thời gian qua hoàn toàn bị giới đầu cơ thao túng, làm giá. Và, trong cơn sốt của vàng, đã có hàng nghìn nhà đầu tư, trong đó có nhiều người dân đã dồn hết số tiền tích lũy nhiều năm của gia đình đầu tư mua vàng đã chịu thiệt hại nặng nề.

Trong các ngày giá vàng trong nước có tốc độ tăng giá khủng khiếp từ ngày 3-9/8, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Thậm chí, vào lúc đỉnh điểm, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng càng cao, người mua vào càng nhiều, trong khi giới đầu cơ tiếp tục muốn đẩy giá vàng lên cao nữa bằng việc tạo ra sự khan hiếm hàng trên thị trường. Chỉ đến lúc này, Ngân hàng Nhà nước mới có động thái bình ổn thị trường vàng bằng việc cho nhập khẩu vàng.

Quản lý xăng dầu dễ hơn quản lý vàng?

Việc cho nhập vàng để bình ổn thị trường sẽ không có gì đáng phải bàn cãi, nếu trước đấy không có hiện tượng, nhiều doanh nghiệp thoải mái thu gom vàng khi vàng trong nước đang rẻ hơn vàng thế giới để xuất khẩu kiếm lời.

Khoan bàn đến việc chúng ta phải nhập vàng trong lúc đắt và bán vàng trong lúc rẻ gây thiệt hại cho nền kinh tế và thiệt hại cả cho người dân như thế nào mỗi khi giá vàng có biến động. Vấn đề ở đây là cho đến thời điểm hiện tại, khi vàng trong nước và vàng thế giới đã trải qua bao cuộc bể dâu, nhưng đơn vị quản lý thị trường vàng, mà cụ thể ở đây là Ngân Hàng Nhà nước dường như chưa có một chiến lược hay một kế hoạch cụ thể nào dài hạn.

Bởi, khi thị trường vàng trầm lắng và xuống giá, các doanh nghiệp vàng gom vàng và xuất khẩu kiếm lời thoải mái mà không gặp mấy khó khăn về cơ chế hay những quy định khắt khe của cơ quan chức năng. Đến khi vàng tăng giá, nhu cầu về vàng cao thì thị trường lại khan hiếm và thị trường lại bị chính các doanh nghiệp vàng làm giá. Vì thế, động thái như cho nhập khẩu vàng một cách hạn chế khi thị trường vàng quá nóng cũng chỉ là một hành động tình thế.

Nhưng hành động tình thế này cũng không mấy hiệu quả. Bởi, bản chất doanh nghiệp kinh doanh là nhằm thu về lợi nhuận. Vì thế, khi vàng trong nước đã cao hơn thế giới quá nhiều, dù được cấp quata nhập vàng, các doanh nghiệp này cũng không mặn mà mua vàng nữa.

Chính vì thế mới có chuyện phải khó khăn lắm Ngân hàng Nhà nước mới cấp quata nhập khẩu 5 tấn vàng, nhiều doanh nghiệp khi ấy giơ tay xin cơ chế. Vậy nhưng, khi giá vàng trong nước chững lại, không tiếp tục tăng, nhiều doanh nghiệp chần chừ không muốn nhập vàng nữa. Vì nhập vàng thời điểm này thì làm gì có lãi. Vì thế mới có chuyện quata cho nhập 5 tấn vàng, nhưng đến nay chỉ có 1 tấn vàng về nước theo đúng kỳ hạn.

Nhưng có một thực tế doanh nghiệp đã thuộc như lòng bàn tay rằng: Một khi giá vàng trong nước quá nóng, Ngân Hàng nhà nước chắc chắn sẽ lại cấp quata nhập vàng. Một vòng tròn vàng mà chỉ có doanh nghiệp vàng và các nhà đầu cơ là thu siêu lợi nhuận trong khi hàng nghìn người dân và nền kinh tế chịu thiệt hại.

Một câu hỏi được đặt ra là: Bao giờ quản lý thị trường vàng nước ta mới  được bằng như quản lý ngành xăng dầu?

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent