Thu phí bảo trì đường bộ: Hai phương án để giảm bớt sự bất công
06/08/2011 10:19:00 SATin trong nước

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Quyền tin tưởng phương án thu phí lần này sẽ được Chính phủ thông qua bởi đã đảm bảo công bằng hơn, cách thu dễ dàng và ít thất thu.

Thu phí xe ôtô tại trạm thu phí cầu Bình Triệu. Ảnh: Phan Quang

Ông Quyền nói: phương án tổng cục đề xuất là thu qua hai cách: thu trên đầu phương tiện ôtô và qua thuế nhập khẩu xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu. Cách thu qua đầu phương tiện với ôtô sẽ chia theo nhóm phương tiện: xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế: 180.000 đồng/tháng; xe 2 – 4 tấn, 12 – 30 ghế: 270.000 đồng/tháng; 4 – 10 tấn, xe khách 31 ghế trở lại: 1.440.000 đồng/tháng… xe gắn máy 80.000 đồng/năm. Thu qua đầu phương tiện thực hiện bằng cách cơ quan thuế phát hành hoá đơn thu, trung tâm đăng kiểm cơ giới địa phương thực hiện thu phí; chủ hoặc lái xe mua theo tháng, quý, năm đến kỳ kiểm định sẽ kiểm tra thực hiện, lái xe xuất trình hoá đơn. Số thu được cơ quan thu sẽ được hưởng theo tỷ lệ của bộ Tài chính, còn lại nộp vào quỹ trung ương. Thu qua thuế xăng dầu nhập khẩu: vẫn theo quy trình hiện nay, tức cơ quan nhập khẩu xăng dầu kê khai và nộp vào ngân sách.

Nếu thế thì ôtô sẽ chịu bốn lần phí: phí xăng dầu, phí theo đầu xe, phí qua trạm và phí xăng dầu trước nay vẫn chịu, như vậy là phí chồng phí? Và xe máy cũng bị thu hai lần, thưa ông?

Nếu thu thế này thì ôtô chịu ba phí: qua đầu xe theo tháng, thuế xăng dầu và trạm BOT nếu đi vào. Còn phí xăng dầu hiện đang thu vào ngân sách, Chính phủ nói đầu năm 2012 sẽ bỏ phí xăng dầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng số phí nộp mới quan trọng, vì thu hai hay một hình thức mà mức phí phải chịu như nhau thì không có gì thay đổi. Ta đặt vấn đề chỉ thu qua xăng dầu thì mức thu qua xăng dầu sẽ tăng lên, các đối tượng không sử dụng xăng dầu vào mục đích giao thông càng gây áp lực, hoàn trả thế nào càng gay gắt, càng khó. Nên bàn phân chia hai hình thức, khi đó mỗi mức sẽ giảm xuống.

Còn chỉ thu qua đầu phương tiện thì phải thu cả ôtô, xe máy, tổng số thu nhích lên, hơn nữa 32 triệu chiếc xe máy thu rất khó, dễ gây thất thu lớn, chi phí tổ chức thu nhiều, khó thực hiện được. Vì thế đưa ra hai phương án để hài hoà, minh bạch kiểm soát được, tạo ra sự tương đối công bằng hợp lý.

Thu qua xăng dầu nhiều lần đề xuất, tại sao không được áp dụng?

Khó nhất là hoàn trả phí không sử dụng xăng dầu cho giao thông đường bộ. Trước năm 2004, có thực hiện nhưng vướng vì hoàn trả. Phải tạm dừng và chuyển qua trạm thu phí, nay chỉ là một trong những phương án. Thu qua xăng dầu toàn bộ ôtô, xe máy mức 1.000 đồng/lít (5% giá xăng); các phương tiện chạy dầu chỉ thu 300 đồng/lít, tức chỉ bằng 1,5% giá bán dầu. Nên các đối tượng thủy sản, máy cày, máy kéo ít bị ảnh hưởng hơn. Cho nên ta không dồn vào một mức thu như trước, sẽ giảm thiểu bất công cho các đối tượng hoàn trả phí xăng dầu nhưng không tham gia giao thông

Nhưng thuế xăng dầu có lúc bằng không, sao không ấn mức cụ thể là bao nhiêu phần trăm của giá xăng?

Thuế xăng dầu có lúc bằng không, có lúc có thu, nhưng nếu Nhà nước cho phép cơ cấu vào thuế xăng dầu thì như hiện nay mức thu là 0+1.000 đồng/lít xăng, 0+300 đồng/lít dầu.

Cách tính như thế sẽ đảm bảo ổn định và tính độc lập tương đối cho quỹ để cân đối cho chi bảo trì bảo dưỡng. Và khi số xe tăng lên thì sử dụng nhiên liệu cũng tăng lên tương ứng… Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì khi giá xăng dầu tăng giảm quỹ sẽ tăng giảm, ta khó cân đối được.

Những lần trình trước, vấn đề trạm phí BOT từng là “điểm nghẽn” được xử lý sao?

Vấn đề phí qua trạm BOT nước nào cũng có, không thể khác. Hiện còn 30 trạm phí BOT, các trạm này thu để hoàn vốn, bảo trì đường BOT thôi. Đúng là có nhiều trạm BOT thu phí cho đường BOT nhưng lại đặt trên đường nhà nước, nằm trên quốc lộ (13 trạm) là vấn đề gai góc, nhưng cần quá trình sắp xếp. Đây là vấn đề lịch sử, chứ tương lai Chính phủ nói sẽ không cho phép nữa, tức trạm BOT chỉ được đặt trên đường BOT. Còn 19 trạm phí thu cho ngân sách nhà nước thì sẽ giải quyết xong, sẽ bỏ hẳn khi bắt đầu thu quỹ bảo trì theo phương án nói trên nếu được thông qua.

Một vấn đề công bằng khác nữa là thu theo đầu phương tiện thì xe đi nhiều hay ít đều đóng phí như nhau?

Vì thế mà có thêm cách thu song song là qua thuế xăng dầu. Khi đó xe đi nhiều thì tiêu hao nhiều nhiên liệu. Mặt khác, thu qua đầu phương tiện nhưng đã phân khúc theo tải trọng, ví dụ xe con mức khác, xe khách dưới 12 chỗ khác trên 31 chỗ. Mà xe tải trọng càng lớn thì chắc chắn tiêu hao nhiều nhiên liệu rồi.

Vậy còn người đi xe máy vẫn phải nộp hai lần phí?

Quỹ này không chỉ cho sửa chữa bảo trì mà còn cho cả quản lý. Số thu ở xe máy phần lớn là thu cho quản lý. Nếu nói xe máy không gây hư đường là không hẳn, vì dù không hư hỏng đột xuất nhưng có gây hao mòn. Vì thế, mức thu xe máy chỉ khoảng 80.000 đồng/năm, tôi cho là không đáng kể, thu thế cũng là để mỗi người tham gia một chút để đẩy kết cấu hạ tầng lên. Chúng tôi cam kết kinh phí có thì đường dứt khoát tốt lên, chưa tốt ngay một hai năm đầu nhưng về lâu dài chắc chắn tốt.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent